Đình chỉ giải quyết vụ “đại gia đi trộm”

Mới đây, TAND huyện Sông Hinh (Phú Yên) đã đình chỉ giải quyết vụ án trộm cắp tài sản đối với ông Nguyễn Đình Vĩnh Tường. Lý do đình chỉ là đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 5 Điều 107 BLTTHS.

Bắt giam nhưng không xử được

Như Pháp Luật TP.HCM từng thông tin, tối 19-6-2012, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) - Công an tỉnh Phú Yên đã bắt ông Tường (một doanh nhân kinh doanh nhà hàng, salon ô tô tại TP.HCM). Phòng PC52 - Công an tỉnh Phú Yên cho rằng ông Tường bị bắt theo lệnh truy nã từ năm 2000 của Công an huyện Sông Hinh vì tham gia một vụ trộm cắp xe máy.

Trong hai lần mở phiên tòa sau đó, TAND huyện Sông Hinh đều phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung do ông Tường kêu oan. Theo ông Tường, ông không hề tham gia trộm cắp. Tên của bị can trong quyết định khởi tố bị can ngày 7-11-2000 và lệnh truy nã ngày 7-12-2000 của Công an huyện Sông Hinh đều ghi là Nguyễn Vĩnh Tường, thường trú xã Hòa Bình 2, huyện Tây Hòa (Phú Yên). Thông tin này không đúng với ông bởi từ nhỏ đến nay ông chỉ có duy nhất một tên là Nguyễn Đình Vĩnh Tường và đã chuyển khẩu đi khỏi xã Hòa Bình 2 từ năm 1998. Trong quá trình chuyển khẩu, làm chứng minh nhân dân, đăng ký kinh doanh, ông chỉ có duy nhất một tên này. Ngoài ra, ông không hề biết mình bị truy nã bởi ông vẫn sống cùng gia đình, đi lại, kinh doanh, về thăm quê bình thường bằng tên thật.

Sau hơn chín tháng bị tạm giam, tháng 3-2013, ông Tường đã được TAND huyện Sông Hinh cho tại ngoại. Từ đó đến nay, tòa không mở lại phiên xử và vừa ra quyết định đình chỉ như đã nói.

Đình chỉ vì “hết thời hiệu”

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Ngọc Minh (Chánh án TAND huyện Sông Hinh) nói: “Ông Tường có hành vi phạm tội nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nên tòa ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án”.

Ông Nguyễn Văn Huy (Phó Viện trưởng VKSND huyện Sông Hinh) cho biết công an, VKS huyện không nhất trí với quyết định trên nhưng “hồ sơ ở cơ quan nào thì cơ quan đó giải quyết”. Còn ông Huỳnh Văn Tào (Phó Trưởng Công an huyện Sông Hinh) nói: “Đình chỉ là quyền của tòa án, cơ quan điều tra sẽ tính sau”.

Giải thích vì sao tên của ông Tường không đúng với tên trong quyết định khởi tố, lệnh truy nã nhưng VKS vẫn phê chuẩn lệnh bắt giam và tiến hành điều tra, truy tố, ông Huy cho biết: “Không đúng tên nhưng đúng con người đó. Chẳng qua sau quá trình xác minh có sai sót tên tuổi thôi. Việc bắt giam không vi phạm gì cả bởi thằng này (ông Tường - PV) bị bắt theo lệnh truy nã. Thứ hai, nó không có hộ khẩu thường trú ở đây cho nên người ta phải áp dụng biện pháp ngăn chặn để phục vụ điều tra, truy tố. VKS vẫn giữ nguyên quan điểm có tội nên mới truy tố, chuyển sang tòa”.

Cả ông Minh lẫn ông Huy đều cho rằng trường hợp này không oan nên không được bồi thường oan. Trong khi đó, theo ông Tường, ông đã xúc tiến việc kháng cáo quyết định đình chỉ, đồng thời cho biết sẽ nộp đơn khởi kiện đòi bồi thường oan. Ông bức xúc: “Tòa ra quyết định đình chỉ nhằm né bồi thường oan. Tôi yêu cầu tòa phải đưa ra phán quyết cuối cùng là tôi có tội hay không, phải minh oan, trả lại danh dự cho tôi chứ không thể đình chỉ như thế”.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có diễn tiến mới.

TẤN LỘC

 

Có lệnh truy nã, sao hết thời hiệu?

Vụ án này có hai điểm đáng chú ý:

Thứ nhất, nếu TAND huyện Sông Hinh xác định ông Tường có hành vi phạm tội như cơ quan điều tra và VKS thì không thể đình chỉ giải quyết vụ án với lý do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được vì có lệnh truy nã ông Tường. Khoản 3 Điều 23 BLHS đã quy định rõ: Nếu người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã thì thời gian trốn tránh không được tính và thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự tính lại kể từ khi người đó ra tự thú hoặc bị bắt giữ. Do đó, TAND huyện Sông Hinh vẫn phải tiếp tục đưa ra xét xử. Nếu đủ chứng cứ buộc tội thì kết tội, còn không thì tuyên bố bị cáo không phạm tội.

Thứ hai, giả sử vụ án đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì đây là một trường hợp làm oan rõ ràng. Bởi khoản 1 Điều 23 BLHS đã quy định: “Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự”. Như vậy, ngay từ đầu cơ quan điều tra, VKS phải xác minh thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự còn hay không, nếu không thì không khởi tố. Tuy nhiên, họ đã không xác minh, dẫn đến làm oan. Cạnh đó, trong các trường hợp không được bồi thường oan liệt kê tại Điều 27 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cũng không hề có trường hợp này.

Một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm