Hạn chế án oan: Ghi nhận nguyên tắc suy đoán vô tội

Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) cho rằng khi chứng cứ buộc tội không đầy đủ, không vững chắc hoặc ở mức độ 50/50 thì phải suy đoán theo nguyên tắc có lợi cho bị can, bị cáo. Nói cách khác là nếu không có đầy đủ chứng cứ chứng minh một người phạm tội một cách vững chắc thì phải thả người vì nó xuất phát từ cái gốc là nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về phía cơ quan tố tụng.

Không được “cố đấm ăn xôi”

“Tương tự, khi hết thời hạn điều tra, truy tố, xét xử mà không chứng minh được tội phạm thì cơ quan tố tụng cũng phải thẳng thắn thừa nhận. Không nên cố đấm ăn xôi bằng cách dùng thủ thuật kéo dài vụ án ra nhằm chứng minh cho bằng được” - Thẩm phán Hùng nói.

Ông Hùng cũng cho rằng thực chất nguyên tắc suy đoán vô tội là quan điểm nhìn nhận, đánh giá chứng cứ và ở giai đoạn tố tụng nào cũng cần phải có. Đây là quá trình xuyên suốt tố tụng, không phải riêng cơ quan tố tụng nào đó mới có quyền áp dụng. Nếu cơ quan điều tra còn lừng khừng về chứng cứ thì không ra kết luận điều tra, nếu VKS còn băn khoăn việc này nọ thì không ra cáo trạng, nếu thấy chưa đủ chứng cứ thì tòa không kết tội.

Hạn chế án oan: Ghi nhận nguyên tắc suy đoán vô tội ảnh 1

Nếu áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội, có thể ông Nguyễn Thanh Chấn đã không bị kết án chung thân. Trong ảnh: Ông Chấn được tự do về nhà sau 10 năm thụ án. Ảnh: V. THỊNH

Còn nhớ tại phiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội hồi tháng 6-2013, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng đề xuất cần phải ghi nhận nguyên tắc suy đoán vô tội trong BLTTHS. Ở các giai đoạn tố tụng, đến một thời hạn nào đó mà các cơ quan tố tụng không thể chứng minh được tội phạm thì phải xác định là bị can, bị cáo vô tội. Từ chỗ đang suy đoán có tội, nếu không đủ chứng cứ thì phải trở thành suy đoán vô tội. Khi nào phát hiện vụ án có tình tiết mới thì lại đưa ra xem xét lại chứ không thể kéo rê mãi...

Phải ghi nhận đầy đủ trong luật

Theo các chuyên gia, BLTTHS hiện hành đã ghi nhận một số nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội (như không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của tòa...) nhưng chưa đầy đủ. Điều cần đặt ra là phải ghi nhận đầy đủ tất cả nội dung của nguyên tắc này vào luật để có giá trị áp dụng bắt buộc đối với các cơ quan tố tụng.

TS Nguyễn Duy Hưng (Trưởng khoa Luật Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương) nói bị can, bị cáo cần phải được hưởng quyền suy đoán vô tội ở mức cao nhất. Quyền suy đoán vô tội cần phải là điều đầu tiên mà những người tiến hành tố tụng nghĩ tới khi thực thi nhiệm vụ. Có nghĩa là quá trình đi tìm sự thật khách quan của vụ án, người tiến hành tố tụng phải thu thập cả chứng cứ buộc tội lẫn gỡ tội chứ không phải chăm chăm tìm chứng cứ buộc tội, xem nhẹ và bỏ qua chứng cứ gỡ tội. Khi không đủ bằng chứng hoặc không chứng minh được hành vi phạm tội thì phải suy đoán theo hướng ngược lại. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh mình vô tội.

“Cần tránh tư duy theo kiểu định kiến áp đặt và hành xử với nghi can như thể người đó đã có tội. Thực tế đã chứng minh không phải lúc nào và ở đâu đánh giá của cơ quan tố tụng cũng đúng. Để tránh án oan, người tiến hành tố tụng phải áp dụng triệt để tư duy suy đoán vô tội. Trên thế giới, nguyên tắc suy đoán vô tội đã được nhiều nước ghi nhận và là xương sống của các hoạt động tố tụng hình sự” - TS Hưng nói.

Theo nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao Đinh Văn Quế, các cơ quan tố tụng, đặc biệt là người tiến hành tố tụng cần tuyệt đối không nhìn người khác bằng con mắt chủ quan của mình. “Dù là anh xe ôm hay một giám đốc bị nghi là phạm tội thì trước pháp luật họ đều bình đẳng. Chúng ta không nên tư duy theo kiểu hễ thấy một người xăm trổ đầy mình thì nghĩ là tội phạm, gặp người mặt mũi hiền lành thì nghĩ họ lương thiện. Nếu đang điều tra mà cứ mang tâm lý, niềm tin nội tâm là người đó phạm tội hoặc người đó bị oan thì rất dễ sai lầm. Nói một cách ví von là phải trái tim dù đang rất nóng nhưng cái đầu phải luôn tỉnh táo và suy nghĩ thấu đáo” - ông Quế nhận xét.

Các nội dung của nguyên tắc suy đoán vô tội

- Không ai có thể bị coi là có tội khi tội phạm do họ thực hiện chưa được chứng minh theo đúng các quy định của BLTTHS và chưa được xác định bằng bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của tòa. Hình phạt là do tòa quyết định. Một người sẽ không phải chịu hình phạt nếu trong bản án kết tội của tòa đối với người đó tuyên miễn hình phạt.

- Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan điều tra, VKS. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

- Buộc tội phải dựa trên chứng cứ. Bản cáo trạng của VKS và bản án kết tội của tòa phải dựa trên các chứng cứ khẳng định chắc chắn về lỗi của người bị buộc tội trong việc thực hiện tội phạm. Mọi nghi ngờ về lỗi của bị can, bị cáo nếu không thể loại trừ được theo trình tự, thủ tục luật định và khi chưa có sự thống nhất trong việc giải thích, áp dụng các quy phạm pháp luật đều phải được giải quyết theo hướng có lợi cho họ.

ThS ĐINH THẾ HƯNG (Viện Nhà nước và Pháp luật)

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm