Đảo Chuột hết chuột

Chuột trên đảo Chuột không thuộc giống bản địa mà có nguồn gốc từ châu Á sang. Tên khoa học của giống chuột này là Rattus norvegicus, thường gọi là chuột cống.

Đảo Chuột hết chuột ảnh 1

Giống chuột trên đảo

Chuột đến đảo này từ một vụ đắm tàu cách nay gần 230 năm. Một chiếc tàu Nhật Bản bị đắm gần đảo năm 1780. Chuột trong chiếc tàu đã bò lên đảo, sinh sôi nảy nở nhanh chóng và dần dần tỏa đi, chiếm cứ 16 hòn đảo khác. Năm 1827, thuyền trưởng Fyodor Petrovich Litke đặt tên cho một nhóm đảo trong quần đảo Aleutian là quần đảo Chuột.

Không có một thế lực tự nhiên nào ở nơi này chống lại được với sự phát triển của chuột. Chuột phá hoại các tổ chim trên đảo, ăn trứng và chim con, làm số lượng các loại chim biển giảm đi nhiều. Đảo chi chít hang chuột, cứt chuột, cây cỏ bị gặm nhấm.

Năm 2007, Cơ quan Cá và Động vật hoang dã Hoa Kỳ lên kế hoạch diệt chuột trên đảo Chuột. Kế hoạch tốn tới 2,5 triệu USD. Các nhà khoa học phải nghiên cứu phương án diệt chuột mà không làm chết các loài chim khác sống trên đảo. Vào mùa thu năm 2006, họ đã thả từ trực thăng xuống đảo chất độc brodifacoum trong một tuần rưỡi. Sau đó, họ không còn thấy dấu hiệu tồn tại của chuột trên đảo. Đồng thời, các giống chim bắt đầu làm tổ trở lại.

Đảo Chuột hết chuột ảnh 2

Trực thăng chuẩn bị thả bả chuột

Tháng 6-2009, Cơ quan Cá và Động vật hoang dã Hoa Kỳ tuyên bố đảo Chuột đã được giải phóng khỏi bọn chuột. Mặc dù vậy, đảo Chuột vẫn được theo dõi liên tục trong hai năm nữa để chắc chắn rằng đảo đã hết sạch chuột.

Chuột gieo tai họa cho các đảo trên khắp thế giới, là thủ phạm của khoảng từ 40% tới 60% trường hợp tuyệt chủng của các loài chim biển và bò sát. Mỹ có luật buộc các thủy thủ phải kiểm tra tàu, tìm và diệt chuột. Nếu vi phạm, họ có thể bị tù một năm và bị phạt bổ sung 100.000 USD.

NGỌC HƯƠNG

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 8-2009)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm