Ép trả nợ, tội gì?

Mới đây, TAND tỉnh Bình Dương đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Ngô Xuân Thái và đồng bọn bị truy tố về tội cướp tài sản với tổng giá trị là 35 triệu đồng. Mức án cao nhất dành cho Thái lên đến 15 năm tù, các bị cáo còn lại từ bảy đến 12 năm tù. Ngoài ra, tòa này còn buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường cho người bị hại là anh C. 35 triệu đồng.

Sau khi tòa xử xong, các bị cáo đồng loạt kháng cáo xin thay đổi tội danh.

“Muốn lấy lại xe phải đưa 15 triệu”

Theo hồ sơ, chị Trần Thị Ngọc cho anh C. vay 800 triệu đồng nhưng đến hạn anh C. không chịu trả. Tháng 6-2012, Ngọc nhờ Thái đòi nợ giùm, nếu được sẽ chia đôi. Thái nhờ thêm năm người cùng tham gia đòi nợ. Tại một quán cà phê, nhóm Thái ép anh C. phải trả số tiền trên nhưng anh C. cho rằng mình chỉ mượn hơn 200 triệu đồng. Thấy quán đông người, một người của nhóm Thái dùng xe máy của anh C. chở anh C. đến quán cà phê khác. Thái yêu cầu anh C. gọi điện thoại cho người nhà mang tiền đến trả. Anh C. gọi và cho biết “không mượn được tiền” thì anh đã bị Thái tát vào mặt, chửi bới. Thái buộc anh C. viết giấy cầm xe máy.

Sau đó, người nhà anh C. đem 20 triệu đồng đưa cho Thái. Thái giữ lại xe máy của anh C. và một số giấy tờ khác rồi ra về. Ngày hôm sau, anh C. gọi điện thoại xin chuộc lại xe, Thái đưa ra điều kiện là 15 triệu đồng.

Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Bình Dương nhận định: Ngọc nhờ Thái đòi tiền giúp mình và Thái đã rủ thêm nhiều người cùng tham gia đòi nợ, dùng vũ lực đánh gây thương tích buộc người bị hại phải trả nợ, rồi ép viết giấy nhận nợ hơn 200 triệu đồng. Ngoài ra, nhóm Thái còn buộc gia đình người bị hại phải mang tiền đến trả nợ và giữ xe máy của anh C. (trị giá 25 triệu đồng) để đòi tiền chuộc 15 triệu đồng là trái ý muốn và sự tự nguyện của người bị hại. Từ đó tòa kết luận các bị cáo phạm tội cướp tài sản đúng như cáo trạng đã truy tố.

Tội cưỡng đoạt tài sản mới đúng?

Theo luật sư Nguyễn Văn Hồng (Đoàn Luật sư TP.HCM) thì việc xử lý các bị cáo tội cướp tài sản là chưa thỏa đáng. Nguyên nhân của vụ việc xuất phát từ việc anh C. nợ tiền của Ngọc nhưng lại không trả nên Ngọc mới nhờ nhóm Thái đòi giúp. Việc hẹn gặp giữa nhóm Thái và anh C. diễn ra tại quán cà phê đầu tiên là nơi đông người và có cả bạn của anh C. theo cùng. Như vậy không thể nói nhóm Thái đã dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để làm tê liệt ý chí chống cự của nạn nhân. Anh C. hoàn toàn có thời gian và điều kiện để tri hô, bỏ chạy, gọi điện thoại hoặc thông qua người bạn đi cùng đề nghị cơ quan chức năng can thiệp. Hơn nữa, anh C. cũng không chống cự lại mà đi theo nhóm Thái đến quán cà phê khác. Những hành vi khách quan trên cho thấy các bị cáo có dấu hiệu phạm tội cưỡng đoạt tài sản được quy định tại Điều 135 BLHS.

Đồng tình với quan điểm của luật sư Hồng, luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích thêm: Đặc trưng của tội cướp tài sản phải là dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Thế nhưng trong vụ án này, người bị hại còn nhiều lần gọi điện thoại về nhà để yêu cầu mang tiền đến trả. Trong khoảng thời gian đó thì anh C. và gia đình vẫn có thể suy nghĩ, cân nhắc đưa hay không đưa tiền. Như vậy không thể xử lý các bị cáo tội cướp tài sản được.

NGÂN NGA

 

Điều 133. Tội cướp tài sản

Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù 3-10 năm. Phạm tội thuộc trường hợp có tổ chức thì bị phạt tù 7-15 năm.

Điều 135. Tội cưỡng đoạt tài sản

Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù 1-5 năm. Phạm tội thuộc trường hợp có tổ chức thì bị phạt tù 3-10 năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm