Hoàng Sa - Trường Sa: AnhViệt kiều mê sưu tập bản đồ

Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội TP Đà Nẵng vừa tiếp nhận 150 tấm bản đồ, trong đó có những bản đồ do nhà nước Trung Quốc làm ra, thể hiện hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam. Người cất công sưu tầm những tấm bản đồ quý hiếm này là một Việt kiều Mỹ. Anh tên là Trần Thắng, năm nay 42 tuổi, là kỹ sư máy bay đang định cư tại tiểu bang Connecticut, Mỹ.

Cơ duyên đến với bản đồ

Trần Thắng kể anh vốn thích tìm tòi tư liệu tại các thư viện và tiệm bán đồ cổ nên có dịp nhìn thấy những tấm bản đồ cổ Trung Quốc, Việt Nam được bày bán ở New York. Ban đầu những tấm bản đồ ấy dưới con mắt của một kỹ sư máy bay như anh chẳng có giá trị và ý nghĩa gì. Thế nhưng như một cơ duyên, cuối cùng anh nhận ra tầm quan trọng của chúng từ một sự tình cờ.

“Đó là lần tôi thấy TS Mai Hồng trao tặng tấm bản đồ nhà Thanh cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Nhìn thấy tấm bản đồ của TS Hồng, tôi sực nhớ đến những tấm bản đồ cổ đang nằm trong ngóc ngách các tiệm bán sách cổ. Tôi lập tức phóng xe đến các tiệm này để chụp lại các bản đồ cổ mà mình từng nhìn thấy rồi gửi ngay cho TS Trần Đức Anh Sơn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội TP Đà Nẵng và TS Nguyễn Nhã để hai vị này thẩm định” - anh Thắng kể.

Khi được TS Nhã và TS Sơn, hai chuyên gia nghiên cứu về biển Đông, khẳng định đó là những tấm bản đồ quý, đang rất cần cho công tác nghiên cứu, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, anh Thắng mừng như bắt được vàng. Anh lập tức bỏ tiền túi ra mua những tấm bản đồ cổ này vì sợ bị người khác mua mất.

Hoàng Sa - Trường Sa: AnhViệt kiều mê sưu tập bản đồ ảnh 1

Anh Trần Thắng tại một tiệm bán sách cổ ở New York, Mỹ. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Từ đó, anh có thêm một niềm vui, một công việc mới đặc biệt ý nghĩa trong đời: Ngày ngày, sau giờ tan sở, anh lùng sục khắp nơi để tìm kiếm những tấm bản đồ. Không hiếm lần anh phóng xe hàng trăm cây số đến các tiệm sách cổ, thư viện ở xa để tìm mua cho bằng được những tấm bản đồ liên quan đến chủ quyền biển, đảo của Việt Nam mà trước đó bạn bè anh từng giới thiệu. Khi đã sở hữu những tấm bản đồ ấy, anh lại âm thầm nghiên cứu thâu đêm suốt sáng. “Khi bắt đầu sưu tập bản đồ, tôi thường ngủ rất ít. Tôi phải làm rất nhiều việc trong cái quỹ thời gian eo hẹp nên phải tranh thủ tối đa mọi lúc. Ngay cả trong mơ tôi cũng thấy mình đang đi tìm kiếm bản đồ” - anh Thắng tâm sự.

Để tránh bị lừa, anh Thắng tự đúc rút kinh nghiệm các bản đồ cổ Tây phương có chung một đặc điểm là có nếp xếp ở giữa vì bản đồ nằm trong sách; nếu bản đồ vẽ bằng tay thì sẽ có khuôn dập và khung nổi trên giấy. “Khi mua bản đồ thì phải kiểm tra năm phát hành, do ai vẽ, cơ quan nào phát hành, tên sách là gì và phát hành tại đâu. Khi biết chắc chắn tôi sẽ mua ngay, dù giá của nó đắt đến cỡ nào” - anh Thắng cho biết.

Sự thật hiển nhiên được nhiều nước công nhận

Ngoài chuyện đến tận các tiệm sách cổ lùng sục, sưu tầm, anh Thắng còn bỏ thì giờ lang thang trên các trang mạng mua bán trực tuyến để săn những tấm bản đồ quý. Có lần giữa khuya, tình cờ thấy một tấm bản đồ quan trọng đang được rao bán trên mạng, anh liền đóng máy tính lên xe ôm vô-lăng chạy một mạch hàng trăm kilomet đến tận nơi mục sở thị và ngã giá mua cho bằng được.

Hiện bộ sưu tập của Trần Thắng gồm có 150 bản đồ và Atlas. Trong đó có ba sách Atlas của nhà nước Trung Hoa Dân Quốc, Phái bộ truyền giáo London và 80 bản đồ Tây phương do 50 nhà xuất bản ấn hành. Điểm chung của những tấm bản đồ này là nó chỉ rõ miền Nam của Trung Quốc chỉ tới đảo Hải Nam. Ngoài ra, có 50 bản đồ Hoàng Sa và 20 bản đồ hàng hải khu vực bờ biển Việt Nam, bản đồ tổng thể khu vực châu Á và Ðông Nam Á thể hiện Hoàng Sa - Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Hoàng Sa - Trường Sa: AnhViệt kiều mê sưu tập bản đồ ảnh 2

Một bản đồ cổ thể hiện chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam còn lãnh thổ Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam do anh Thắng sưu tầm. Ảnh: LÊ PHI

Riêng sách Atlas do Bộ Giao thông Trung Hoa Dân Quốc phát hành năm 1919 có 49 bản đồ, ấn bản năm 1933 có 29 bản đồ đều thể hiện miền Nam của Trung Quốc chỉ tới đảo Hải Nam còn hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa thì thuộc Việt Nam. Sách Atlas do Phái bộ truyền giáo tại London phát hành năm 1908 có kích thước bản đồ khổ trung bình 31 x 41 cm cũng thể hiện rõ điều này.

Trong các bản đồ khác của anh Thắng, người Tây phương đã không vẽ quần đảo Hoàng Sa nằm sát Trung Quốc, Philippines, Brunei, Malaysia… mà vẽ sát bờ biển của An Nam và chú giải rất rõ là do người An Nam quản lý. Không chỉ thế, các bản đồ hàng hải còn thể hiện các tuyến hàng hải trọng điểm từ các nơi như Ấn Ðộ, Bangkok, Singapore, Saigon đến Hong Kong đều đi ngang qua Hoàng Sa của An Nam. Đó là những minh chứng hùng hồn khẳng định Hoàng Sa - Trường Sa vốn dĩ là của Việt Nam.

Theo anh Thắng, người Tây phương vốn duy lý, họ luôn dựa trên cơ sở khoa học và khách quan khi đo đạc và vẽ bản đồ. “Vì vậy, những tấm bản đồ do họ vẽ là căn cứ quan trọng để giúp chúng ta đấu tranh bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa. Nó cho thấy Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam là một sự thật hiển nhiên, từ lâu đã được các nước công nhận” - anh Thắng nói.

“Châu về Hợp Phố”

Trong hành trình sưu tầm bản đồ, có một kỷ niệm mà khi nhắc lại anh Thắng cứ thấy buồn buồn. Đó là hôm anh phát hiện ra sách Bưu điện do nhà nước Trung Hoa phát hành năm 1919 và 1933 có chứa những tấm bản đồ “biết nói” rất quý. Anh liên hệ với người có thẩm quyền để nhắn họ phải mua ngay vì nếu không người ta sẽ “hớt tay trên” mất. Sở dĩ anh phải làm vậy là vì lúc ấy anh… không còn tiền. Đợi 10 ngày không có kết quả, cực chẳng đã anh phải kêu gọi bạn bè góp thêm tiền rồi tự mình mua sách. “Hằng ngày, thấy sách cứ treo lơ lửng, chưa thuộc về mình tôi vô cùng lo lắng. Cuối cùng, may mà có bạn bè hiểu chuyện đóng góp nên tôi cũng rinh được chúng. Nếu không, có khi nó đã phiêu bạt nơi nào” - anh Thắng kể.

Sau khi đã có trong tay 150 bản đồ quý, anh Thắng quyết định gửi tặng toàn bộ cho Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội TP Đà Nẵng, nơi đang lưu giữ nhiều tư liệu về huyện đảo Hoàng Sa. Trước khi gửi các bản đồ về Việt Nam, anh Thắng chia bộ sưu tập ra làm năm loại và đóng gói cẩn thận. “Thậm chí chỉ khi số bản đồ này đã về tới Hà Nội an toàn tôi mới báo cho viện ra nhận. Điều đó không phải vì tôi muốn gây sự bất ngờ mà vì tôi muốn mọi thứ phải an toàn, những tấm bản đồ ấy phải được trao đúng nơi cần đến”.- anh Thắng bộc bạch.

Anh Trần Thắng quê gốc Quảng Ngãi, vốn là cựu sinh viên cơ khí Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Năm 1991, anh cùng gia đình sang định cư tại Mỹ. Tại đây, anh tiếp tục theo học ngành cơ khí và quản lý nhà máy. Ra trường, anh vào làm cho công ty tàu ngầm nguyên tử Electric Boat, sau đó chuyển qua công ty động cơ máy bay Pratt & Whitney cho đến nay. Anh hiện là chủ tịch Viện Văn hóa giáo dục Việt Nam (IVCE) tại Hoa Kỳ.

Nói về Trần Thắng, nhiều người nhận định anh khá kín tiếng, cẩn thận và làm việc rất chăm chỉ. Khi biết thông tin anh sở hữu các bản đồ quý thể hiện chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa thuộc về Việt Nam, nhiều người không khỏi ngạc nhiên. “Thậm chí ngay cả người thân trong gia đình anh cũng không hề hay biết hằng ngày anh vẫn âm thầm góp sức mình vào việc vô cùng ý nghĩa này” - TS Trần Đức Anh Sơn nói.

LÊ PHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm