Hộ giá viên là gì?

Riêng hộ giá viên làm việc gì tôi không rõ, mong Anh Phó giải thích thêm. Sẵn dịp, mong Anh Phó nói qua chữ “lại” trong chức danh “thừa phát lại” của chế độ cũ mà hiện nhà nước ta đang tổ chức làm thí điểm ở TP.HCM có nghĩa là gì?

ANH PHÓ trả lời: Thưa ông Lê Công Hoàng,

Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 9-2009, trong phần trả lời bạn Trần Thanh Tùng (TP.HCM) về việc kế thừa pháp luật cũ sau Cách mạng Tháng Tám 1945, tôi có viết: “Trong năm 1945, nhà nước cách mạng ban hành một số sắc lệnh, nghị định cho áp dụng lại các pháp luật chế độ cũ về luật sư, thừa phát lại, hộ giá viên”. Nói vậy vì tôi đã căn cứ theo Nghị định số 43 ngày 6-12-1945 của Bộ Tư pháp, cử ông Ngô Ngọc Khánh, nguyên thu ngân kế toán kiêm trưởng văn phòng tại phòng hộ giá viên, tạm giữ chức hộ giá viên tại Hà Nội... Các luật lệ cũ về hộ giá viên vẫn được thi hành, trừ những khoản không hợp với nền độc lập và chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Theo tôi, gọi “hỗ giá viên” mới thật chính xác, vì “hộ giá” theo nguyên gốc từ Hán Việt có nghĩa là người đi theo để hộ vệ xe vua. Còn “hỗ giá” là định giá. “Hỗ giá viên” là người đứng bán đấu giá. Chức danh hỗ giá viên có từ thời Pháp thuộc (dịch từ chữ Pháp là commissaire priseur) là viên công lại phụ trách việc định giá và công khai đấu giá bán các động sản và đồ đạc trong quản hạt tòa án họ được tuyển bổ.

Nghị định số 259 ngày 26-5-1954 ấn định quy chế hỗ giá viên: “Các đồ vật giao cho bán có thể là do sở hữu chủ tự ý nhờ, có thể do sự phát mại sau khi mệnh một, sai áp chấp hành, khánh tận tài sản. Trong hai trường hợp sau hỗ giá viên được tòa chỉ định” (Trần Thúc Linh, Danh từ pháp luật lược giải, Khai Trí xuất bản, Sài Gòn, 1974, trang 216). Như vậy, từ hỗ giá viên tương ứng với cán bộ đấu giá ở các trung tâm dịch vụ bán đấu giá của nhà nước ta mới tổ chức mấy năm gần đây.

Còn chữ “lại” trong thừa phát lại tổ chức thí điểm ở TP.HCM, thì có gốc là một danh từ Hán Việt để chỉ các chức danh chuyên giúp việc ở các cơ quan nhà nước. “Quan” là người có chức vụ; “lại” thì không có chức. Thừa phát lại thời chế độ cũ là người giúp việc cho tòa án và công dân về một số việc tố tụng như tống đạt giấy tờ của tòa, xác nhận chứng cứ, lập vi bằng... Chức danh thừa phát lại hiện nay là theo nghĩa cũ đó. Giúp việc ở tòa án thường có thừa phát lại (như nói ở trên); hộ giá là người phụ trách sổ bộ, sinh, tử, giá thú (hộ tịch) thường xuyên làm việc ở trụ sở làng, xã; tư pháp cảnh lại là người cảnh sát giữ trật tự ở các phiên tòa...

Kính chào ông.

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 11-2009)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm