Hướng dẫn “chỏi” nhau, thẩm phán lúng túng

Hiện nay, những vụ tranh chấp hợp đồng vay không tính lãi, có thời hạn xuất hiện thường xuyên tại TP.HCM nhưng hướng dẫn về việc có tính lãi suất chậm trả hay không giữa TAND Tối cao và TAND TP lại “chỏi” nhau khiến các thẩm phán rất lúng túng…

Tháng 6-2010, ông NTS khởi kiện bà NTKN ra TAND quận 11 (TP.HCM). Theo đơn kiện, ngày 20-7-2009, ông S. có cho bà N. vay 100 triệu đồng không tính lãi trong thời hạn ba tháng. Bà N. có lập giấy vay tiền cùng cam kết sẽ trả nợ đầy đủ cho ông vào ngày 20-10-2009. Đến hạn, bà N. không trả. Đợi mãi, ông S. buộc phải khởi kiện bà N. để đòi lại số nợ gốc cùng tiền lãi tính từ ngày bà N. quá hạn trả nợ.

Tòa: Phải trả lãi

Thụ lý, TAND quận 11 nhiều lần tống đạt các văn bản tố tụng hợp lệ cho bà N. thông báo về vụ kiện nhưng bà N. không phản hồi và cố tình vắng mặt. Vì thế, ngày 21-2-2011, tòa đã đưa vụ kiện ra xét xử vắng mặt bà N.

Tại phiên xử, tòa căn cứ vào giấy vay tiền mà bà N. đã lập cùng cam kết thanh toán sau ba tháng để xác định bà N. có vay của ông S. 100 triệu đồng. Đây là hợp đồng vay có thời hạn và không lãi suất. Đến hạn thanh toán, bà N. không thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Tòa căn cứ vào khoản 2 Điều 305 Bộ luật Dân sự quy định bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì phải trả lãi với số tiền chậm trả theo mức lãi suất Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán (hiện là 9%/năm). Vì thế tòa buộc bà N. trả 100 triệu đồng nợ gốc cho nguyên đơn và 12 triệu đồng tiền lãi tính trên 16 tháng chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Bà N. phải thanh toán nợ một lần cho ông S.

Hướng dẫn “chỏi” nhau, thẩm phán lúng túng ảnh 1

Ngoài vụ kiện trên, bà N. còn là bị đơn trong một vụ tranh chấp hợp đồng vay tài sản với ông TVK. Theo hồ sơ, ngày 6-8-2009, ông K. cho bà N. vay 100 triệu đồng không tính lãi với thời hạn ba tháng. Bà N. có lập bản giao kèo mượn tiền và cam kết trả sau ba tháng. Đến hạn, bà cũng không thanh toán. Tháng 6-2010, ông K. cũng nộp đơn đến TAND quận 11 khởi kiện bà N. để đòi lại số nợ gốc cùng tiền lãi tính từ ngày bà N. chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Trong vụ này, bà N. cũng cố tình lẩn tránh không đến tòa làm việc. Tháng 2-2011, TAND quận 11 đã đưa vụ kiện ra xử vắng mặt bà N., buộc bà trả cho ông K. 100 triệu đồng nợ gốc cùng hơn 11 triệu đồng tiền lãi…

VKS: Tính lãi là sai

Hai bản án trên đều bị VKSND quận 11 kháng nghị do không đồng tình với phía tòa về việc tính lãi kể từ ngày phía bị đơn chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Theo VKSND quận 11, tòa căn cứ vào giấy vay tiền của bị đơn, buộc bị đơn trả số tiền nợ gốc là có căn cứ. Tuy nhiên, tòa căn cứ vào vào khoản 2 Điều 305 Bộ luật Dân sự để buộc bị đơn phải chịu lãi suất cơ bản đối với số tiền gốc từ ngày hứa trả đến ngày xét xử sơ thẩm là không đúng. Bởi lẽ khoản 4 Điều 474 Bộ luật Dân sự quy định trong trường hợp vay không có lãi mà đến hạn, bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản ngân hàng do Nhà nước công bố tương ứng thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ nếu có thỏa thuận. Ở đây, giữa đôi bên đương sự không có thỏa thuận trả lãi khi đến hạn nên tòa không có cơ sở buộc bị đơn phải trả lãi cho nguyên đơn.

Hướng dẫn “chỏi” nhau!

Theo một thẩm phán TAND một quận tại TP.HCM, hiện nay những vụ kiện tranh chấp hợp đồng vay không lãi, có thời hạn như trên xuất hiện thường xuyên tại các tòa nhưng hướng dẫn giải quyết lại không thống nhất.

Thẩm phán này dẫn chứng: Theo sổ tay thẩm phán của TAND Tối cao (tập huấn cho toàn ngành tòa án), với các hợp đồng vay không lãi, khi bên cho vay đã thông báo đòi nợ mà bên vay không trả được nợ thì ngày sau đó là ngày vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Dù là vay không có lãi thì bên vay vẫn phải trả cho bên cho vay một khoản lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ. Khoản lãi này được tính theo lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước quy định tại thời điểm xét xử sơ thẩm với thời hạn kể từ ngày chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho đến khi xét xử sơ thẩm.

Tuy nhiên, thời gian qua, TAND TP.HCM lại tổ chức tập huấn và đưa ra cách giải quyết đối với tranh chấp hợp đồng vay không tính lãi chậm thanh toán tương tự như lập luận của VKSND quận 11. Nghĩa là nếu đôi bên đương sự không có thỏa thuận về việc trả lãi khi vi phạm nghĩa vụ thanh toán thì các tòa không được bắt người vay phải trả lãi.

Hai hướng dẫn “chỏi” nhau này đã làm các thẩm phán ở TP.HCM thật sự lúng túng.

Bảo vệ người cho vay

Pháp luật hướng tới việc giải quyết công bằng cho mọi người. Qua các trường hợp này, tôi thấy việc tính lãi đối với thời hạn chậm thanh toán là bảo vệ quyền lợi cho người cho vay. Đã cho vay không tính lãi, đòi không được phải khởi kiện nhờ tòa giải quyết, nếu không tính lãi suất khoản chậm thanh toán có phải họ sẽ rất thiệt thòi? Đây là chưa kể xét ở một góc độ khác, phía bị đơn cố tình không đến tòa giải quyết vụ kiện nhằm kéo dài vụ án và trốn tránh trách nhiệm trả nợ. Vì thế theo tôi cách xử của tòa sơ thẩm là hợp lý.

Tuy nhiên, điều quan trọng là cần phải có sự thống nhất trong việc giải quyết loại án rất phổ biến này. Chỉ mỗi việc có tính lãi hay không mà còn "chỏi" nhau thì sẽ phát sinh nhiều bản án tùy tiện.

Một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM

Luật còn có chỗ chung chung

Trong Bộ luật Dân sự có đến hai điều luật để áp dụng trong các trường hợp này là khoản 4 Điều 474 và khoản 1 Điều 477 Bộ luật Dân sự.

Cụ thể, khoản 4 Điều 474 quy định bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả và quy định lãi suất theo lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước với điều kiện là các bên có thỏa thuận. Còn khoản 1 Điều 477 lại không quy định tính lãi suất với điều kiện là khoản vay không lấy lãi và không thỏa thuận kỳ hạn...

Cùng một giao dịch cho vay không lấy lãi lại có đến hai điều luật để điều chỉnh là bất hợp lý. Chưa kể, trong các quy định có những cụm từ rất chung chung như “nếu có thỏa thuận” và “nếu không có thỏa thuận khác”, dẫn đến những cách hiểu khác nhau.            

Luật sư TRẦN HẢI ĐỨC, Đoàn Luật sư TP.HCM

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm