Đà Nẵng: Bị can chết, tám cán bộ công an bị kỷ luật

Ngày 27-3, một đoàn giám sát khác của Ủy ban Tư pháp Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng làm trưởng đoàn cũng có buổi làm việc với VKS, Công an và Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng về việc chấp hành pháp luật trong thu thập, đánh giá chứng cứ và chống bức cung, nhục hình trong quá trình điều tra.

Tại buổi làm việc, đại diện Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng cho biết các luật sư ít gặp trở ngại từ phía cơ quan điều tra trong án chỉ định nhưng án do khách hàng mời thì ngược lại. Thời gian tiếp xúc giữa luật sư và bị can còn hạn chế (chỉ trong một tiếng), nhiều hoạt động điều tra thiếu vắng luật sư như khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ, xử lý vật chứng…

Trong khi đó, theo đại diện Công an TP Đà Nẵng, thời gian qua cơ quan này đã chỉ đạo kiểm tra, thanh tra, chấn chỉnh kịp thời những tồn tại thiếu sót trong điều tra, xử lý tội phạm và quản lý giam giữ; đề xuất Bộ Công an trang bị camera giám sát tại các buồng giam, phòng hỏi cung nhằm chống bức cung, dùng nhục hình. Việc lấy lời khai của người tham gia tố tụng được cơ quan điều tra tiến hành khách quan, công khai…

Ông Phan Trường Sơn (Viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng) cho hay phía VKS đã kiểm soát chặt quá trình điều tra của cơ quan điều tra ngay từ giai đoạn đầu. Hầu hết vụ án đều được kiểm sát viên đặt ra yêu cầu điều tra, những trường hợp cần thiết thì kiểm sát viên gặp trực tiếp điều tra viên thảo luận để đề ra yêu cầu điều tra nhằm định hướng cho điều tra viên tiến hành các hoạt động điều tra thu thập chứng cứ, chứng minh tội phạm và làm rõ các tình tiết tăng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự… Trong quá trình lấy lời khai, hỏi cung bị can được cơ quan điều tra thực hiện đúng quy định, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bị can và những người tham gia tố tụng khác.

Tuy nhiên, ngay tại buổi làm việc này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng đã yêu cầu các cơ quan chức năng ở Đà Nẵng làm rõ vụ bị can Võ Tấn Tâm (trú xã Tiên Ngọc, Tiên Phước, Quảng Nam) chết tại trụ sở Công an quận Hải Châu. Cụ thể, chiều 1-2-2012, Tâm bị công an bắt theo lệnh truy nã về tội trộm cắp. Sau đó, Tâm bị đưa về trụ sở Công an quận Hải Châu. Đến khoảng 20 giờ 40 cùng ngày, Tâm chết tại phòng làm việc. Qua khám nghiệm, trên thi thể nạn nhân có nhiều vết bầm tím do ngoại lực tác động nên Cục Điều tra VKSND Tối cao đã khởi tố vụ án.

Về vụ việc này, đại diện Trung tâm Pháp y TP Đà Nẵng thông tin: Những vết bầm trên thi thể nạn nhân do tác động của ngoại lực tập trung nhiều ở vùng đùi. Khi mổ khám nghiệm tử thi, các bộ phận tim, phổi, gan… không phát hiện tổn thương. Qua nhiều lần xét nghiệm, họp hội chẩn, trung tâm xác định Tâm chết do bệnh lý tim mạch.

Đại tá Lâm Cao Luynh (Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng) cho biết sau khi sự việc xảy ra, Công an quận Hải Châu đã lo chi phí mai táng, hỗ trợ gia đình nạn nhân. Ban Giám đốc Công an TP cũng đã kiểm điểm, kỷ luật tám cá nhân liên quan như cách chức, giảm bậc hàm, xử lý trách nhiệm của trưởng Công an quận Hải Châu.

Được biết hiện Cục Điều tra VKSND Tối cao vẫn chưa có quyết định khởi tố bị can. “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Cục Điều tra để làm rõ vụ việc” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng nói.

LỆ THỦY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm