Dòng chảy Trường Sa - Bài 1: Ký ức Trường Sa

LTS: 25 năm trước, ngày 14-3-1988, hải quân Trung Quốc bất ngờ tấn công vùng biển Cô Lin - Len Đao - Gạc Ma rồi xâm chiếm trái phép đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong trận hải chiến này, những người lính Hải quân Việt Nam đã chiến đấu anh dũng để bảo vệ đảo, bảo vệ lá cờ đỏ sao vàng - đồng nghĩa với chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Và nhiều người đã mãi nằm lại dưới lòng sâu biển mẹ. Trường Sa từ đó trở thành ký ức oai hùng, là biểu trưng tinh thần bất khuất của nhân dân Việt Nam.

Trong số 64 liệt sĩ hy sinh tại vùng biển Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao (thuộc quần đảo Trường Sa) năm 1988 thì có đến chín người là con, em của thành phố biển Đà Nẵng. Lần theo địa chỉ cũ, chúng tôi tìm gặp hai nhân chứng sống của trận hải chiến năm xưa, đó là cựu binh Phan Văn Đức (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) và cựu binh Dương Văn Dũng (phường Hòa Xuân, Cẩm Lệ, Đà Nẵng).

Quyết tâm giữ đảo

“Suốt 25 năm qua, mỗi khi nghĩ về đồng đội hy sinh ở Gạc Ma, tôi chưa bao giờ ngưng nước mắt. Tôi trở về nhưng hồn đã gửi lại Gạc Ma, gửi lại Trường Sa từ ngày ấy” - anh Phan Văn Đức nói.

Sinh ra và lớn lên ở một làng chài nhỏ dưới chân núi Sơn Trà, tháng 2-1987, anh Đức lên đường nhập ngũ khi tuổi vừa tròn đôi mươi. Sau một thời gian huấn luyện tại Hội An, anh được biên chế vào Đại đội 9, Trung đoàn Công binh Hải quân 83, theo tàu HQ-604 ra làm nhiệm vụ tại Trường Sa. “Hồi ấy, chúng tôi nhận lệnh trong đêm và xuất phát ngay sáng hôm sau. Được ra xây dựng đảo, ai cũng hào hứng chuẩn bị đồ đạc lên đường” - anh Đức nhớ lại. Cùng xuất phát với tàu HQ-604 sáng đó còn có các tàu HQ-505 và HQ-605 của Lữ đoàn 125. Những tưởng nhiệm vụ của đội lính công binh ngày ấy chỉ là xây dựng đảo nhưng họ đã phải đối mặt với những hiểm nguy đến từ một đội quân xâm lược hung hãn.

Dòng chảy Trường Sa - Bài 1: Ký ức Trường Sa ảnh 1

Tàu HQ-505, con tàu duy nhất không bị chìm do thuyền trưởng Vũ Huy Lễ quyết định cho lao lên đảo Cô Lin và trở thành pháo đài bất khuất trong trận hải chiến Trường Sa năm 1988. (Ảnh tư liệu)

Hướng ánh mắt về phía biển xa xăm, anh Đức hồi tưởng lại trận chiến qua những hình ảnh rời rạc, chắp vá. “Khoảng 5 giờ chiều 13-3-1988, tàu HQ-604 tiếp cận gần đảo Gạc Ma, thả neo để chuẩn bị vận chuyển vật liệu lên đảo. Tàu vừa neo được 30 phút thì bốn, năm tàu Trung Quốc quần tới, vây quanh bắc loa yêu cầu tàu HQ-604 phải rời đảo. Anh em vẫn tiếp tục công việc, vờ như không nghe thấy. Cánh công binh được lệnh hạ vật liệu xuống thuyền nhỏ đẩy vào đảo, còn một nhóm theo Thiếu úy Trần Văn Phương mang theo cờ Tổ quốc lên cắm trên đảo để khẳng định chủ quyền”.

Cùng có mặt trong tốp đầu tiên lội vào đảo, anh Dương Văn Dũng kể: “Lúc chúng tôi vào đảo, nước biển đã dâng lên đến ngực, lạnh buốt xương. Giữa biển đêm, tàu chiến Trung Quốc vẫn gầm thét, chạy vờn quanh đảo. Ban đầu tôi cũng thấy sợ vì tàu chiến của chúng được trang bị súng, pháo hiện đại, trong khi tàu HQ-604 chỉ có xà beng, cọc gỗ và vật liệu xây dựng... Nhưng khi cùng anh em nhận lệnh quyết tâm giữ đảo thì chúng tôi lại vững tin và coi thường cái chết. Ai cũng xác định tư tưởng chuyến này đi là không trở về”. Lội vào đảo Gạc Ma, nhóm của anh Đức và anh Dũng chỉ mang độc chiếc quần cộc, đôi giày đế nhựa để bước qua rặng san hô.

Nằm lại Gạc Ma

Khoảng 5 giờ 30 sáng 14-3-1988, các tàu chiến Trung Quốc bắt đầu áp sát, thả lính và xuồng cao su cản trở bộ đội ta vào đảo. “Lính Trung Quốc được trang bị đầy đủ quân tư trang, vũ khí nên khi lội ngấm nước khá chậm chạp. Chúng vào đảo sau ta nhưng số lượng rất đông nên dồn anh em chúng tôi về một góc. Lính Trung Quốc dùng súng AK và lưỡi lê ào tới giành lá cờ từ tay các chiến sĩ giữ đảo. Ban đầu, hai bên chỉ giằng co tay không nhưng được một lúc thì quân Trung Quốc đã nổ súng vào Thiếu úy Phương - người đang giữ lá cờ. Anh đổ gục xuống nhưng trên tay vẫn nắm chặt lá cờ đỏ sao vàng. Anh em thấy vậy chạy đến quây thành vòng tròn quanh lá cờ, quyết không rời đảo” - anh Dũng kể.

Anh Đức hồi tưởng: “Lúc đó, tôi đang chuyển gỗ xuống canô thì nhận được lệnh bơi vào đảo hỗ trợ đội của anh Phương giữ cờ. Vừa chạm đến rặng san hô thì lính Trung Quốc bắn đạn như vãi trấu, buộc phải bơi quay lại tàu. Một loạt đạn sượt qua mang cổ tôi, máu chảy đầm đìa. Chưa kịp định thần thì hai quả pháo từ tàu chiến Trung Quốc cấp tập bắn tới. Tàu HQ-604 chìm ngay trước mắt tôi. Nhiều đồng đội trên tàu hy sinh, trong đó có thuyền trưởng Vũ Phi Trừ”.

Khi ấy, trước khi bất tỉnh, anh Đức chỉ kịp với ôm khúc gỗ. Sau đó anh trôi lênh đênh trên biển hơn một ngày mới được tàu cứu hộ của ta vớt lên.

Về phía anh Dũng, chứng kiến đồng đội bên mình lần lượt ngã xuống, anh rướn hết sức mình để bơi vào đảo tiếp cứu nhưng bị lính Trung Quốc bắn xua đuổi. Sau đó anh bị trúng đạn và bị lính Trung Quốc bắt giữ.

Dòng chảy Trường Sa - Bài 1: Ký ức Trường Sa ảnh 2

Cuộc hải chiến Trường Sa năm 1988 không phai mờ trong ký ức của cựu binh Phan Văn Đức. Ảnh: TẤN TÀI

Gọi tên đồng đội

Sau một thời gian nằm điều trị tại đảo Sinh Tồn, anh Đức được đưa về Cam Ranh rồi xuất ngũ. Nhưng từ đó, ký ức về cuộc hải chiến ở Trường Sa luôn đeo bám mãi tâm trí anh. “Suốt ngày anh ấy cứ thẫn thờ, đứng ngóng ngoài bãi biển Mân Thái (Sơn Trà). Ai khuyên cũng không được, chỉ khi tắt nắng mới chịu về nhà” - chị Liên, vợ anh Đức, kể lại. Nỗi nhớ đồng đội cồn cào len cả vào giấc ngủ. Gần 10 năm sống với nỗi đau ấy, anh Đức mới bình tâm để quay trở lại với cuộc sống đời thường, làm một anh dân chài làng biển. Nhưng mỗi khi trái gió trở trời, vết thương cũ ở vai tái phát, anh lại chìm đắm trong ký ức bi hùng nơi trùng khơi Tổ quốc. “Chỉ khi đứng trước biển, tôi mới thấy bình yên và tĩnh lặng” - anh Đức nói.

Còn anh Dũng, sau gần bốn năm bị giam trong nhà tù Trung Quốc, năm 1992, anh cùng tám chiến sĩ khác trong trận hải chiến Trường Sa năm 1998 được thả về. Trở về quê hương, anh Dũng lập gia đình và có ba đứa con. Cũng như bao cựu binh khác, cuộc sống khó khăn, anh phải đi làm nghề phụ hồ và phụ vợ buôn bán ngoài chợ. “Đồng đội ngày xưa giờ ai còn ai mất tôi cũng không rõ. Nhiều khi muốn tìm lại bạn cũ để hàn huyên, tâm sự cho vơi bớt nỗi buồn nhưng không có điều kiện” - anh Dũng nghẹn ngào.

Giữa bộn bề những mưu sinh nhọc nhằn, ký ức về Gạc Ma và đồng đội hy sinh nơi đó vẫn cứ bám riết lấy những cựu binh được may mắn trở về. “Sau trận chiến đó, quân Trung Quốc đã chiếm được đảo Gạc Ma. Mỗi lần nghĩ về nó, tim tôi như thắt lại. Biết bao xương máu anh em đã đổ xuống trên vùng biển, đảo này. Mong ước lớn nhất của tôi là được một lần trở lại Trường Sa, được đi qua vùng biển oanh liệt ngày nào để thắp nén hương thả xuống tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh và nằm lại nơi này…” - anh Dũng ngậm ngùi.

Hội ngộ để tưởng nhớ đồng đội

Anh Đào Thái Thi, Trưởng ban Liên lạc Cựu chiến binh Trường Sa ở Phú Yên, cho biết hằng năm cứ đến ngày 14-3, hàng trăm cựu binh Trường Sa của tỉnh Phú Khánh cũ (nay là Phú Yên và Khánh Hòa) lại về nhà một đồng đội ở Phú Yên để tưởng niệm về sự kiện Gạc Ma. Tại đây, các anh sẽ tưởng nhớ và tri ân những đồng đội đã hy sinh tại Gạc Ma năm nào rồi ôn lại những kỷ niệm, cùng động viên, hỗ trợ nhau trong cuộc sống.

“Năm nay, chúng tôi mời gia đình các liệt sĩ đến cùng cúng giỗ để hàng trăm anh em cùng thắp hương tưởng nhớ, chung tâm cầu nguyện cho hương linh đồng đội mình cùng về họp mặt. Qua đó, chúng tôi ôn lại kỷ niệm những năm tháng không quên của một thời cầm súng bảo vệ biển, đảo, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc” - anh Thi chia sẻ. Năm nay, các anh sẽ tổ chức gặp mặt tại nhà anh Nguyễn Phi Đô ở thôn Mỹ Bình, xã miền núi Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa, Phú Yên.

TẤN LỘC

TẤN TÀI

Kỳ tới: Những đứa con Trường Sa

Có hai bà mẹ ở Phú Yên có con hy sinh trong trận hải chiến để bảo vệ đảo Gạc Ma. Giờ đây, hàng trăm đồng đội cũ của con đã tự nguyện làm con nuôi của hai mẹ…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm