Đồng tiền và bóng đá - Bài 1: Thương trường bóng đá

LTS: Hiện tượng mua bán độ, dàn xếp tỉ số, bạo lực sân cỏ… từ lâu đã len lỏi vào nền bóng đá Việt Nam khiến bức tranh bóng đá nước nhà ngày càng xám xịt. Pháp Luật TP.HCM giới thiệu loạt bài của nhà báo Vũ Công Lập, người nghiên cứu sâu về khía cạnh đạo đức và pháp lý trong bóng đá, nhằm “bắt mạch, kê toa” cho căn bệnh trầm kha của bóng đá nước nhà.

Năm 1974, ngôi nhà bóng đá thế giới - FIFA thay đổi về nhân sự, mở đầu cho những thay đổi liên tục, vũ bão trong những định hướng phát triển của bóng đá. Cột mốc đấy mang lại nhiều thành công nhưng mặt trái của nó cũng tồn tại không ít vấn đề.

Chính sách phong bì qua khe cửa

Trước khi World Cup 1974 diễn ra, tại khách sạn sang trọng Steigenberger, Đại hội đồng FIFA bầu chọn vị chủ tịch mới của mình. Hai ứng viên đối đầu nhau lúc đó là đương kim Chủ tịch Stanley Rous và người thách đấu Jean Marie Faustin Godefroid Havelange. Rous tự tin vào sự tái đắc cử của mình và nhiều người cũng tin vào điều đó. Nhưng cũng giống như trên sân cỏ, bóng đá luôn ẩn chứa muôn sự bất ngờ.

Stanley Rous thuộc trường phái Anh cổ điển, đất nước được xem là đã sinh ra bóng đá. Chính ông là người đã tổ chức Thế vận hội London năm 1948, rồi được phong tước “Hiệp sĩ”. Từ năm 1961, ông lèo lái con thuyền FIFA và luôn từ chối, chống lại tất cả những gì mà ông xem là trái ngược với giá trị truyền thống. Ông là một quý ngài người Anh, trong một thế giới còn mang dấu ấn một thời đế quốc.

Havelange xuất thân là một VĐV, một nhà kinh doanh Brazil. Ngay từ ngày ấy Havelange đã có tiếng xấu, khi báo chí nói về dính dáng của ông với các chính phủ độc tài Nam Mỹ, với các phi vụ buôn bán vũ khí. Nhưng đấy là chuyện hậu đài. Còn trên “sân khấu”, Havelange thu thập các thắng lợi thể thao, những tấm huy chương và danh hiệu thành viên danh dự. Havelange hứa hẹn những thay đổi, những triển vọng, nhất là cho những ai vẫn đang cảm thấy bị thiệt thòi trong bóng đá.

Đồng tiền và bóng đá - Bài 1: Thương trường bóng đá ảnh 1

Ông Havelange (phải) - người từng quan tâm đến bóng đá Việt Nam. “Triều đại Havelange” bắt đầu từ năm 1974 và tồn tại rất lâu với sự phát triển khổng lồ về tính thương mại trên toàn cầu. Ảnh: ANH BẢY

Trong khi Rous yên lặng ngồi chờ theo kiểu quan chức đã thành danh thì Havelange hăng hái tiến hành một cuộc vận động hành lang. Ông đi qua 86 nước, hứa sẽ đem lại nhiều chỗ hơn cho những nước không thuộc châu Mỹ, không phải là châu Âu, ông hứa hẹn giúp đỡ xây sân vận động, phát triển kỹ thuật và y tế… Havelange trở thành sứ giả của thế giới thứ ba. Trong chiến dịch ấy, đã có dấu hiệu không hẳn là bình thường. Như sự tham gia của các lực lượng phi bóng đá, như sự có mặt đông đảo khác thường của một số nhân viên ngoại giao tại Frankfurt, những chuyên gia hàng đầu được đào tạo cao cấp ở Pháp (theo tờ Times London).

Trong khi Havelange vận động thật đình đám cho chiếc ghế chủ tịch FIFA mới thì Rous vẫn ngây thơ tin vào ưu thế của một ông vua không thể bị lột ngai...

Trong cuốn FIFA Mafia của nhà báo Thomas Kitsner (phóng viên tờ Nam Đức, chuyên về chính sách thể thao, người được giải “Phóng viên thể thao Đức xuất sắc nhất” năm 2006) thì nhân vật đáng chú ý nhất trong cuộc bầu chọn này không phải là Rous hay “người thách đấu” Havelange mà chính là nhà kinh doanh Horst Dassler - ông chủ của hãng Adidas. Lúc ấy Dassler rất nổi danh, khi ông biết chuyển chiến lược từ “bán từng thiết bị cho mỗi VĐV” sang “hãy mua lấy cả liên đoàn” và tạo ra thanh thế lớn với các quan chức châu Phi hay các nước Đông Âu cũ. FIFA Mafia đã mô tả những phương pháp Dassler sử dụng thời kỳ ấy, bao gồm cả phương pháp tình báo và phản gián, những kỹ thuật mật vụ và đương nhiên không thể thiếu “chiêu thức phong bì”.

Dassler đã hỗ trợ Havelange theo kiểu “Trợ thủ trong phút 89” bằng những phong bì tuồn qua khe cửa trong đêm trước ngày bầu cử. Những phong bì màu nâu, hứa hẹn tình anh em và kèm lời nhắn: Nếu chưa đủ thì cứ nói rõ cho tôi biết!

Kết quả cuộc bầu chọn: Rous thất bại ở cả hai vòng. Vòng đầu: 56/62; vòng hai: 52/68.

Sở dĩ phải kể lại khá kỹ chuyện này vì nó ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bóng đá những năm về sau, với cặp “song kiếm hợp bích” ảnh hưởng rất lớn đến bóng đá thế giới: Havelange và Dassler.

Đồng tiền và bóng đá - Bài 1: Thương trường bóng đá ảnh 2

Bóng đá phát triển nhiều mặt, trong đó có cả tính thương mại và sự độc quyền, nổi trội là vấn đề bản quyền truyền hình. Ảnh: GETTY IMAGES

Sự chuyển hướng trong bóng đá

Vừa đắc cử, lập tức Havelange bắt tay vào và thành công ở một trong những dự án đầu tiên: Dự án trụ sở FIFA. Cá nhân ông đã đưa ra một quyết định đúng, trong lĩnh vực không thuộc về bóng đá, mà thuộc về bất động sản nhưng mang lại nguồn lợi khổng lồ cho FIFA. Còn Dassler thì có hợp đồng cung cấp bóng Adidas cho FIFA. Một hợp đồng mang lợi cho cả hai phía (win-win), cho dù có không ít dị nghị về tính minh bạch. Thế là đường thông và bây giờ bóng đá tiến bước.

Bóng đá từ đây là kết quả của hoạt động liên ngành, thể thao - công nghiệp - thương mại. Những sản phẩm trong lĩnh vực này mang đặc thù bóng đá hiển nhiên nhưng quy trình chế ra những sản phẩm đó, phương thức bán và giá bán những sản phẩm đó đã thay đổi rất nhiều. Bạn hãy theo dõi sự biến đổi trong quá trình sản sinh và mua bán cầu thủ giữa các CLB, quá trình tạo ra các giá trị gia tăng quanh một trận đấu, không chỉ bán vé vào sân, mà còn bán quảng cáo, bán bản quyền truyền hình theo nhiều gói, quá trình tạo ra cả một ngành hàng rất có giá trị shoping - ngành chế tạo đồ lưu niệm của CLB. Bóng đá cũng trở thành một lĩnh vực đầu tư, được chèo kéo trên thị trường chứng khoán.

Bóng đá cũng thành một lĩnh vực ứng dụng, một môi trường phát triển của khoa học và công nghệ. Chế tạo một quả bóng là kết quả của công nghệ vật liệu, của thiết kế, chế tạo và thử nghiệm với những thiết bị hiện đại nhất. Ở nhiều CLB đã có những phòng thí nghiệm, những labor tinh tế về sinh học, về dinh dưỡng hay về y học thể thao. Để làm ra một trận đấu bây giờ phải áp dụng công nghệ thông tin. HLV bao giờ cũng kè kè bên mình chiếc laptop với những phần mềm chuyên dụng tân kỳ. Bóng đá luôn đứng ở mũi nhọn của cuộc sống.

Kết quả đó là nhờ ở mối tương tác giữa bóng đá và thương trường. Nhưng thương trường cũng có sự ô nhiễm khá mạnh, nó không chỉ có thể mà còn chắc chắn gây bệnh cho bóng đá. Đó là điều chúng ta chưa đủ sức tính toán từ đầu, để đến nỗi bây giờ gánh chịu rất nhiều hệ lụy. Trong bóng đá hiện nay có đủ cả tiêu cực lẫn tội ác. Đấy là nạn bạo lực trên sân cỏ và cả trên khán đài. Đấy là nạn cá độ bất hợp pháp liên quan đến chuyện thao túng tỉ số, mua bán trận đấu. Đấy là nạn tham nhũng, nơi quyền lực bị mua bán rẻ rúng khi bỏ phiếu đăng cai các sự kiện quốc tế lớn. Đấy thậm chí là những tệ nạn có liên quan đến chính trị, như phân biệt chủng tộc, như thiên hướng cực hữu, phát xít. Đấy là quá trình tăng giá liên tục của các sản phẩm bóng đá, đến mức vô lý và đôi khi trở thành không chịu nổi… Dùng kinh doanh để phát triển bóng đá là tốt nhưng chỉ buôn bán bóng đá, đánh bạc bóng đá thì thật nguy hiểm. Vì bóng đá trước hết vẫn phải là đá bóng.

Đồng tiền và bóng đá - Bài 1: Thương trường bóng đá ảnh 3

TS Vũ Công Lập (ảnh) hiện là chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Vật lý Y sinh học Bộ Quốc phòng. Ông có thời gian dài học tập ở Đức (làm tiến sĩ từ năm 1975 đến 1978 và tiến sĩ khoa học từ năm 1983 đến 1986 tại Trường ĐH Tổng hợp Leipzig, Đức) nên am hiểu rất sâu về bóng đá Đức cũng như bóng đá thế giới. TS Vũ Công Lập được người yêu thể thao trong nước biết đến như là một nhà báo - bình luận viên thể thao xuất sắc.

VŨ CÔNG LẬP

Kỳ tới: Phía sau quả bóng

Là nạn mua bán, dàn xếp tỉ số trận đấu, là giới cá độ giật dây… làm điêu đứng sân cỏ thế giới và làm bóng đá Việt Nam nghiêng ngả. Nhưng không dễ điều tra, truy tố và xét xử những thế lực đứng trong bóng tối này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm