Đạo diễn phạm tội nhưng không ở tù

Người của bi kịch

Tháng 2-2009, vụ án của Polanski có diễn biến mới. Lại nhân lúc gần diễn ra lễ trao giải Oscar hàng năm, câu chuyện về Polanski đã được nhiều phương tiện truyền thông khai thác.
Cuộc đời riêng của Polanski đầy bi kịch.

Ông sinh năm 1933 tại Pháp nhưng cha mẹ chuyển về sống ở Ba Lan, quê của người cha gốc Do Thái. Vào lúc Đức Quốc xã lùng bắt người Do Thái, cha mẹ của Polanski bị đưa và trại tập trung của Đức Quốc xã. Người cha sống sót nhưng mẹ bị giết. Polanski  được một nông dân giúp đỡ trốn thoát khỏi khu người Do Thái Krakow (Ba Lan).

Khi Đức Quốc xã bị tiêu diệt, Polanski đoàn tụ với cha, học ngành phim. Những phim đầu tay quay lúc còn đi học cho thấy Polanski là một đạo diễn đầy hứa hẹn. Phim Knife in the Water của Polanski được đề cử giải Oscar phim nước ngoài hay nhất vào năm 1963.

Đạo diễn phạm tội nhưng không ở tù ảnh 1

Polanski và vợ - nữ diễn viên Sharon Tate

Bi kịch thứ hai của Polanski là cái chết vô cùng thê thảm của người vợ, nữ diễn viên nổi tiếng Sharon Tate tại Los Angeles (Mỹ) khi Polanski chuyển sang làm phim ở Holywood. Sharon Tate đang mang thai đứa con trai tám tháng, bị “Gia đình” Charles Manson (một băng đảng do tên tội phạm Charles Manson cầm đầu) đột nhập vào nhà và giết rất dã man trong khi Polanski đang ở tại London (Anh).

Dù rất đau khổ, Polanski cũng tiếp tục làm ra những phim hay. Thành công nhất trong lúc đó là phim China town (1973) Phim này được đề cử 11 giải Oscar và được giải Oscar về kịch bản gốc.

Vụ án hiếp dâm trẻ em

Polanski cần tìm một người mẫu nữ để chụp ảnh đăng trên tạp chí Vogue. Mẹ của cô bé Samantha Geimer đồng ý để đứa con 13 tuổi của mình làm người mẫu cho Polanski. Lần hẹn chụp ảnh thứ hai diễn ra tại nhà nam diễn viên Jack Nicholson ở Los Angeles (Mỹ) ngày 10-3-1977.

Theo lời kể của người bị hại, cuối buổi chụp ảnh, Polanski đòi quan hệ tình dục với cô gái và cô đã phản đối. Tuy nhiên, do bị Polanski cho uống thuốc mê và rượu champagne, cô bé không thể chống cự nên đã bị hại. Còn Polanski nói rằng mẹ cô gái dàn dựng chuyện với mục đích tống tiền.

Polanski bị buộc vào sáu trọng tội, trong đó có tội hiếp dâm trẻ em dưới 14 tuổi, phải đối diện với bản án tù chung thân. Thông qua thương lượng mà luật cho phép giữa bị cáo và tòa, Polanski đồng ý nhận tội để được xử án nhẹ hơn. Theo thỏa thuận, Polanski chỉ còn bị buộc tội giao cấu bất hợp pháp với trẻ em.

Tòa ra lệnh Polanski trình diện tại nhà tù Chino để giám định tâm thần trong 90 ngày. Sau đó, tòa cũng cho phép ông ta được tại ngoại 90 ngày để tiếp tục hoàn thành công việc còn dang dở. Trong thời gian này, Polanski được phép ra nước ngoài.

Đạo diễn phạm tội nhưng không ở tù ảnh 2

Roman Polanski trở thành đối tượng bị báo chí săn đuổi

Ở tù 42 ngày thì Polanski được ra tù. Ngày 1-2-1978, Polanski bay sang nhà riêng của mình ở London. Ngay ngày hôm sau, Polanski bay qua Pháp vì sợ  chính quyền Anh dẫn độ về Mỹ theo Hiệp ước dẫn độ mà Anh đã ký với Mỹ. Ở Pháp, Polanski yên tâm vì ông ta có quốc tịch Pháp (Polanski sinh ở Pháp) và theo Hiệp ước dẫn độ Mỹ-Pháp, Pháp có thể từ chối dẫn độ công dân Pháp Polanski về Mỹ.

Tính toán của Polanski chính xác. Mỹ đã yêu cầu dẫn độ Polanski nhưng Pháp từ chối. Từ đấy trở đi, Polanski chưa bao giờ quay lại Mỹ, cũng không tới nước Anh hoặc những nước mà Polanski xét thấy có thể bắt ông ta giao nộp cho Mỹ.

Yên tâm sống ở Pháp, Polanski tiếp tục làm phim ở các nước Pháp, Đức, Cộng hòa Czech và Ba Lan. Polanski lần lượt cho ra đời những phim có giá trị về thương mại cũng như nghệ thuật. Bộ phim Tess (1979) được quay tại Pháp, chiếm giải thưởng César (giải thưởng điện ảnh Pháp) về phim hay nhất và đạo diễn hay nhất, chiếm ba giải Oscar, được đề cử sáu giả Oscar trong đó có đề cử giải Oscar về đạo diễn hay nhất.

Phim Pianist đưa Polanski đạt tới đỉnh cao danh vọng. Phim này năm 2002 được nhận giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes, giải César phim hay nhất, đạo diễn hay nhất và được đề cử bảy giải Oscar, được trao ba giải Oscar trong đó có giải đạo diễn hay nhất cho Polanski. Polanski không thể trở lại Mỹ nhận giải Oscar.

Là tên tội phạm trốn lệnh truy nã của Mỹ nhưng năm 1988, Polanski được bầu vào Viện Hàn lâm nghệ thuật Pháp, một danh dự lớn.

Kết thúc vụ án: phải trở về Mỹ

Báo Mỹ Vanity Fair đăng một bài báo kể chuyện Polanski gạ gẫm tình dục một người mẫu trẻ khi từ Anh trở về dự đám tang Sharon Tate. Từ Pháp, Polanski kiện báo Vanity Fair về tội phỉ báng tại một tòa án ở London. Vụ kiện này đã trở thành sự kiện trong lịch sử tòa án Anh. Polanski nói với tòa rằng ông ta không thể tới London vì sợ bị bắt dẫn độ về Mỹ và yêu cầu  được dự phiên tòa qua kết nối video.

Tòa bắt đầu xử ngày 18-7-2005. Polanski chứng minh bài báo nói sai sự thật, thắng kiện, được bồi thường 50.000 bảng Anh. Sau vụ kiện, một biên tập viên của Vanity Fair  phát biểu: “Tôi ngạc nhiên vì một người sống tại Pháp lại có thể kiện tờ tạp chí xuất bản ở Mỹ tại một tòa án của Anh”.

Đạo diễn phạm tội nhưng không ở tù ảnh 3

Đạo diễn Roman Polanski

Năm 2008, Liên hoan phim Sundance chiếu ra mắt bộ phim tài liệu Roman Polanski: Wanted and Desired. Trong phim, những người có trách nhiệm xét xử vụ án hiếp dâm 1977 đã tiết lộ vài sự việc liên quan tới diễn tiến từ lúc Polanski đồng ý nhận tội để được xử án nhẹ cho tới lúc ông ta trốn khỏi nước Mỹ.

Luật sư của Polanski dựa vào tài liệu đó để nộp đơn yêu cầu Tòa án Los Angeles hủy vụ án hiếp dâm vì những sai sót của  thẩm phán xử lý vụ việc đầu tiên (nay vị thẩm phán này đã chết). Đồng thời, cô bé Samantha Geimer bị hiếp dâm năm xưa nay đã là mẹ của bốn con, cũng nộp đơn đề nghị tòa xếp lại vụ án.

Tháng 2-2009, Tòa Thượng thẩm Los Angeles xử rằng Polanski trước hết  phải trở về Mỹ, tự mình xin hủy vụ án thì tòa mới xét. Polanski đã nói không bao giờ trở lại nước Mỹ. Vụ án kéo dài trên 30 năm sẽ còn tiếp tục là đề tài  của báo chí.

NGỌC HƯƠNG

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm