Hòa giải viên kể chuyện - Bài 1:

Đòi ly dị vì... cái quần đùi

LTS: Nhiều mâu thuẫn, xích mích được hóa giải từ trong trứng nước, nhiều tình huống tưởng chừng có thể thành án hình sự được can thiệp kịp thời. Nhờ vậy, bà con chòm xóm bớt đi những hiềm khích, tòa án bớt việc làm, cuộc sống xung quanh tốt hơn lên. Đó là những công việc lặng thầm của các hòa giải viên cơ sở.

Đang đi chợ, nhìn thấy cảnh một phụ nữ trẻ ôm mặt khóc bên vệ đường, chị Nguyễn Thị Chung (hòa giải viên phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM) tấp vào hỏi thăm. Phụ nữ này cho biết: “Em bị chồng đánh, đòi ly hôn và đuổi ra khỏi nhà…”. Thấy có nhiều uẩn khúc, chị đưa người phụ nữ về nhà hỏi thăm, động viên rồi tìm cách giải quyết.

Mắng chửi, đuổi ra đường và đòi ly hôn

Người phụ nữ khóc nấc lên rồi kể, năm 18 tuổi chị lấy chồng, người chồng hơn chị 14 tuổi. Cuộc hôn nhân đến nay đã có hơn năm năm hạnh phúc với hai cậu con trai kháu khỉnh. Chồng chị là người yêu vợ, thương con, chu toàn trong việc chăm lo kinh tế gia đình. Thế mà chẳng biết vì sao dạo gần đây cứ thấy vợ ra ngoài về là anh ấy chửi mắng, đánh đập rồi thẳng tay đuổi vợ ra khỏi nhà. “Em đi rồi sẽ chẳng ai chăm hai đứa nhỏ hết. Em cũng còn yêu chồng nên chị giúp em khuyên anh ấy để em được về với con” - người phụ nữ năn nỉ.

Chị Chung trấn an: “Em cứ về nhà đi, ngày mai chị sẽ qua gặp chồng em”.

Sáng hôm sau, chị Chung lại thấy người phụ nữ ra đường ngồi khóc. Thấy chị Chung, chị ta hỏi: “Chị ơi, giờ em muốn ly hôn thì có được chia tài sản và nuôi con không?”. “Tài sản trong nhà do cả hai vợ chồng em sắm sửa, tạo dựng phải không?” - chị Chung hỏi. “Không có. Em về cái nhà và toàn bộ tài sản đều đã có sẵn, em cũng chỉ ở nhà làm nội trợ, mọi chi phí sinh hoạt đều do chồng em lo”.

Chị Chung giải thích: “Nếu chồng em sắm hết tài sản trước khi lấy vợ thì đó là tài sản trước hôn nhân, em sẽ không được chia. Còn về quyền nuôi con, em chỉ ở nhà làm nội trợ thì sẽ không có thu nhập, con em, đứa nhỏ đã hơn ba tuổi thì khi ly hôn tòa sẽ căn cứ theo pháp luật để giao cho người có đủ điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc. Em nghe chị, về nhà đi, chồng em giận lên mới vậy chứ anh ta chưa chắc muốn bỏ vợ đâu”.

 Thủ phạm là… cái quần đùi

Một tuần sau, người phụ nữ lại ra đường ngồi khóc. Lần này, mặt mũi người phụ nữ nhem nhuốc, mắt sưng vù, tóc tai bù xù, quần áo tả tơi ôm cả một vali quần áo. Chị kể tội chồng: “Anh ta là gã chồng vũ phu, ghen tuông vô lối. Anh ta cứ nói vợ chỉ biết ăn bám nhưng đòi đi làm thì chẳng cho. Chẳng biết anh ta nghĩ gì nữa, hễ em đi ra ngoài về ăn mặc đẹp một tí là kiếm chuyện đánh, chửi em là đứa đàn bà lẳng lơ. Sáng nay em vội đưa con đi học nên không chuẩn bị đồ ăn sáng được, về đến nhà thì thấy anh ta vứt hết quần áo ra sân, bắt phải dọn hết đồ ra khỏi nhà. Vì con em cố gắng năn nỉ thì bị ăn mấy cái tát vào mặt. Giờ em không về nhà nữa đâu. Anh ta đe không cho em gặp con nữa, nếu thấy em tìm gặp mấy đứa nhỏ sẽ không để yên”.

Thấy không ổn, chị Chung đưa người vợ về nhà mình cho chị ta lánh mặt chồng mấy hôm.

Mấy hôm sau, chị Chung đưa người vợ về nhà nhưng chỉ cho đứng ngoài cổng còn mình thì vào nhà nói chuyện với người chồng. Đang ngồi trầm tư hút thuốc, thấy chị Chung qua, anh ta nói: “Chị sang để hòa giải à? Chị về đi, tôi không thể có một người vợ như thế. Vợ gì mà chẳng chịu nghe lời chồng, vợ gì mà cứ lẳng lơ với hết người này đến người khác”.

Chờ cho người chồng trút hết cơn giận, chị Chung mới lên tiếng: “Cô ấy đã kể hết rồi nhưng tôi muốn nghe cả chú nói nữa”. “Có phải chị nghe cô ấy bảo tôi suốt ngày chỉ biết đánh vợ không? Nếu thế thì chị về đi, tôi đã ký đơn ly hôn rồi” - anh ta gắt lên rồi chỉ vào những vết thương của mình. “Tôi đi làm cả ngày đã mệt, cô ta chẳng giúp gì mà hễ chồng nói là cãi. Tức giận tôi tát cho một cái thì nó nhảy vào cào cấu đây này. Làm vợ mà cứ ngồi vào họng chồng như thế đâu có được!”.

“Mấy chuyện đó vợ chồng có thể bình tĩnh ngồi lại nói chuyện với nhau được mà, vì con ráng mà tha thứ cho nhau chớ. Hình như chú còn chuyện gì đó giấu tôi thì phải?” - chị Chung hỏi.

Rít một hơi thuốc dài, anh nói: “Mặc quần đùi đâu có đẹp gì chứ, nó ngắn cũn cỡn lên tận đến bẹn. Biết tôi không thích nhưng cô ta cứ làm, hễ đi chợ, đưa đón con đi học, đi chơi hay đi dạo phố là cứ mặc chiếc quần đó. Có phải tôi không mua quần áo cho đâu, váy và quần áo dài đầy trong tủ đó”.

“Cơm sôi nhỏ lửa…”

Im lặng lúc lâu, anh chồng kể nhà anh có mấy căn phòng trọ cho các nam sinh viên thuê. Vậy mà ngày nào vợ anh cũng mặc quần đùi sang đó ngồi nói chuyện rồi còn chọc ghẹo nhau. “Ra đường cũng thế, cô ta mặc chiếc quần đùi mà cứ õng à õng ẹo. Chị thấy như thế có được không?”.

Phân tích cho người chồng nguôi giận xong, chị Chung nói: “Nếu giờ tôi đưa cô ấy về, chú có đuổi ra khỏi nhà nữa không?”. Anh chồng nói: “Con em còn nhỏ nên rất cần cô ấy chăm sóc. Mấy hôm nay cô ấy đi em phải nhờ mẹ sang chăm giúp, mà bà cũng lớn tuổi rồi nên mấy đứa nhỏ chẳng thích, cứ khóc thét lên đòi mẹ”.

Vậy là thành công. Chị Chung chở người vợ vòng ra chợ mua đồ ăn, 30 phút sau mới chở về nhà. Chị Chung kể lại: “Vì đã dặn kỹ người vợ nên vào đến nhà, tôi làm bộ quát: “Em nhìn đồng hồ đi, trưa lắm rồi đó, xuống bếp nấu cơm cho chị, cái bếp đang lạnh tanh kia kìa!”. Người vợ vẫn ngồi giữa cửa đôi co với chồng mà chẳng chịu vào nhà, dù được mẹ chồng khuyên bảo. Tôi lại quát: “Ngồi với chị và mẹ chồng mà còn đôi co với chồng như thế thì em bướng lắm. Tại sao em biết chồng không thích mình mặc quần đùi ra đường mà vẫn cố tình mặc, giờ còn ngồi đó mà đôi co. Chị thấy chồng em là người hiền lành, thương vợ lắm nhưng em thì… Giờ nghe chị xuống nấu cơm đi đã”. Tôi phải vừa nói vừa nháy mắt để người vợ hiểu”.

Khi người vợ xuống bếp, chị Chung nói với người chồng: “Là đàn ông, trụ cột gia đình thì anh phải bình tĩnh, vợ sai thì từ từ phân tích, ai lại đi đánh vợ. Vả lại bây giờ phụ nữ ra đường người ta cũng mặc quần đùi đầy ra đấy mà có sao đâu. Với lại tôi thấy cô ấy chỉ mặc quần đùi chứ đâu có ngoại tình lăng nhăng gì…”.

Như hiểu ra, người chồng xuống bếp phụ vợ nấu cơm. Mấy hôm sau, gặp chị Chung, người vợ nói: “Em biết mình sai rồi. Mọi chuyện là do em ương bướng, không chịu nghe lời chồng”.

“Đến nhà tao chơi, tao gả chồng tao cho”

Chị Chung kể, trước đây ở phường chị có bà Lan và bà Huệ là bạn thân của nhau, bà Huệ đã có gia đình còn bà Lan thì chưa. Những lần gặp nhau, bà Huệ chọc bạn: “Mày đến nhà tao chơi, tao gả ông chồng cho!”. Bà Lan đáp lại: “Thế cũng được!”. Hai bà cứ chọc nhau thế.

Được mấy tháng sau, bà Huệ bắt quả tang chồng mình đang… tòm tem với bạn. Thế là cơn ghen nổi lên. Bênh mẹ, hai con trai bà Huệ cầm hai cây tầm vông đến nhà bà Lan đánh ghen thay mẹ.

Thấy hai thanh niên đến nhà mình phá cửa, hai người anh bà Lan (đã lớn tuổi) đóng cửa lại, mỗi người cầm hai tay hai hòn đá quay ra ngoài đe: “Mày phá nhà tao, tao ném cho mày chết”. Mặc kệ, các con bà Huệ cứ cầm gậy đánh qua đánh lại nói: “Kêu em mày ra đây để bọn tao xử lý”…

Đang đi trên đường, chị Chung thấy vậy bèn nhào vô can. “Thấy hai thanh niên cầm hai cây tầm vông đánh hai ông già, tôi hét lên: “Dừng lại! Hai cháu còn trẻ sao lại đi đánh hai người già, bộ muốn vào nhà đá ngồi hả? Ngưng ngay lại cho tôi!”. Hai bên vẫn gầm gừ, tôi phải lấy điện thoại giả vờ gọi công an thật to rằng “Ở đây có hai thanh niên đánh hai ông già, đến nhanh lên”. Đến nước này thì hai bên mới dừng lại” - chị Chung kể.

NGỌC THÂN

Bài 2: Trẻ con đá bóng, hàng xóm lôi nhau ra tòa

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm