Vụ “lừa đảo gần 4.000 tỉ đồng”

Huyền Như có phạm tội tham ô?

Từ ngày 6 đến 25-1, TAND TP.HCM sẽ xử sơ thẩm vụ Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên quyền trưởng Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ trực thuộc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam Chi nhánh TP.HCM - Vietinbank Chi nhánh TP.HCM) và đồng phạm bị truy tố về tội lừa đảo.

Chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, theo cáo trạng của VKSND Tối cao, từ năm 2007, Huyền Như đã vay hơn 200 tỉ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức, cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản. Đến năm 2010, do kinh doanh thua lỗ và phải trả lãi cao, Huyền Như mất khả năng thanh toán.

Để có tiền trả nợ, từ tháng 3-2010 đến 9-2011, Huyền Như lấy danh nghĩa huy động vốn cho Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank Chi nhánh TP.HCM để tiếp xúc với nhiều đơn vị, cá nhân đặt vấn đề gửi tiền vào Vietinbank với lãi suất thỏa thuận cộng lãi suất thưởng từ 18% đến 36%/năm. Song song đó, Như thuê người làm giả tám con dấu của Vietinbank và các công ty, làm giả tài liệu ngân hàng và nhiều đơn vị, giả chữ ký trên các chứng từ, hợp đồng... để chiếm đoạt của chín công ty, bốn ngân hàng và ba cá nhân gần 4.000 tỉ đồng.

Được xác định là kẻ chủ mưu, cầm đầu và thực hiện tích cực nhất, Huyền Như bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (khoản 4 Điều 139 BLHS, có mức hình phạt cao nhất là tù chung thân) và tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức (khoản 3 Điều 267 BLHS, có mức hình phạt cao nhất là bảy năm tù). Cùng bị truy tố về tội lừa đảo theo khoản 4 Điều 139 BLHS còn có Võ Anh Tuấn (nguyên Phó Giám đốc Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè, người giúp sức tích cực cho Như).

Ngoài ra, 21 bị cáo khác (trong đó có 13 người nguyên là trưởng, phó phòng, cán bộ các phòng giao dịch thuộc Vietinbank và nhiều giám đốc, phó giám đốc doanh nghiệp) cũng bị truy tố về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cho vay lãi nặng, vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Liên quan đến vụ án, Bộ Công an còn khởi tố sáu bị can nguyên là lãnh đạo Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB). Tuy nhiên, sáu bị can này đã được tách ra xử lý trong vụ án liên quan đến Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên).

 

Các tranh cãi cần làm rõ

Trong quá trình các cơ quan tố tụng giải quyết vụ án này đã có những quan điểm khác nhau xung quanh một số vấn đề sau:

Thứ nhất, Huyền Như có phạm tội tham ô tài sản?

Các trạng chỉ truy tố Huyền Như về hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Có quan điểm cho rằng trong trường hợp doanh nghiệp, cá nhân đồng ý chuyển tiền vào tài khoản cá nhân, tài khoản doanh nghiệp mà Huyền Như chỉ định tại Vietinbank thì xử lý Huyền Như về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là chính xác. Tuy nhiên, với các trường hợp khách hàng gửi tiền vào tài khoản hợp pháp của chính họ tại Vietinbank thì theo quy định, Vietinbank phải có trách nhiệm quản lý, khai thác, trả lãi theo thỏa thuận cho khách hàng.

Mặt khác, Huyền Như nguyên là phó phòng Quản lý rủi ro Vietinbank Chi nhánh TP.HCM, sau đó được bổ nhiệm là quyền trưởng Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, có trách nhiệm kiểm soát, xét duyệt các chứng từ chuyển tiền, rút tiền và giao dịch khác trên tài khoản của khách hàng, kiểm tra và đảm bảo các chứng từ chính xác, hợp lệ. Do có chức vụ, quyền hạn này nên Huyền Như là người có trách nhiệm quản lý tài sản của Vietinbank.

Như vậy, trong trường hợp khách hàng gửi tiền vào tài khoản hợp pháp của họ tại Vietinbank, việc Huyền Như lợi dụng chức vụ, quyền hạn, dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tiền khách hàng gửi chính là chiếm đoạt tài sản của Vietinbank do Huyền Như có trách nhiệm quản lý. Hành vi này có dấu hiệu của tội tham ô tài sản chứ không phải là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thứ hai, ai mới là nguyên đơn dân sự, người bị hại? Cơ quan tố tụng có phải đưa Vietinbank vào tham gia vụ án với tư cách nguyên đơn dân sự?

Trong quyết định đưa vụ án ra xét xử, TAND TP xác định có chín công ty, ba ngân hàng là nguyên đơn dân sự (đơn vị bị Huyền Như và đồng phạm chiếm đoạt tiền), ba cá nhân là người bị hại.

ý kiến cho rằng với những doanh nghiệp, cá nhân đồng ý chuyển tiền vào tài khoản cá nhân, tài khoản doanh nghiệp mà Huyền Như chỉ định thì việc xác định họ là nguyên đơn dân sự hay người bị hại là không sai. Tuy nhiên, cũng có các doanh nghiệp gửi tiền vào tài khoản hợp pháp của họ tại Vietinbank nhưng lại bị Huyền Như lợi dụng sơ hở của Vietinbank chiếm đoạt. Như đã nói, Viettinbank phải có trách nhiệm quản lý, khai thác tiền gửi của khách hàng nên một khi để cho Huyền Như lợi dụng sơ hở chiếm đoạt tiền doanh nghiệp gửi vào tài khoản hợp pháp của họ tại Vietinbank thì chính Vietinbank mới là đơn vị bị chiếm đoạt tiền chứ không phải các khách hàng này. Do đó, cơ quan tố tụng cần đưa Vietinbank vào tham gia vụ án với tư cách là nguyên đơn dân sự.

Thứ ba, trách nhiệm dân sự trong vụ án ra sao?

Tương ứng với việc xác định tội danh của Huyền Như và tư cách tham gia tố tụng của các doanh nghiệp, cá nhân, nếu xác định Huyền Như chỉ phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Vietinbank không phải chịu trách nhiệm pháp lý gì thì Huyền Như có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho chín công ty, ba ngân hàng và ba cá nhân. Tuy nhiên, nếu xác định trong một số trường hợp, Huyền Như phạm tội tham ô tài sản, Vietinbank là nguyên đơn dân sự thì lúc này trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng gửi tiền sẽ thuộc về Vietinbank.

Các vấn đề còn gây nhiều tranh cãi nói trên có thể sẽ được TAND TP.HCM phân tích, nhận định, kết luận trong phiên xử. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về diễn biến và kết quả xét xử của tòa.

50 luật sư tham gia tố tụng

Chủ tọa phiên tòa là Thẩm phán Nguyễn Đức Sáu (Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM). Hai kiểm sát viên của VKSND TP.HCM thừa ủy quyền của VKSND Tối cao tham gia phiên tòa là Phạm Thị Thu Hà và Nguyễn Thanh Nhã.

Đến thời điểm này, TAND TP.HCM cho biết đã có 50 luật sư làm thủ tục tham gia bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền lợi cho các cá nhân, tổ chức có liên quan. Trong đó Huyền Như có ba luật sư bào chữa là Nguyễn Tiến Hùng, Nguyễn Văn Ngoan (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) và Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn Luật sư TP.HCM). Bị cáo Võ Anh Tuấn có hai luật sư bào chữa là Phan Trung Hoài và Phan Đức Linh (Đoàn Luật sư TP.HCM)...

Ngoài 12 nguyên đơn dân sự và ba người bị hại, tòa còn triệu tập 80 cá nhân, tổ chức với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

  

NHÓM PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm