Dòng chảy Trường Sa - Bài 2: Những bà mẹ liệt sĩ Gạc Ma

Trước ngày 27 tháng Giêng âm lịch, anh Nguyễn Văn Dũng, một cựu binh Trường Sa ở Nha Trang (Khánh Hòa), về thăm bà Lê Thị Niệm ở thôn Mỹ Thạnh Nam, xã Hòa Phong (Tây Hòa, Phú Yên). “Con về rồi hả Dũng?” - lưng còng đi đứng khó nhọc, bà Niệm lập cập vui mừng đón anh Dũng rồi hỏi tiếp - “Năm nay bao nhiêu đứa về hả con?”. Anh Dũng ôm bà Niệm nói: “Má giỗ thằng Dư mắm muối dưa cà gì chúng con cũng về đông đủ”. Hai dòng nước mắt lại chảy dài trên khuôn mặt già nua. Bà Niệm lặng lẽ đến cầm di ảnh, tay nâng niu, rờ rẫm khuôn mặt người con trai có đôi mắt sáng.

Câu chuyện về người con nuôi

Bà Niệm là mẹ của liệt sĩ Phan Tấn Dư, một trong hai người lính ở Phú Yên đã hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma. Anh Dư là một trong những chiến sĩ hải quân đã ngã xuống sau khi vừa rời khỏi tàu HQ-604.

Trong ngôi nhà nhỏ cũ kỹ, di ảnh anh Dư được treo ở nơi sáng sủa nhất để bà Niệm ra vào dễ nhìn ngắm. Đã 85 tuổi nhưng bà Niệm vẫn nhớ rõ từng câu chuyện, từng chi tiết mỗi khi nhắc về người con trai của mình. “Tết Mậu Thìn năm 1988, thằng Dư tròn 22 tuổi, nó tranh thủ về thăm nhà được vài ngày. Trước khi trở lại đơn vị, nó bảo “lần này con sẽ ra đảo cùng đồng đội, ba má ở nhà cứ yên tâm”. Vậy mà nó ra đi mãi mãi…” - bà Niệm nghẹn ngào.

Vài năm sau khi gia đình nhận được tin anh Dư hy sinh, có một thanh niên từ Nha Trang lặn lội tìm đến nhà bà Niệm. Người thanh niên thắp hương anh Dư rồi vừa khóc vừa ôm chầm lấy bà Niệm, xin bà cho làm con nuôi. Anh chính là Nguyễn Văn Dũng, chiến sĩ thông tin của hải quân.

“Đầu tháng 3-1988, trước ngày ra Trường Sa, tôi bị bệnh nặng, ho đến khản cổ, mất giọng. Bấy giờ, chỉ huy nói rằng tôi bị khản giọng không thể trao đổi thông tin qua máy bộ đàm nên thay tôi bằng Phan Tấn Dư. Và rồi Dư đã nằm lại mãi mãi ở Gạc Ma” - anh Dũng kể như khóc.

Nặng lòng với suy nghĩ Dư đã hy sinh thay mình nên hơn 20 năm qua anh Dũng luôn xem bà Niệm là người mẹ thứ hai của mình và yêu thương hết mực. Dù bận rộn với công việc làm ăn ở Nha Trang, anh Dũng vẫn tranh thủ thường xuyên về thăm má nuôi. Mỗi khi nghe má Niệm đau bệnh, anh đón xe ra ngay. Và bà Niệm cũng xem anh như một thành viên của gia đình.

Dòng chảy Trường Sa - Bài 2: Những bà mẹ liệt sĩ Gạc Ma ảnh 1

Mẹ Lê Thị Niệm bên di ảnh của con trai mình - liệt sĩ Phan Tấn Dư. Ảnh: TẤN LỘC

“Má nghĩ nó như còn sống”

Không chỉ anh Dũng, sau ngày anh Dư hy sinh, nhiều người lính Trường Sa năm xưa cũng tìm về ngôi nhà bà Niệm để tưởng nhớ đồng đội và thăm nom, chăm sóc người mẹ già của anh. Những đồng đội của anh Dư như Đào Thái Thi (Trưởng ban Liên lạc Cựu chiến binh Trường Sa ở Phú Yên), Nguyễn Hồng Trung (Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hòa Mỹ Tây, Tây Hòa, Phú Yên)… là những người thường xuyên ở bên má Niệm mỗi khi bà bị trái gió trở trời. Các anh lo lắng, chăm sóc cho bà như với chính mẹ ruột của mình.

27 tháng Giêng năm nay, đã thành nề nếp, cả trăm cựu binh Trường Sa lại tập trung cúng giỗ anh Dư tại nhà má Niệm. Ai cũng ôm bà Niệm gọi bà bằng má và đều xem mình như con cái trong nhà. Mắt đã mờ, không nhìn rõ mặt, bà rờ rẫm, gọi tên từng người, hỏi thăm từng chuyện. “Mắt má đã mờ nhưng má nhớ giọng nói từng đứa!” - bà Niệm nói vậy rồi lại khóc - “Thấy đồng đội thằng Dư về đông đủ thế này, má nghĩ như nó còn sống. Nó hy sinh, xương cốt không về nhưng trước nghĩa tình đồng đội sâu đậm của các con, má được an ủi lắm!”.

Bà Niệm hiện còn hai người con trai và năm người con gái ruột, đều đã có gia đình và ra ở riêng. Thấy mẹ ngày càng già yếu, thường xuyên đau bệnh, những người con của bà muốn đưa mẹ về ở cùng nhưng bà không đồng ý. Lưng còng nặng đã bảy năm nay, bị bệnh tật thường xuyên hành hạ nhưng bà vẫn ở trong ngôi nhà cũ kỹ làm nơi thờ tự của gia đình cùng người con gái ruột. Bà giải thích: “Má ở nhà này để thường xuyên thắp hương thằng Dư, để đồng đội nó tập trung về đông đủ hơn. Má thương tụi nó lắm!”.

Nơi đảo xa các anh cũng vui lòng

Hai hôm trước ngày giỗ anh Dư, các cựu binh Trường Sa ở Phú Yên cũng tập trung về ngôi nhà nhỏ của bà Nguyễn Thị Đảo (ở phường 9, TP Tuy Hòa). Bà Đảo là mẹ của liệt sĩ Trương Văn Thịnh, người cùng ngã xuống với anh Dư trong ngày 14-3-1988 dưới họng pháo của quân Trung Quốc xâm lược, khi đang ở tuổi 23.

Anh Đào Thái Thi, Trưởng ban Liên lạc Cựu chiến binh Trường Sa ở Phú Yên, kể: Sau ba năm cầm súng canh giữ biển đảo Trường Sa, đầu năm 1988 anh Thịnh được về nhà ăn tết cùng gia đình để sau đó trở lại Cam Ranh làm thủ tục xuất ngũ. Thế nhưng bấy giờ, trước âm mưu của Trung Quốc, theo mệnh lệnh của Tổ quốc, anh Thịnh cùng đồng đội đã lên đường tiếp tục ra bảo vệ đảo trên chuyến tàu HQ-605. Và rồi anh đã nằm dưới biển xanh mãi mãi.

Đã 84 tuổi, nghe hàng chục người con từng là lính đảo gọi “má”, bà Đảo ngồi lặng lẽ khóc. Anh Trương Văn Cảnh, anh ruột của anh Thịnh, kể thời gian đầu khi nghe đài phát thanh đọc tên anh Thịnh trong danh sách các chiến sĩ mất tích ở Trường Sa, cha mẹ anh vẫn hy vọng con trai mình còn sống, sẽ có ngày trở về. “Suốt nhiều năm liền, lúc nào má tôi cũng ngóng chờ con. Bà bỏ việc nhà đi hỏi thăm tin tức khắp nơi nhưng rồi ngày càng vô vọng. Những năm đầu, khi đồng đội Thịnh đến nhà xin thắp hương tưởng nhớ nó, ba má tôi vẫn còn hy vọng nó sẽ trở về nên không cho. Thương nó quá, anh em lén sang bên nhà tôi lập bàn thờ rồi cúng giỗ nó” - anh Cảnh nghẹn ngào nói.

Từ đó hằng năm, đến ngày giỗ anh Thịnh, rất đông cựu binh Trường Sa tề tựu về thăm má Đảo và cùng gia đình làm giỗ cho anh. “Thịnh và Dư hy sinh cùng ngày nhưng chúng tôi xin hai gia đình giỗ vào hai ngày khác nhau để anh em đồng đội được về đông đủ cho ấm áp” - anh Đào Thái Thi nói. Mỗi năm, những người lính Trường Sa tìm về với má Đảo càng nhiều hơn. Anh Trần Văn Hùng, người thương binh đã để lại một chân ở Trường Sa, là người thường xuyên chống nạng đến thăm nom má Đảo. Đang mắc nhiều chứng bệnh nặng, đi lại trong nhà cũng phải có con cháu dìu nhưng mỗi khi nghe có đồng đội của anh Thịnh đến, bà Đảo cũng ráng gượng dậy, lom khom nắm tay, sờ mặt từng người. “Má đau lòng khi mất con nhưng cái tình của các con như thế này là nặng lắm, chắc nơi biển xa thằng Thịnh con má nó cũng an lòng. Má rất ấm lòng vì ngày càng có thêm nhiều đứa con Trường Sa về với má” - bà Đảo nói trong nước mắt.

Kỷ vật người lính

Đã 25 năm nay bà Hồ Thị Lai (75 tuổi, ở Hòa Cường Bắc, Hải Châu, Đà Nẵng) không ngày nào rời xa chiếc áo trắng hải quân đã sờn rách. Đó là kỷ vật cuối cùng của người con trai bà - liệt sĩ Trần Quốc Hùng, thuộc đoàn công binh hải quân E83 trên tàu HQ-604. Ngày 14-3-1988, tàu HQ-604 đã bị tàu chiến Trung Quốc bắn chìm trên vùng biển Gạc Ma. Anh Hùng hy sinh ở tuổi 21.

Ngày nhận được tin con trai hy sinh, bà Lai đã ngất lịm, người nhà phải đưa đi cấp cứu. Kỷ vật anh Hùng để lại chỉ còn tấm áo trắng và chiếc mền cũ. Từ đó đến nay bà Lai không giặt chiếc áo này để mỗi lần nhớ con, bà lại khoác nó lên mình. Chiếc áo cũ còn mang vị mặn chát của mồ hôi và nước biển trong những ngày huấn luyện gian khổ. “Đêm nằm mơ vẫn thấy nó về bên tôi gánh đầy bể nước sau nhà rồi mới đi. Mấy ngày này, đồng đội nó đến thăm, tôi lại chạnh lòng. Nếu thằng Hùng còn sống, giờ nó đã có vợ, có con sum vầy” - bà Lai nghẹn ngào.

Với liệt sĩ Nguyễn Bá Cường (xã Điện Thắng Trung, Điện Bàn, Quảng Nam) thì kỷ vật để lại cho gia đình là một chiếc rương nhôm đã rỉ rét, xỉn màu. Trong ngôi nhà nằm lọt thỏm trong con hẻm cuối làng, bên dòng Thanh Quýt hiền hòa, bà Trương Thị Ngò, 85 tuổi, mẹ của liệt sĩ Cường, lần mở chiếc rương kỷ vật của con trai. Bên trong còn lại hai bộ áo quần hải quân, một quyển nhật ký, một tập thư dày, thẻ đoàn viên… Trong nhật ký, anh Cường luôn trăn trở, lo lắng cho cha mẹ già yếu không ai chăm sóc. Bức thư cuối cùng anh gửi về cũng canh cánh nỗi lo ấy. Cầm lá thư cũ của con trai, bà Ngò khóc nấc. Những giọt nước mắt mặn chát lăn dài trên đôi gò má nhăn nheo, khô khốc của người mẹ già.

“Nhà có ba thằng con trai, hai anh đầu đi bộ đội ở chiến trường Campuchia nên đáng lẽ thằng Cường không phải nhập ngũ. Nhưng nó vẫn viết đơn tình nguyện đi bộ đội, ai cản cũng không được” - bà Ngò kể. Sau hai năm huấn luyện ở một đơn vị lục quân, năm 1986 anh Cường trúng tuyển vào Học viện Hải quân Nha Trang. Ngày tốt nghiệp cũng là ngày anh nhận lệnh theo tàu HQ-605 ra Trường Sa. Đó là chuyến đi biển đầu tiên và cũng là chuyến hải trình cuối cùng của người lính trẻ.

Ngày 14-3-1988, tàu HQ-605 bị các tàu chiến Trung Quốc bắn chìm. Anh Cường cùng nhiều đồng đội khác mãi mãi nằm lại dưới lòng biển mẹ.

TẤN TÀI

TẤN LỘC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm