Giữ, đánh người để đòi nợ: Mấy tội?

Mới đây, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm vụ án bốn người đòi nợ thuê có hành vi đánh người, dùng kim tiêm, bật roi điện, ép viết giấy nợ, buộc gia đình người bị hại mang tiền đến trả nợ rồi mới thả. Tuy nhiên, tòa này chỉ phạt mỗi bị cáo sáu tháng 10 ngày tù (bằng với thời gian tạm giam) về tội bắt, giữ người trái pháp luật.

Dùng kim tiêm "nhiễm HIV" để đòi nợ

Theo hồ sơ, Dũng và một người nữa cho chị Trâm vay trên 5 tỉ đồng (có thế chấp giấy đỏ). Dũng đòi nợ nhiều lần nhưng Trâm không trả. Tháng 7-2013, Dũng ký hợp đồng ủy quyền cho Lê Phạm Quốc Thắng đòi nợ giúp với thù lao là 30% tổng số nợ đòi được. Sau đó, Dũng gọi điện thoại hẹn chị Trâm đến quán cà phê. Khi chị Trâm tới, Giang gọi điện thoại báo cho Thắng biết, Thắng rủ thêm Cảnh, Đạt. Do thỏa thuận số tiền nợ không thành nên nhóm này yêu cầu chị Trâm lên xe ô tô để chỉ nơi ở. Chị Trâm chỉ không đúng địa chỉ, Thắng bực tức chở chị Trâm đến một cây xăng kêu Cảnh, Đạt canh giữ không cho bỏ trốn. Thắng, Giang tát vào mặt chị Trâm, bật roi điện, dùng ống tiêm nói nhiễm HIV để đe dọa. Giang yêu cầu chị Trâm viết giấy nợ Dũng 5 tỉ 570 triệu đồng và gọi gia đình mang trả trước 1 tỉ đồng. Người nhà chị Trâm không mang tiền theo hẹn, Thắng, Giang tiếp tục tát vào mặt và cầm dao dọa chị Trâm. Do số tiền quá lớn, gia đình chị Trâm xin giảm xuống còn 500 triệu đồng, hẹn hôm sau mang tới. Thay vì đưa tiền, gia đình chị Trâm đã báo công an.

Tại phiên xử, tòa xác định các bị cáo phạm tội bắt, giữ người trái pháp luật như VKS đã truy tố.

Một tội hay hai tội?

Luật sư Nguyễn Tuấn Lộc (Đoàn Luật sư TP.HCM) đồng tình với tòa là các bị cáo phạm tội bắt, giữ người trái pháp luật. Song theo luật sư này thì tội bắt, giử người vẫn chưa đủ mà phải truy tố các bị cáo thêm tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 135 BLHS. Bởi lẽ việc bắt giữ, đưa chị Trâm đi để chỉ nhà... của các bị cáo nhắm đến mục đích là buộc chị Trâm trả nợ. Trong trường hợp các bị cáo dùng vũ lực đánh đập gây thương tích cho bị hại để buộc trả nợ thì không còn là tội cưỡng đoạt tài sản nữa mà là tội cướp tài sản theo Điều 133 BLHS.

Đồng tình, một kiểm sát viên ở Viện Phúc thẩm 3-VKSND Tối cao tại TP.HCM cũng cho rằng các bị cáo còn phạm tội cưỡng đoạt tài sản vì mục đích của các bị cáo là buộc người bị hại trả nợ. chị Trâm không trả nên nhóm này mới đưa chị đi để chỉ nhà và giữ ở cây xăng.

Ngược lại, luật sư Trần Thành (Đoàn Luật sư TP.HCM) nêu ý kiến: “Phải truy tố thêm tội cướp tài sản thì mới đúng”. Ông phân tích: “Một nhóm người toàn đàn ông đến để đòi nợ thì chắc chắn chị Trâm phải sợ hãi rồi. Các bị cáo không những dùng ống tiêm bẩn, bật roi điện để hù dọa người bị hại mà còn tát làm cho người bị hại bị tê liệt tinh thần không thể chống cự, buộc phải viết giấy nợ... Khi gia đình người bị hại không mang tiền tới địa điểm hẹn, Thắng và Giang tiếp tục tát và cầm dao đe dọa buộc người bị hại phải gọi người nhà mang tiền trả… Hành vi này đã cấu thành tội cướp tài sản”.

NGÂN NGA

Hiện nay có tình trạng một số người vay mượn tài sản sau đó không chịu trả. Nếu người bị chiếm đoạt tài sản áp dụng đúng theo quy định pháp luật đôi khi không thể đòi lại được tài sản đã mất. Đã vậy, những người thiếu nợ nhiều khi còn thách thức chủ nợ. Cho nên nhiều người đã chọn cách thuê băng nhóm đi đòi nợ giúp mình cho nhanh. Để đòi được tiền, những băng nhóm này dùng mọi thủ đoạn, bất chấp pháp luật để đạt được mục đích. Do vậy việc xử các bị cáo ở mức án thấp như trên vô tình làm cho công tác phòng, chống tội phạm kém hiệu quả.

Một kiểm sát viên Viện Phúc thẩm 3- VKSND
Tối cao tại TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm