TỐ TỤNG HÌNH SỰ:

Được xóa án tích, hoàn lương: Nhân thân tốt?

Tình huống bắt nguồn từ một vụ án ở Phú Yên đã gây nhiều tranh cãi trong giới luật học: Hiểu thế nào về nhân thân trong tố tụng hình sự?

Năm 1992, Nguyễn Văn Út bị TAND thị xã Tuy Hòa (nay là TP Tuy Hòa, Phú Yên) xử phạt 18 tháng tù về hai tội cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng. Thụ án xong, Út về huyện Đông Hòa sinh sống, làm ăn bình thường.

Bênh người quen, gây án

Tháng 5-2009, nghe tin nhà người quen bị Trần Quốc Bảo đến gây sự và đập phá tài sản, Út chở gia chủ chạy về. Bức xúc, cả hai cầm tuýp sắt, rựa đánh chém làm Bảo bị thương tật 43%.

Ngày 28-7, TAND huyện Đông Hòa (Phú Yên) đưa vụ cố ý gây thương tích này ra xử sơ thẩm. Riêng đối với Út, tòa phạt hai năm tù treo. Sau đó nạn nhân kháng cáo, đề nghị tăng hình phạt và không cho Út được hưởng án treo.

Mới đây, xử phúc thẩm, TAND tỉnh Phú Yên đã bác kháng cáo, y án sơ thẩm. Theo tòa, tuy Út đã từng bị kết án nhưng đã được xóa án tích từ 16 năm trước. Từ đó đến nay, Út không lần nào bị xử lý hành chính, chứng tỏ Út đã chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, làm ăn lương thiện. Cạnh đó, Út còn có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên cấp sơ thẩm cho hưởng án treo là có căn cứ.

Được xóa án tích, hoàn lương: Nhân thân tốt? ảnh 1

Tranh cãi về nhân thân

Theo Nghị quyết số 01 ngày 2-10-2007 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, các tòa chỉ cho người bị xử phạt tù hưởng án treo khi có đủ các điều kiện, trong đó phải có nhân thân tốt, được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật và chưa có tiền án, tiền sự trước đó…

Vụ án trên đã gây tranh cãi xung quanh việc quá khứ của Út có “tì vết” là đã từng bị kết án. Vậy liệu có thể đánh giá Út là người có nhân thân tốt để cho hưởng án treo hay không?

Luồng quan điểm thứ nhất cho rằng nhân thân tốt trong tố tụng hình sự phải được hiểu là không có “tì vết” gì, chưa từng phạm tội hay bị xử lý hành chính. Chưa kể, ở lần phạm tội này, hành vi của Út là rất nghiêm trọng, chỉ mới nghe tin phía nạn nhân đến đập phá tài sản của người quen đã dùng hung khí nguy hiểm đánh nạn nhân trọng thương. Vì thế phải xem Út là người có nhân thân không tốt, không đủ điều kiện để được hưởng án treo.

Ngược lại, luồng quan điểm thứ hai được nhiều người đồng tình hơn cho rằng Út đã được xóa án tích, lại chưa từng bị xử lý hành chính nên coi như chưa có tiền án, tiền sự. 16 năm nay, Út đã sinh sống lương thiện, không vi phạm pháp luật thì vẫn có thể xem là người có nhân thân tốt.

Không nên cố chấp!

Ủng hộ quan điểm thứ hai, luật sư Trần Ngọc Quý (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích: Trong Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự hiện nay chưa định nghĩa thế nào là nhân thân tốt, nhân thân xấu mà chỉ quy định về quyền nhân thân nói chung. Vì thế, dùng khái niệm nhân thân tốt để cho ai đó được hưởng án treo là phụ thuộc vào nhận thức chủ quan của từng HĐXX, từng thẩm phán chủ tọa.

Về trường hợp của Út, luật sư Quý nói một người đã được xóa án tích thì coi như chưa phạm tội, có nghĩa họ trở thành công dân bình thường và lần phạm tội mới sẽ được coi như lần phạm tội đầu tiên. Ở đây, Út đã có 16 năm sinh sống ổn định, lương thiện, không phạm pháp thì chuyện hai cấp tòa xác định bị cáo có nhân thân tốt là hoàn toàn hợp lý.

Một kiểm sát viên cao cấp (VKSND Tối cao) bổ sung: Để đánh giá nhân thân của một người trong tố tụng hình sự, ngoài tiền án và tiền sự còn phải dựa vào thực tế cuộc sống và xét cả quá trình cải tạo của người đó trước khi phạm tội. Tinh thần của pháp luật là không cố chấp mà luôn tạo điều kiện cho người phạm tội hoàn lương bởi “đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại”. Chính vì vậy mà Bộ luật Hình sự mới đặt ra chuyện xóa án tích. Nếu chỉ vì một “tì vết” cách đây hàng chục năm để đánh giá một con người là có nhân thân xấu thì sẽ thật cứng nhắc, cố chấp và không thuyết phục.

XUÂN LONG - THANH TÙNG

Thế nào là nhân thân tốt?

Theo tôi, nhân thân tốt là khả năng tự cải tạo để chấp hành tốt pháp luật, sống lương thiện với cộng đồng và xã hội của một con người. Nhân thân tốt trong xét xử gắn liền và đặt trong mối quan hệ với tính chất khoan hồng của nhà nước, với chính sách pháp luật nhân đạo.

Tôi nghĩ một người đã được xóa án tích, sống lương thiện trong một thời gian dài thì có thể coi là người có nhân thân tốt. Tuy nhiên về lâu dài, để hiểu cặn kẽ và áp dụng thống nhất thì vấn đề này cần được cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể hơn.

Thạc sĩ PHAN ANH TUẤN,
Trưởng bộ môn Luật hình sự ĐH Luật TP.HCM

Không thể đánh đồng

Tôi nghĩ rằng một người từng bị kết án thì không thể coi là có nhân thân tốt dù đã được xóa án tích. Cá nhân tôi nghĩ yếu tố thời gian không thể đánh đồng với yếu tố nhân thân vì đã có tiền án thì không thể đánh đồng với người chưa vi phạm pháp luật lần nào. Cho dù họ đã được xóa án 10 hay 20 năm vẫn bị coi là có nhân thân xấu vì thực tế không thể quy định sau bao nhiêu năm phạm tội thì một con người sẽ tự tốt lên. Người có một tiền án chỉ coi là có nhân thân tốt hơn người đã phạm hai, ba, hay nhiều tiền án mà thôi...

Luật sư TRƯƠNG XUÂN TÁM, ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn Luật sư toàn quốc

Vậy xóa án tích để làm gì?

Chúng ta phải hiểu một nguyên tắc là đã được xóa án tích thì coi như chưa có tiền án. Trong trường hợp này, bị cáo phạm tội mới, thuộc trường hợp tội không nghiêm trọng, không ảnh hưởng đến chính trị, an ninh quốc gia thì có thể xét là bị cáo có nhân thân tốt.

Còn bản chất của án treo là một biện pháp chấp hành hình phạt tù có điều kiện, người được hưởng án treo cũng bị địa phương quản lý chặt và phải trải qua một thời gian thử thách khá dài. Cho nên nếu xét về mục đích phòng ngừa tội phạm, án treo cũng đảm bảo và sẽ làm cho một người nhanh tiến bộ hơn.

Do đó trong vụ án này, tôi thấy hai cấp tòa đánh giá bị cáo có nhân thân tốt và cho hưởng án treo là hợp tình, hợp lý.

Một giảng viên Trường ĐH Luật Hà Nội

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm