Dùng giấy tờ giả lừa đảo, phạm tội gì?

Khi xử lý, các cơ quan tố tụng thiếu thống nhất về tội danh của người vi phạm: Có ý kiến cho rằng chỉ có thể xử lý hình sự người vi phạm về một tội là lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng phải xử lý về cả hai tội…

Theo Điều 139 BLHS, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội đã dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác. Thủ đoạn gian dối được coi là dùng công cụ, phương tiện thực hiện tội phạm của người phạm tội. Tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội sử dụng công cụ, phương tiện khác nhau để lừa được người khác. Nếu phương tiện, công cụ mà người phạm tội sử dụng cấu thành một tội phạm cụ thể thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về hai tội. Trường hợp làm giả giấy tờ và nếu hành vi này cấu thành tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức thì người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. Trường hợp này cũng giống trường hợp sử dụng súng quân dụng để giết người thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người và tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.

Về lý luận, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là tội cấu thành vật chất nhưng không vì thế mà cho rằng người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản thì không cấu thành tội này. Cũng như đối với các tội phạm cấu thành vật chất khác được thực hiện do cố ý, hậu quả chưa xảy ra là ngoài ý muốn của người phạm tội. Nếu cho rằng đối với tội cấu thành vật chất, hậu quả chưa xảy ra thì chưa cấu thành tội phạm, có lẽ BLHS cũng không cần quy định trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt nữa.

Nếu người phạm tội mới chuẩn bị giấy tờ giả (công cụ, phương tiện phạm tội) chưa giao dịch với người bị hại thì trường hợp lừa đảo chiếm đoạt tài sản này mới ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội. Người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 hoặc khoản 4 Điều 139 BLHS (tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng). Nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 139 BLHS thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu người phạm tội đã chuẩn bị giấy tờ giả (công cụ, phương tiện phạm tội) đã giao dịch với người bị hại nhưng người bị hại phát hiện, không giao tài sản thì trường hợp này là phạm tội chưa đạt. Người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự không phân biệt thuộc khoản nào của Điều 139 BLHS. Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt, tòa sẽ áp dụng thêm Điều 18 BLHS (phạm tội chưa đạt).

Trở lại vụ việc báo nêu, H. mới đến văn phòng công chứng để công chứng giấy tờ giả thì bị phát hiện; H. chưa đưa giấy tờ giả cho ông N. nên với tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức, trường hợp của H. là phạm tội chưa đạt (chưa công chứng được). Còn với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hành vi của H. ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội. H. có ý định chiếm đoạt 200 triệu đồng, thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 139 BLHS (tội phạm rất nghiêm trọng) nên H. bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội.

ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm