Hậu... À Ra Thế! Kỳ 67

Công an cho biết hành vi trộm tài sản có giá trị 2 triệu đồng thì phải bị xử lý hình sự về tội trộm cắp tài sản. A và B đều phân bua mỗi người chỉ được chia 1 triệu đồng nên chưa đến mức tiền bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp.

Đề hỏi: “Ai đúng? Ai sai? Tại sao?”. Đáp án của BTC cho rằng: Anh công an đúng; A và B sai. Vì mức tiền luật định để truy cứu trách nhiệm hình sự là tổng số giá trị tài sản bị trộm, toàn bộ giá trị chiếm đoạt gây nguy hiểm cho xã hội chứ không phải tính theo số tiền mỗi người tham gia được hưởng...

Bạn thân mến,

Dù bận “Hậu... Hậu ART” Kỳ 66 mất hết hai tuần nhưng trong thời gian đó các bạn trong làng vẫn nhiệt tình HART Kỳ 67. Như thường lệ, số báo này BTC giới thiệu các ý kiến phản biện đáp án, số Chủ nhật tới ta tiếp tục cãi nhau. Số Chủ nhật tới nữa sẽ có lời gút của BTC.

Chưa chắc đã ở tù!

Tôi không đồng ý với cách lý giải của BTC cho rằng: “Theo BLHS sửa đổi (2009) cũng vừa đủ chạm mức... ở tù”. Nếu viết như vậy thì chẳng khác gì khẳng định A và B chắc chắn phải bị ở tù. Trong khi tương ứng với hành vi phạm tội nêu trên, khoản 1 Điều 138 BLHS quy định hình phạt là bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. A và B đều phạm tội lần đầu và nếu hành vi phạm tội của họ thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, họ tự đến đầu thú, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải theo Điều 47 BLHS, họ có thể sẽ chịu hình phạt nhẹ hơn tù, như cải tạo không giam giữ chẳng hạn.

ĐINH THỊ TUYẾT SƠN (Văn phòng Huyện ủy Chơn Thành, Bình Phước)

Công an giải thích không rõ!

A và B sai nhưng công an cũng không hoàn toàn đúng. Anh công an sau khi xác định A và B sẽ bị xử lý hình sự lại giải thích rằng: “Mỗi người 1 triệu đồng, hai người 2 triệu đồng”. Bởi vì tình huống này không phải mỗi người hành động độc lập, đi trộm “mình ên” 1 triệu đồng mà đó là kết quả sau khi hai người cùng nhau trộm chung một vụ rồi chia nhau và hậu quả nguy hiểm cho xã hội do cả hai cùng phối hợp gây ra là 2 triệu đồng. Nếu không đọc kỹ đề, chỉ xem lời thoại anh công an giải thích thì rất dễ cho rằng anh công an đã... “hình sự hóa”. Như vậy là công an giải thích cũng chưa rõ.

NGUYỄN VĂN CHÍ (84 Quang Trung, Bồng Sơn, Hoài Nhơn, Bình Định)

Tiền giả thì cũng chưa có tội!

Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 33 thì kể từ ngày Chủ tịch nước công bố luật thì không xử lý hình sự đối với người trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng. A và B lấy được 2 triệu đồng là đủ mức để truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, nếu trong 2 triệu đồng này có một số tờ tiền giả thì tổng giá trị tiền sẽ không đủ 2 triệu đồng. Như thế thì A, B cũng không bị xử lý hình sự về tội trộm cắp tài sản.

NGUYỄN QUỐC SỬ (Phòng Tư pháp TP Tam Kỳ, 70 Hùng Vương, Tam Kỳ, Quảng Nam)

Gặp phải tiền rách... không xài được!

A và B trộm được số tiền có niêm phong và ghi tổng cộng là 2 triệu đồng, toàn giấy 10.000 đồng. Khi mở ra kiểm tra lại thì công an thấy có một tờ bị rách nát, không dùng được nên giá trị không phải 2 triệu đồng mà chỉ là 1.990.000 đồng. Vì vậy, cơ quan tiến hành tố tụng miễn trách nhiệm hình sự theo Luật Sửa đổi, bổ sung BLHS (2009) và Nghị quyết 33/2009/QH12 ngày 19-6-2009.

HUỲNH HUY BÍCH (286/8 Minh Phụng, phường 2, quận 10, TP.HCM)

Mong manh!

Đọc xong đáp án Kỳ 67 tôi cứ băn khoăn: Nếu A và B trộm 1.999.999 đồng thì đâu có tội. Ranh giới giữa tội và không tội sao mà mong manh thế: Chỉ 1 đồng bạc!

VƯƠNG TẤT ĐỨC (Phòng Tư pháp huyện Đức Trọng, Lâm Đồng)

Nếu A, B bệnh tâm thần thì đâu có tội!

Về nguyên tắc, hành vi của A và B đã cấu thành tội trộm cắp tài sản vì A và B đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Nhưng cũng có thể A và B không phải chịu trách nhiệm hình sự vì khoản 1 Điều 13 BLHS quy định: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

VŨ ĐOÀN TUẤN (Tổ bảo vệ Bệnh viện Bình Phước)

Nếu như A, B đều mắc bệnh tâm thần nên thực hiện hành vi trộm cắp thì không phải chịu trách nhiệm hình sự mà sẽ áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tại cơ sở điều trị chuyên khoa hoặc giao cho người nhà trông nom dưới sự giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo Điều 13 và Điều 43 BLHS 1999.

NGÔ TRUNG THẢO (Sở Công thương tỉnh Bình Dương)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm