Giá trị pháp lý của bản đồ

Trong các tranh chấp quốc tế về biên giới hay lãnh thổ, các bên thường dựa vào các bằng chứng bản đồ để chứng minh cho chủ quyền của mình. Tuy nhiên, theo luật quốc tế, giá trị của bản đồ có giới hạn. Một cách truyền thống, các tòa án quốc tế thường đánh giá bản đồ e dè và hạn chế hơn các loại bằng chứng khác. Trong phần lớn các trường hợp, tòa án thường xem bản đồ là bằng chứng thứ yếu và mỗi tòa án có cách đánh giá khác nhau về giá trị pháp lý của bản đồ. Ngay cả các bản đồ chính thức được ban hành hay phê duyệt bởi các cơ quan chính phủ cũng bị bỏ qua.

Thế nhưng luật quốc tế hiện nay có cách tiếp cận mới hơn, theo hướng công nhận giá trị của bản đồ nhiều hơn so với cách tiếp cận truyền thống. Hai tòa án quốc tế là Tòa án Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Abitration - PCA) và Tòa án Công lý Quốc tế (International Court of Justice - ICJ) từng xem xét vấn đề chứng cứ liên quan đến bản đồ trong các ví dụ dưới đây.

Tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan

Vụ án tranh chấp vùng Rann of Kutch dọc biên giới phía tây giữa Ấn Độ và Pakistan là một ví dụ điển hình. Cuộc tranh chấp này đã dẫn đến cuộc chiến giữa Ấn Độ và Pakistan vào năm 1965. Thông qua sự trung gian của Thủ tướng Anh, hai nước đã mang tranh chấp này ra trọng tài phân xử.

Trong phán quyết năm 1968, PCA đã không công nhận hiệu lực chứng cứ của bản đồ một cách công khai. Tuy nhiên, PCA đã dựa vào bản đồ để ra quyết định. Phán quyết đã không trao nhiều sức nặng cho chứng cứ bản đồ vì các bản đồ này thiếu chính xác, không rõ ràng và không nhất quán. Các bản đồ khảo sát địa hình được dành cho nhiều sức nặng hơn các loại bản đồ khác.

Giá trị pháp lý của bản đồ ảnh 1

Dựa trên chứng cứ bản đồ, Tòa án Công lý Quốc tế đã phán quyết ngôi đền Preah Vihear thuộc Campuchia. Ảnh: INTERNET

PCA đã tuyên bố rõ rằng mặc dù không có một biên giới trong vùng tranh chấp được thiết lập kỹ lưỡng và được lịch sử thừa nhận, các tuyên bố và các bản đồ có thể được diễn giải như là acquiescence trong các yêu cầu của các bên. Từ đó, bản đồ của một quốc gia mà không vẽ vùng tranh chấp trong lãnh thổ của mình có thể “được xem là một sự từ bỏ một cách tự nguyện, cho dù là có ý thức hay vô ý” cho chủ quyền lãnh thổ của quốc gia đó đối với khu vực tranh chấp. (Acquiescence là sự thừa nhận ngầm được thể hiện bởi một ứng xử đơn phương mà bên kia có thể giải thích như là sự đồng ý).

Như vậy, trong khi vẫn dựa vào chứng cứ bản đồ để xác định rất nhiều vấn đề nhưng PCA vẫn còn thận trọng trong việc khẳng định một cách rõ ràng giá trị chứng cứ của bản đồ trong phán quyết.

Vụ xét xử giữa Eritrea và Yemen

Vụ án này liên quan đến nhiều cụm đảo ở phía nam Biển Đỏ: quần đảo Mohabbakah, quần đảo Haycock, quần đảo Hanish-Zuquar và nhóm đảo Jabal al-Tayr và Zubayr. Vị trí các đảo này nằm gần Gate of Lament và cửa phía nam của kênh đào Suez, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng hải quốc tế.

Trong vụ án này, sau khi bác bỏ các lập luận chính của hai bên, PCA đã ghi nhận rằng các bên đã sử dụng các bản đồ cho nhiều mục đích khác nhau và cho rằng các bản đồ đó có liên quan đến vụ tranh chấp bằng nhiều cách khác nhau.

Trong vụ này, Eritrea không chấp nhận giá trị chứng cứ của bản đồ, còn Yemen thì hoàn toàn ngược lại.

PCA đã chia các giai đoạn đó thành sáu loại và phân biệt giá trị của từng loại. PCA đã thừa nhận và công nhận rất nhiều loại bản đồ như là chứng cứ. Quan trọng hơn, PCA đã đánh giá sự liên quan của các bản đồ dựa theo các giai đoạn mà các bản đồ này ra đời.

Mặc dù khi ra phán quyết cuối cùng dựa trên chứng cứ khác nhưng PCA vẫn nhận định rằng chứng cứ bản đồ có thể có giá trị quan trọng hơn nếu như không có loại chứng cứ khác. Và dù các bản đồ được sản xuất bởi các bên có nhiều mâu thuẫn và không chắc chắn, PCA vẫn phán quyết rằng chứng cứ bản đồ của bên này có thể có giá trị cao hơn bản đồ của bên kia. Điều này có nghĩa là PCA đã công nhận giá trị chứng cứ của bản đồ.

Ngoài ra, đối với các bản đồ được làm ra bởi bên thứ ba (như các cơ quan bản đồ thương mại hay độc lập, cơ quan tình báo, cơ quan hàng hải của các quốc gia thứ ba), PCA phán quyết rằng: Mặc dù cần phải thận trọng, không thể cho các bản đồ này như là sự thể hiện chủ quyền pháp lý nhưng các bản đồ này là những chứng cứ quan trọng về quan điểm công chúng về tiếng tăm. Bản đồ được làm ra bởi các nguồn trung lập, do vậy được PCA đánh giá cao hơn.

Tranh chấp đền Preah Vihear

Vụ án này được xem là bước ngoặt trong việc đánh giá chứng cứ bản đồ tại các tòa án quốc tế. Tranh chấp này phát sinh từ việc giải quyết biên giới năm 1904-1908 giữa Pháp (bảo hộ cho Campuchia bấy giờ) và Xiêm (Thái Lan ngày nay), mà tâm điểm là hiệp định ngày 13-2-1904 (sau đây gọi tắt là hiệp định).

Điều 1 của hiệp định quy định đường biên giới dọc theo phía đông của đồi Dangrek, nơi có đền Preah Vihear, sẽ theo lưu vực sông. Theo Điều 3 của hiệp định thì một Ủy ban Hỗn hợp Pháp-Xiêm sẽ được thành lập để xác định đường biên giới. Ủy ban này đã khảo sát và xác định một đường biên giới, tuy nhiên đường biên giới trên đồi Dangrek không được làm ra.

Giai đoạn cuối của việc phân định là vẽ bản đồ. Chính phủ Xiêm lúc bấy giờ do thiếu phương tiện kỹ thuật phù hợp đã yêu cầu các viên chức Pháp vẽ bản đồ vùng biên giới. Nhóm các viên chức Pháp, mà một số trong số họ là thành viên của Ủy ban Hỗn hợp Pháp-Xiêm, đã vẽ 11 bản đồ vào mùa thu năm 1907 và chuyển cho chính phủ Xiêm. Một trong các bản đồ này là bản đồ của đồi Dangrek và bản đồ này đã vẽ đền Preah Vihear thuộc bên phía Campuchia.

Campuchia đã chủ yếu dựa vào bản đồ này để đòi hỏi chủ quyền đối với đền Preah Vihear. Ngược lại, Thái Lan cho rằng bản đồ này vốn không phải là sản phẩm của Ủy ban Hỗn hợp Pháp-Xiêm nên không có giá trị ràng buộc. Đồng thời, Thái Lan cũng nhấn mạnh rằng đường lưu vực sông thật sự đã chia đền Preah Vihear về phía Thái Lan.

Bản đồ chưa bao giờ được chính thức thông qua bởi Ủy ban Hỗn hợp Pháp-Xiêm. Nhưng Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đã cho rằng “không nghi ngờ gì” về việc bản đồ có một “thẩm quyền kỹ thuật vốn có” và nguồn gốc của nó là “công khai và rõ ràng”. Cuối cùng, dựa vào bản đồ đó, ICJ đã xử Campuchia thắng kiện.

Tranh chấp biên giới giữa Burkina Faso và Mali

Hai bên tranh chấp đã từng là thuộc địa của Pháp. Vì không đạt được một thỏa thuận trong việc giải quyết tranh chấp liên quan đến vùng biên giới, vốn được xem là giàu khoáng sản, hai bên đã đệ trình tranh chấp lên ICJ. Các bên đã đệ trình nhiều bản đồ khoáng sản và lập luận dựa vào các bản đồ này.

ICJ, như thông lệ đã cho rằng bản đồ chỉ đơn thuần là bằng chứng phụ được sử dụng để cùng với các chứng cứ khác, dựng lại nội dung thật sự. ICJ cũng cho rằng mặc dù các bên đã đệ trình nhiều bản đồ khác nhau nhưng không một đường biên giới dứt khoát nào có thể xác định được. ICJ cũng xác định rằng không thể xác nhận bất kỳ thông tin nào từ bản đồ nếu như có các thông tin khác xác thực hơn có nội dung trái ngược lại.

Thế nhưng cuối cùng ICJ đã phán quyết rằng “có hai bản đồ có ý nghĩa đặc biệt”. ICJ đã cho rằng một trong số các bản đồ, mặc dù không có danh nghĩa pháp lý, đã thể hiện chân dung của các văn bản và thông tin liên quan đến vấn đề này, bởi vì nó được vẽ bởi một cơ quan trung lập với các quốc gia trong tranh chấp. Sau khi ghi nhận ngày làm ra bản đồ và tính trung lập của nguồn bản đồ, ICJ đã dựa mạnh mẽ vào một trong các bản đồ để phán quyết. Tòa còn giải thích rằng giá trị chứng cứ của bản đồ có thể đóng một “vai trò quyết định” khi tất cả bằng chứng khác không đầy đủ hoặc không xác định rõ đường biên giới một cách chính xác.

Tranh chấp giữa Indonesia và Malaysia

Vụ án gần đây nhất liên quan đến chứng cứ bản đồ là vụ tranh chấp hai quần đảo Pulau Ligitan và Pulau Sipadan giữa Indonesia và Malaysia. Trong vụ này, hai bên đã làm ra hàng loạt các bản đồ để ủng hộ cho việc diễn giải của mình đối với Hiệp định 1891 giữa Hà Lan và Liên hiệp Anh, những nước đã thay mặt hai quốc gia này thời thuộc địa.

Indonesia đã chấp nhận bản đồ mà mình làm ra là “nhất quán trong việc vẽ đường biên giới nhưng là đường mở rộng đến phía bắc của các quần đảo Ligitan và Sipadan và do vậy làm cho các quần đảo này thuộc Indonesia”.

Nhưng theo Malaysia, một vài bản đồ của Hà Lan thể hiện rõ ràng rằng đường biên giới chấm dứt tại phía đông của bờ biển Sebatik của Indonesia. Malaysia cho rằng: Thậm chí các bản đồ của Indonesia xuất bản từ năm 1969 trở đi không thể hiện các quần đảo này như của Indonesia. Malaysia còn lập luận rằng trên đa số bản đồ xuất bản sau đó, các quần đảo Ligitan và Sipadan hoặc không được thể hiện, hoặc có thể hiện nhưng sai vị trí. Nhằm củng cố cho sự diễn giải của mình, Malaysia đã đặc biệt dựa vào bản đồ đính kèm Hiệp định 1891 giữa Hà Lan và Liên hiệp Anh.

Các hành động nêu trên của Malaysia là một trong những cơ sở của effectivité (những việc có giá trị pháp lý trong việc thụ đắc chủ quyền) để ICJ tuyên hai quần đảo trên thuộc Malaysia. ICJ đã chấp nhận bản đồ như là chứng cứ quyết định bởi vì có bằng chứng cho rằng các bên đã thỏa thuận nhờ vào nó.

TS LÊ MINH PHIẾU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm