Đặc vụ tình báo Mỹ kể chuyện - Bài 1: Một chương buồn của nước Mỹ

LTS: Trong thế giới gián điệp, cựu sĩ quan đặc vụ Henry A. Crumpton là một huyền thoại sống của Mỹ. Trong cuốn Nghệ thuật tình báo: Những bài học từ một cuộc đời ở Sở Mật vụ CIA, ông bật mí nhiều chuyện bếp núc chính trị Mỹ và cả CIA, nơi ông làm việc.

Sau khi Mỹ và các đồng minh giành thắng lợi trong chiến tranh lạnh và bức tường Berlin sụp đổ vào tháng 11-1989, nhiều nhà chính trị như Thượng nghị sĩ Daniel Patrick Moynihan, đã lên tiếng hồ nghi về sự cần thiết của cơ quan tình báo. Một số người đặt câu hỏi về sự cần thiết của Sở Mật vụ (một trong bốn bộ phận của CIA). Vì vậy trong những năm 1990, Quốc hội đã đặt cược vào “cổ tức hòa bình” và cắt giảm ngân sách dành cho tình báo đến tận xương.

Chủ quan vì kiêu hãnh

Là một đặc vụ trong suốt thập kỷ bị suy sụp do cắt giảm ngân sách, Henry Crumpton đã chứng kiến   sự đi xuống về hoạt động và sự khô héo của mạng lưới đặc vụ. CIA đóng cửa các cơ sở trên toàn thế giới. “Mọi chuyện diễn ra như thể các nhà lãnh đạo của chúng ta kỳ vọng những nguy hiểm về địa chính trị sẽ dần dần biến mất” - Henry Crumpton dè bỉu.

Một số nhà lãnh đạo CIA lớn tiếng bày tỏ sự phân vân về nhiệm vụ mù mịt của họ. Một số người rời khỏi tổ chức trong tâm trạng bối rối và phẫn nộ. Đáng chú ý hơn, một số nhân vật kỳ cựu CIA thậm chí còn chấp nhận cái khái niệm về một thế giới mới không có kẻ thù thực sự.

Người đứng đầu bộ phận Mật vụ quốc gia của CIA, ông Milton Bearden, tuyên bố Nga không còn là mối đe dọa về gián điệp đối với Mỹ nữa. Quan điểm của ông này chỉ lung lay khi các vụ thâm nhập của điệp viên Nga, chẳng hạn như Aldrich Ames vào CIA và Robert Hanssen vào FBI, bị phơi bày. Những kẻ phản bội này đã gây ra sự tổn hại lớn cho an ninh quốc gia Mỹ. Chúng cũng cung cấp thông tin cho các chỉ huy người Nga dẫn đến việc hành hình gần một chục đặc vụ Nga làm việc cho CIA.

Trong khi nước Mỹ rõ ràng ngày càng có nhiều quan hệ hợp tác với Nga, cũng như với Trung Quốc, hoạt động gián điệp vẫn là một thực tế không thể chối cãi. Những cường quốc này là đối tác của Mỹ về ngoại giao, khoa học, thương mại và nhiều lĩnh vực khác nữa. Nhưng họ cũng là đối thủ về gián điệp. Cả Nga và Trung Quốc có thể có đặc vụ tình báo hoạt động lẩn lút trong lòng nước Mỹ ngày nay, trong thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21, nhiều hơn con số đỉnh cao của thời Chiến tranh lạnh.

Đặc vụ tình báo Mỹ kể chuyện - Bài 1: Một chương buồn của nước Mỹ ảnh 1

Henry A. Crumpton nói chuyện với độc giả về cuốn Nghệ thuật tình báo: Những bài học từ một cuộc đời ở Sở Mật vụ CIA (NXB Penguin Press, 2012). Ảnh: shfwire.com

Tuy nhiên, trong sự yên ổn đầy thuận lợi sau thời Chiến tranh lạnh, Mỹ là quốc gia yên hưởng một quãng nghỉ ngơi ảo tưởng, trong một thế giới tưởng tượng rằng mình không có mối đe dọa và kẻ thù nào. Các nhà hoạch định chính sách ba hoa về uy thế vô địch của nước Mỹ và sự tiến triển phổ biến, không gì cản nổi của tự do tư tưởng chính trị và nguyên tắc thị trường tự do.

Quần CIA đến chóng mặt

Một số cán bộ thuộc quyền Tổng thống George W. Bush đã tìm cách phá hoại sự an toàn của mật vụ CIA Valerie Plame vì chồng của bà, Đại sứ Joe Wilson, đã công khai chỉ trích Nhà Trắng của ông Bush. Vì lợi ích chính trị hay vì lý do nào đó, các quan chức Nhà Trắng có thể gây nguy hiểm cho cuộc sống và vỏ bọc bất khả xâm phạm của nhân viên CIA này. Họ đã gây nguy hiểm cho những người đã mạo hiểm mạng sống của mình để làm gián điệp cho Mỹ. Cố vấn cao cấp của Nhà Trắng Scooter Libby đã bị bỏ tù vì không hợp tác trong việc điều tra của Liên bang về vụ rò rỉ.

Henry Crumpton viết: “Cùng với sự vi phạm niềm tin khủng khiếp này, Tổng thống Bush và các cộng sự của ông gây áp lực đối với CIA, nhất là khi họ thấy việc làm đó đụng họ. Giám đốc CIA, ông George Tenet, đã phát triển một mối quan hệ gần gũi, có lẽ hết sức gần, với Nhà Trắng. Trong những lần gặp mặt vào các năm 2001, 2002 tại trại David, tại phòng Tình hình và phòng bầu dục, Tổng thống Bush luôn hỏi han về các hoạt động và khuyến khích tôi và các nhân viên đang làm nhiệm vụ ở Afghanistan. Ông đã có hướng dẫn rõ ràng và giúp đỡ lớn về tinh thần. Thế tại sao ông lại có thể cho phép một cuộc tấn công chính trị vào mật vụ của CIA?”.

Khi Tổng thống Obama nhậm chức vào tháng 1-2009, Bộ Tư pháp của ông đã dọa bỏ tù mấy đặc vụ CIA vì những người này thực hiện những mệnh lệnh hợp pháp của chính quyền người tiền nhiệm (!). Đây là cách để trừng phạt CIA hay các nhân viên tình báo đơn thuần bị đá đít vì lợi ích chính trị? Suốt hơn hai năm trời, công tố viên đã “truy kích” Phó Giám đốc CIA Jose Rodriguez, để rồi sau đó phải rút lui khi không tìm thấy bằng chứng về việc làm sai trái nào.

Bất chấp sự phản đối của giám đốc và các cựu giám đốc CIA, Tổng thống Obama công bố các chi tiết về các kỹ thuật thẩm vấn tăng cường đã được chính quyền thời trước phê duyệt và chỉ đạo. Henry Crumpton cho rằng: “Chính quyền Obama tìm cách bợ đỡ luận điệu về sự ăn hại của CIA”.

Cái giá quá đắt

Rồi Al Qaeda tấn công nước Mỹ vào ngày 11-9-2001. Osama Bin Laden và 19 tên không tặc của y đã giết 2.977 người. Nạn nhân chủ yếu là người Mỹ và công dân của nhiều quốc gia khác. Người theo Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Do Thái giáo và những người khác nữa đã bỏ mạng hôm đó. Tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York bị phá hủy, để lại một đống đổ nát khủng khiếp của thi thể người và đất đá.

Ở bên ngoài thủ đô Washington, Lầu Năm Góc, tòa trụ sở của đội quân lớn nhất Trái đất, đã bị thương; một lỗ sâu, đen thui bốc khói bên trong tổng hành dinh này. Những quân nhân Mỹ, nam và nữ, chết và bị thương, phơi xác dọc theo hành lang. Những hành khách anh hùng của chiếc máy bay United Flight 93, với phản ứng thật hiệu quả với kẻ thù vào cái ngày tàn nhẫn đó, đã áp đảo những tên không tặc. Do không được điều khiển, chiếc máy bay đã phát nổ do rơi mạnh xuống vùng nông thôn gần Shanksville, bang Pennsylvania.

Henry Crumpton viết: “Nước Mỹ và thế giới, bị sốc và bị xúc phạm, cố hiểu cuộc tấn công này có ý nghĩa gì. Kẻ thù này là ai? Tại sao? Nước Mỹ đã bảo vệ công dân mình cái gì? Có thể làm gì để đối phó? Cái ngày khủng khiếp đó mở ra một cảm giác bị tổn thương mới mẻ. Người dân tự hỏi liệu nơi họ đang sinh sống có bị tấn công không? Hành động xúc phạm đến quê hương của chúng ta đã gây ra một cuộc tranh luận về chiến tranh và an ninh với sự khẳng định tình báo đóng vai trò hàng đầu. Sau đó Quốc hội Mỹ đã thành lập Ủy ban 11-9, với sự nhấn mạnh về vai trò của công tác tình báo. Các kết luận của ủy ban này và quan điểm của các nhà lãnh đạo chính sách rất rõ ràng: Vụ 11-9 là một thất bại lớn lao về tình báo chứ không phải là sự thất bại về chính sách”.

Tuy nhiên, chỉ mấy năm sau ngày 11-9-2001, nhận thức nước đôi về vai trò của công tác tình báo lại sống dậy mạnh mẽ ở Mỹ, kể cả trong hàng ngũ các nhà lãnh đạo. Người Mỹ có những tình cảm rất khác nhau đối với CIA. Một bộ phận có tình cảm ngưỡng mộ, nhất là vai trò hàng đầu của CIA trong việc chống lại Al-Qaeda. Một bộ phận lại tỏ ra nghi ngờ và ác cảm đối với nghề tình báo, đặc biệt là đối với kỹ thuật thẩm vấn và hành động bí mật gây chết người cũng như thách thức của CIA đối với tự do dân sự. Các phương tiện truyền thông và cơ sở kinh doanh giải trí thổi phồng và bóp méo tất cả khía cạnh hình ảnh của nghề tình báo, vẽ chân dung siêu anh hùng cùng những hình ảnh ghê tởm về điệp viên tình báo và công việc của họ.

Theo Henry Crumpton, dường như nguyên nhân ở đây là do sự hiểu biết kém cỏi về lĩnh vực tình báo của các nhà hoạch định chính sách, các quan chức và các nhà lãnh đạo, cả trong bộ máy chính phủ và trong toàn xã hội. Ông tự hỏi trong chuyện này có bao nhiêu người ngu dốt một cách trung thực, bao nhiêu người hoài nghi và bị tác động bởi các chính trị gia, nhà báo, nghệ sĩ và những người trục lợi. 

Và người Mỹ đã thay đổi thái độ với CIA mỗi khi họ nghĩ đến ngày 11-9-2001.

KHIẾT ĐAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm