Điểm mặt luật sư "dính chàm"- Bài 3: Gốc rễ vẫn là lương tâm nghề nghiệp

Theo luật sư Đoàn Công Thiện (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Kiên Giang) chuyện luật sư vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật xuất phát từ ý thức vụ lợi của một số luật sư thiếu lương tâm nghề nghiệp, thiếu bản lĩnh, bị chi phối bởi giá trị vật chất. Vi phạm thường rơi vào những người không chịu rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, không đặt lợi ích cá nhân hài hòa với lợi ích chung của xã hội.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý

Trước tình hình trên, luật sư Thiện đánh giá rất cao Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư vừa được Liên đoàn Luật sư Việt Nam ban hành. Theo ông, đây là kết quả của một quá trình đúc kết từ thực tiễn, có ý nghĩa điều chỉnh hành vi ứng xử đối với từng cá nhân luật sư. Trong mỗi quy tắc đều có nội dung định hướng hành xử tích cực, do đó sẽ hạn chế được những hiện tượng tiêu cực nói chung trong giới luật sư.

Luật sư Trương Xuân Tám (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), cũng nhận xét Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư sẽ góp phần nâng cao chuẩn mực về đạo đức của luật sư. Một số quy tắc rất chi tiết, chẳng hạn lên án rất rõ hành vi hứa hẹn trước kết quả với khách hàng một cách thiếu cơ sở hoặc cấm luật sư không được dùng những lời lẽ ám chỉ để khách hàng biết về mối quan hệ của mình với điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán… nhằm mục đích gây niềm tin với khách hàng về hiệu quả công việc…

Tuy nhiên, cả hai luật sư đều cho rằng nếu chỉ dựa vào Bộ Quy tắc trên để răn đe, giáo dục, thuyết phục thì chưa đủ. Quan trọng hơn là cơ quan chức năng phải thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm của luật sư, kết hợp với việc tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói chung trong các cơ quan tố tụng.

Điểm mặt luật sư "dính chàm"- Bài 3: Gốc rễ vẫn là lương tâm nghề nghiệp ảnh 1

Kêu gọi lương tâm nghề nghiệp

Góp thêm một góc nhìn, một phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa cho rằng chuyện luật sư vi phạm đạo đức nghề nghiệp chỉ có thể nắm bắt được khi có tranh chấp, kiện tụng. Sai phạm khó bị phát hiện, phát hiện rồi lại khó chứng minh, chứng minh được cũng có nhiều tình huống khó quy tội… Do vậy, cái căn bản vẫn là lương tâm hành nghề của luật sư, còn các biện pháp chế tài chỉ mang tính ứng phó khi chuyện đã rồi.

Đi vào khía cạnh này, luật sư Bùi Quang Vui (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) nói bất cứ một nghề nào cũng đều cần có lương tâm nghề nghiệp nhưng luật sư lại càng phải giữ gìn chữ tâm bởi đây là nghề bảo vệ pháp chế, không đơn thuần chỉ là làm dịch vụ kiếm tiền.

Luật sư Trương Xuân Tám cũng nhấn mạnh: “Nếu luật sư không giữ gìn đạo đức nghề nghiệp cao quý của mình mà cứ hứa hão, hứa suông nhằm lôi kéo khách hàng, nhằm thu tiền thù lao cao thì rất nguy hiểm. Vừa dễ dẫn đến mất uy tín, vừa không xây dựng được thương hiệu cho mình lại dễ dẫn tới sai phạm”.

“Luật sư không được vì lợi ích trước mắt mà vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật, không thể dùng mọi khả năng để đổi trắng thay đen sự thật. Để được như vậy, luật sư cần phải tự nâng cao, trau dồi kỹ năng kiến thức nghề nghiệp, phải tận tâm, tận tình trong công việc” - luật sư Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam, khẳng định.

Hoàn thiện pháp luật để chống chạy án

Hơn ai hết, giới luật sư rất muốn một xã hội sống và làm việc theo pháp luật, thượng tôn pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay vấn nạn chạy án vẫn ngầm xảy ra vì lợi ích của nhiều bên như đương sự, luật sư, cán bộ tố tụng. Đây là một hiện tượng có thật mà nguyên nhân cũng có phần xuất phát từ quy định pháp luật chưa chặt chẽ. Chẳng hạn, trong pháp luật hình sự khung hình phạt của một tội danh được phép dao động quá lớn, cơ quan tố tụng có quyền áp dụng khác nhau nên việc chung chi để xử nhẹ hơn là khó tránh khỏi. Hoặc như người ta từng nói án dân sự xử sao cũng được…

Việc ban hành Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư là bước đầu cho việc cải thiện dần hình ảnh của luật sư trong mắt của người dân cũng như các cơ quan tố tụng. Bên cạnh đó, cũng cần phải kết hợp với việc hoàn thiện pháp luật để tránh việc đương sự, luật sư lợi dụng kẽ hở nhằm trục lợi.

Luật sưNguyễn Văn Trường, Đoàn Luật sư TP.HCM

Bổn phận làm đúng quy tắc

Nghề luật sư có đặc trưng riêng là gắn liền với danh dự, nhân phẩm, sinh mạng và tài sản của khách nên luật sư cần phải gắn lợi ích của mình với lợi ích của khách hàng. Luật sư cần phải lấy quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư làm thước đo chuẩn mực trong hoạt động của mình.

Luật sưNGUYỄN MINH TÂM, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn
Luật sư Việt Nam

Giữ bí mật sao để khỏi phạm luật?

Tôi đang băn khoăn một số điểm chưa hợp lý trong Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư. Chẳng hạn Quy tắc 12 quy định luật sư có nghĩa vụ phải giữ bí mật cho thân chủ nhưng lại không đề cập trường hợp bí mật của thân chủ chính là hành vi phạm tội của họ thì sao? Luật sư sẽ bị đẩy vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: Nếu biết thân chủ phạm tội mà tố giác với cơ quan bảo vệ pháp luật thì vi phạm quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp nhưng nếu không tố giác thì lại vi phạm pháp luật, có tội với phía nạn nhân...

Luật sưTRẦN CÔNG LY TAO, Đoàn Luật sư TP.HCM

Còn những điểm chưa rõ

Quy tắc 14 cấm luật sư đòi hỏi từ phía khách hàng bất kỳ khoản tiền chi thêm hoặc tặng vật nào ngoài khoản thù lao và các chi phí kèm theo đã thỏa thuận, trừ trường hợp khách hàng tự nguyện thưởng cho luật sư khi kết thúc dịch vụ. Có nhiều vụ án phức tạp, quá trình giải quyết phát sinh nhiều tình tiết mới thì luật sư phải thu thập chứng cứ. Hoạt động thu thập phát sinh chi phí rất tốn kém mà trước đó luật sư và khách hàng chưa dự kiến, thỏa thuận trước thì luật sư có được yêu cầu khách hàng khoản tiền chi thêm hay không?

Luật sưVÕ QUANG VŨ, Đoàn Luật sư tỉnh Bình Định

NHÓM PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm