HAI NGƯỜI BẠN PHÁP DẤN THÂN VÌ VIỆT NAM - BÀI 2

Đấu tranh vì biển, đảo Việt Nam

Sau sự kiện phất cờ của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam và rải truyền đơn giữa Sài Gòn vào trưa 25-7-1970, hai anh André Marcel Menras và Jean-Pierre Debris bị chính quyền Sài Gòn xử lần lượt ba năm và bốn năm tù. Qua vận động của Tổ chức Ân xá Quốc tế, ngày 1-1-1973, chính quyền Sài Gòn đã ký lệnh ân xá và trục xuất hai anh Debris và Menras về Pháp.

Vận động hòa bình, chống chiến tranh ở Việt Nam

Ngay sau khi về Pháp, anh André Marcel Menras đã đi Úc và Nhật Bản để vận động hòa bình cho Việt Nam. Tương tự, anh Jean-Pierre Debris thì gặp gỡ các nhân vật thủ lĩnh các phong trào hòa bình Mỹ và Tổ chức Ân xá Quốc tế như Joan Baez, Bela Enger, Jane Fonda… và được mời sang Mỹ để vận động hòa bình cho Việt Nam. Chính Jane Fonda - nữ danh ca, minh tinh màn bạc Mỹ nổi tiếng, người từng đến Hà Nội năm 1972 và ngồi trên mâm pháo biểu diễn các bài hát phản chiến - đã trang trải tất cả kinh phí cho Debris ở Mỹ hơn hai năm (từ cuối năm 1973 đến tháng 5-1975).

Đối với anh Debris, đáng ghi nhớ nhất qua chuyến đi này là lần đoàn đến nói chuyện trước Đại hội đảng Dân chủ Mỹ nhóm họp tại Kansas City năm 1974. Đoàn đã dựng một mô hình chuồng cọp của nhà tù Côn Đảo ngay lối vào hội trường để mọi đại biểu đều nhìn thấy sự tàn độc của chế độ Sài Gòn đối với tù chính trị. Đại hội này do hai vị thượng nghị sĩ Mỹ có cảm tình với phong trào chống chiến tranh Việt Nam là Mansfield và Fulbright chủ trì, nhất là nghị sĩ “bồ câu” Fulbright rất chống việc chính phủ Mỹ duy trì chiến tranh ở Việt Nam.

Đại hội này còn có mặt Đại tướng Abrams, Tổng tư lệnh Liên quân Mỹ ở Việt Nam và Henry Kissinger, Ngoại trưởng Mỹ. Hai quan chức này bị đại biểu chất vấn liên tục về sự can dự của quân đội Mỹ ở Việt Nam. Riêng Ngoại trưởng Kissinger bị các đại biểu nhiều lần vặn hỏi về số tiền 700 triệu USD viện trợ cho chính quyền Sài Gòn có phải dùng để duy trì hệ thống nhà tù kiểu chuồng cọp ở Côn Đảo và để giam giữ 200.000 tù chính trị không.

Đấu tranh vì biển, đảo Việt Nam ảnh 1

Ngày 1-12-2009, tại Sở Tư pháp TP.HCM, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (trái) trao quyết định công nhận quốc tịch Việt Nam cho ông Hồ Cương Quyết, tức André Marcel Menras (phải). Người đứng giữa là ông Nguyễn Đức Chính, lúc đó là giám đốc Sở Tư pháp TP. Ảnh: HTD

Trở về Việt Nam

Vào một ngày đầu tháng 2-1976, tôi đang làm việc ở báo Tuổi Trẻ thì nhận được một gói quà tặng. Đó là quyển sách Thoát khỏi ngục tù Sài Gòn, chúng tôi vạch tội của hai đồng tác giả Jean-Pierre Debris và André Marcel Menras (Nhà xuất bản Văn học Giải phóng, 1974) do Debris ký gửi tặng, kèm lá thư anh viết bằng tiếng Việt ở trang đầu sách.

Trong thư gửi cho tôi, Debris đã dùng từ “về” để nói về sự quay lại Việt Nam như một người con đi xa về lại mái nhà mình. Đầu tiên anh làm việc ở Nhà xuất bản Ngoại văn, sau đó anh chuyển sang Công ty Dầu khí Pháp Total. Anh nói sõi tiếng Việt và thường dùng thêm tên Việt là Hồ Tất Thắng.

Trong khoảng năm năm đầu sau 1975, khi ra Hà Nội họp Quốc hội, tôi và anh Huỳnh Tấn Mẫm thường hay tìm gặp anh Debris rủ đi dạo phố Hà Nội và ôn lại kỷ niệm của những ngày trong chốn lao tù Sài Gòn. Sau này anh Debris kết hôn với chị Hòa, một cô gái ở Sài Gòn. Họ có với nhau một con trai, nay đã trưởng thành và đang làm việc tại Pháp. Vào khoảng tháng 5-2012, anh Debris đã tìm đến nhà thăm tôi. Anh cho biết hiện anh đã nghỉ hưu nên có thời gian thường xuyên qua lại hai nước Pháp-Việt liên tục.

Còn anh André Menras, trong những năm đầu sau 1975, khi trở lại thăm Việt Nam, anh đã đến viếng mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Quới, người bạn tù chung ở nhà tù Chí Hòa trước 1975, người đã đặt tên Việt Nam cho anh là Hồ Cương Quyết. (Năm 2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã trao quyết định công nhận quốc tịch Việt Nam cho anh với cái tên Hồ Cương Quyết, tức Menras.)

Lên tiếng vì ngư dân Việt Nam

Vào khoảng giữa năm 2011, anh André Menras đã lặn lội đến vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam và đến những xóm làng chài của ngư dân miền Trung Việt Nam để thực hiện bộ phim Hoàng Sa Việt Nam, nỗi đau mất mát do chính anh viết kịch bản và đạo diễn. Bộ phim phỏng vấn trực tiếp và phản ánh nỗi đau của những gia đình ngư dân vốn có chồng, cha, anh là những người đánh cá trên vùng biển của Việt Nam bị Trung Quốc bắt bớ, giam cầm. Bộ phim đã gây xúc động cho những ai quan tâm đến đời sống, cuộc mưu sinh của ngư dân miền Trung nước ta, đến chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Đấu tranh vì biển, đảo Việt Nam ảnh 2

Bìa cuốn sách Thoát khỏi ngục tù Sài Gòn, chúng tôi vạch tội của Jean-Pierre Debris và André Marcel Menras. Ảnh: TƯ LIỆU

Đầu năm 2012, anh André Menras đã có một cuộc hành trình qua các nước châu Âu để chiếu bộ phim nói trên nhằm gởi đến dư luận quốc tế một thông điệp rõ ràng về những hành động bạo lực mà hải quân Trung Quốc đã hành xử đối với những ngư dân Việt Nam.

Vào đầu tháng 6-2012, anh André Menras lại “về” Việt Nam. Anh ra tận các đảo Hoàng Sa, đảo Lý Sơn để trao cho 40 gia đình ngư dân đảo Lý Sơn và 37 gia đình ở xã Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi) số tiền 322 triệu đồng. Phần lớn số tiền này được quyên góp qua hành trình chiếu bộ phim nói trên ở các nước châu Âu. Anh nói: “Đây là đôi chút thuốc giảm đau cố gắng đắp lên những vết thương của các ngư dân Việt Nam. Đây là hành động đoàn kết mạnh mẽ đối với nhân dân Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo”.

Anh André Menras còn viết nhiều bài báo phê phán Trung quốc đã đưa ra “đường lưỡi bò” nhằm xâm chiếm 80% biển Đông, vốn là tài sản của các nước ven bờ.

▲▲▲

Với tư cách là một người bạn đã cùng chiến đấu trong cuộc đấu tranh trường kỳ giành độc lập Việt Nam, qua bài báo này tôi muốn bày tỏ lời cảm ơn chân thành đến hai anh Jean-Pierre Debris và André Marcel Menras - những người đã dũng cảm dấn thân vào gian khổ, tù đày để góp phần giành lại và bảo vệ nền độc lập, chủ quyền của dân tộc Việt Nam, vào trước năm 1975 và cả hiện nay.

Đây cũng là một biểu tượng bất diệt về tình đoàn kết của bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp hòa bình và độc lập của dân tộc Việt Nam.

Tình đồng chí

Dưới đây là trích bức thư Jean-Pierre Debris - Hồ Tất Thắng gửi cho tác giả vào đầu tháng 2-1976, kèm quyển sách Thoát khỏi ngục tù Sài Gòn, chúng tôi vạch tội! của hai đồng tác giả Jean-Pierre Debris và André Marcel Menras (Nhà xuất bản Văn nghệ Giải phóng, 1974). Thư viết:

Hà Nội, ngày mùng 9 tháng 2 năm 1976.

Tặng cho Nuôi, người bạn tù của tôi, để làm kỷ niệm những ngày sống chung một hoàn cảnh tại Chí Hòa và vai sát vai đoàn kết, chiến đấu. (…) Sau khi được tự do, André Menras và tôi đã phải viết cuốn sách này rất gấp rút để kịp thời đáp ứng nhu cầu của tình hình lúc đó rất gay go (mới ký kết Hiệp định Paris, sự trao trả các tù binh và tù chính trị giữa hai bên). Chúng tôi viết cuốn sách này trong một tuần lễ; cuốn sách được in trong một thời gian kỷ lục là ba tuần và sau đó được dịch ra tiếng Mỹ, Nhật, Ý, Đức, Hà Lan, Ba Lan, Hung Gia Lợi (Hungary) và Tiệp Khắc…

Nay tôi được về một nước Việt Nam… độc lập và đang đẩy mạnh việc xây dựng lại đất nước, hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Xuân nào vui hơn, đối với 45 triệu người Việt Nam…

Nhờ đồng chí, tôi cũng xin gửi những lời thăm hỏi của tôi đến các đồng chí Huỳnh Tấn Mẫm, Nguyễn Thanh Công, Nguyễn Tấn Tài, Huỳnh Kim Báu, Cao Lập, Nguyễn Duy Thông, Đoàn Khắc Xuyên, chị Quế Hương, chị Trần Thị Lan, v.v…

Đoàn kết chiến đấu. Thân ái.

Jean-Pierre Debris - Hồ Tất Thắng.

LÊ VĂN NUÔI, TP.HCM, tháng 1-2013

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm