Đáp án kỳ 26: Người Việt không được đặt ‘tên ngoại’

Tình huống của kỳ 26 không quá khó với “dân trong nghề” nhưng lại lắt léo nếu người tham gia ít có điều kiện cọ xát với các thủ tục hành chính về hộ tịch. Do vậy, số lượng đáp án đúng kỳ này dự đoán sẽ không cao. Nhưng không sao, tiêu chí của chúng ta là “Không được giải cũng được luật” mà, phải không các bạn?

Để có đáp án được À Ra Thế công nhận chấm giải, bạn đọc cần phải tra cứu ba luật khác nhau, đó là Luật Hộ tịch, Luật Quốc tịch và Bộ luật Dân sự. Nếu viện dẫn thiếu một trong ba văn bản luật trên, đáp án của quý bạn đọc sẽ khó mà hoàn chỉnh được.

Do em bé trong tình huống là con chung của chị A và anh Andrew Thomas (quốc tịch Mỹ) nên việc đầu tiên chúng ta cần xác định chính là quốc tịch của em bé. Theo khoản 2 Điều 16 Luật Quốc tịch về trường hợp quốc tịch của trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam đã quy định: “Trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì có quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ vào thời điểm đăng ký khai sinh cho con”. Tình huống đưa ra, anh Andrew đi đăng ký khai sinh nhưng không có văn bản thỏa thuận với chị A về việc chọn quốc tịch cho em bé. Do vậy, việc xác định quốc tịch cho em bé sẽ căn cứ vào quy định cũng tại khoản 2 Điều 16 này: “Trường hợp trẻ em được sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam mà cha mẹ không thỏa thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con thì trẻ em đó có quốc tịch Việt Nam”. Tiếp đó, thủ tục đăng ký khai sinh được quy định khá cụ thể tại Điều 16 và Điều 36 Luật Hộ tịch 2014. Theo quy định này, “Trường hợp cha mẹ chọn quốc tịch nước ngoài cho con thì văn bản thỏa thuận phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước ngoài mà người đó là công dân” (Điều 36). Như vậy, với các quy định trên và đối chiếu với tình huống của kỳ 26, chúng ta xác định được em bé mang quốc tịch Việt Nam.

Vấn đề còn lại cần xác định là việc anh Andrew đăng ký khai sinh cho con với tên là Nhã Lily Thomas thì có được hay không. Để làm được điều này, chúng ta lại phải tra cứu quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Khoản 3 Điều 26 của luật này về quyền có họ, tên đã quy định: “Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ”. Với quy định này thì đến đây đã rõ, cán bộ thụ lý từ chối là có cơ sở.

Từ những phân tích trên, đáp án À Ra Thế kỳ 26 là cán bộ tiếp nhận từ chối làm thủ tục đăng ký khai sinh như vậy là đúng.

 À Ra Thế xin chúc mừng những bạn đọc có đáp án trùng với đáp án trên. Vẫn với tinh thần “Không được giải cũng được luật”, xin mời bạn đọc tiếp tục nhanh tay tra luật để tham gia giải đố ở các kỳ tiếp theo.

À Ra Thế xin gửi lời cảm ơn đến bạn đọc Nguyễn Quốc Sử (Phòng Tư pháp TP Tam Kỳ, Quảng Nam) đã gửi tình huống này. Con số may mắn kỳ 26 sẽ được À Ra Thế công bố đến quý bạn đọc vào thứ Tư (15-2) kèm theo danh sách năm bạn đọc xuất sắc nhất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm