Kêu oan vì “chuyện dân sự lại khởi tố”

“Hơn 10 năm trước, tui bị bắt tạm giam 165 ngày, chịu bao oan khuất, tủi cực. Thế rồi khi không chứng minh được hành vi phạm tội của tui, cơ quan điều tra không thừa nhận làm oan mà ra quyết định đình chỉ điều tra vì hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội” - ông Trần Thanh Hùng (ngụ xã An Phú Thuận, Châu Thành, Đồng Tháp) buồn bã nói với chúng tôi.

Bị bắt vì vay tiền không trả

Bi kịch của ông Hùng bắt đầu từ ngày 26-12-2001, khi ông bị Công an thị xã Cao Lãnh (nay là TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) khởi tố, bắt tạm giam về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Ông Hùng kể: “Năm 1998, tui vay của ông NVH (thời điểm đó ông H. đang làm tại Công an TP Cao Lãnh - NV) 50 triệu đồng, lãi suất 5%/tháng để hùn vốn cùng một người bạn mở đại lý vé số ở TP Cao Lãnh. Sau đó nhiều người lấy vé số của đại lý chậm trả tiền nên việc kinh doanh gặp khó khăn, tui chỉ trả được cho ông H. hơn 15 triệu đồng thì hết khả năng thanh toán”.

Tháng 9-1999, ông Hùng về quê vợ ở Long An lánh nợ. Ông H. tìm tới nơi đòi. Ông Hùng hứa sẽ trả nhưng không thực hiện nên bị Công an thị xã Cao Lãnh khởi tố, bắt tạm giam. Ông Hùng bị cơ quan điều tra kết luận đã lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt của ông H. hơn 12 triệu đồng (sau khi cấn trừ tiền gốc, lãi đã trả và tiền mà tám người lấy vé số còn nợ ông Hùng). Sau đó VKSND TP Cao Lãnh đã ra cáo trạng truy tố ông Hùng.

Ông Trần Thanh Hùng, người đang đòi bồi thường oan. Ảnh: T.TÙNG

TAND thị xã Cao Lãnh đã lên lịch xét xử ông Hùng vào ngày 14-6-2002. “Đúng ngày này, tui được đưa từ trại tạm giam đến tòa. Nhưng ngay trước khi phiên tòa diễn ra, tui đã được ông chánh án ký lệnh cho tại ngoại sau 165 ngày bị tạm giam, sau đó tòa tuyên bố trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung. Tui nhớ rõ ông chánh án còn vỗ vai tui, nói rằng: “Có chết tui cũng không dám xử ông vì đây chỉ là quan hệ dân sự”” - ông Hùng nhớ lại.

Những diễn tiến ly kỳ

Năm tháng sau, VKS thị xã ban hành cáo trạng mới với nội dung như cũ. Nhưng kể từ đó ông Hùng không hề nhận được thông báo gì nữa. Bẵng đi cho tới tháng 10-2013, ông bất ngờ nhận được hai quyết định cùng lúc là quyết định tạm đình chỉ điều tra bị can ngày 26-5-2003 và quyết định phục hồi điều tra bị can ngày 20-9-2013 (hai quyết định ký cách nhau… hơn 10 năm).

Bất ngờ hơn nữa, ngày 19-1-2014, Công an TP Cao Lãnh đã có kết luận điều tra vụ án và cùng lúc ký quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Hùng (đến ngày 31-5 thì ông mới nhận được). Theo quyết định này, lý do đình chỉ điều tra là do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội của ông Hùng không còn nguy hiểm cho xã hội nữa (theo khoản 1 Điều 25 BLHS).

Trả lời khiếu nại của ông Hùng, VKSND TP Cao Lãnh khẳng định hành vi của ông Hùng đã cấu thành tội phạm, việc khởi tố là đúng nhưng sau khi phục hồi điều tra, người bị hại có đơn xin không xử lý hình sự ông Hùng với lý do số tiền chiếm đoạt ít, đến thời điểm này đã mất giá trị… Từ đó cơ quan điều tra xét thấy do diễn biến tình hình nên hành vi của ông Hùng không còn nguy hiểm cho xã hội nữa là đúng. Riêng việc ông Hùng khiếu nại nhận quyết định trễ thuộc thẩm quyền của thủ trưởng cơ quan điều tra Công an TP Cao Lãnh, không thuộc VKS.

Ngược lại, ông Hùng cho rằng bản chất vụ việc của ông ngay từ đầu chỉ là quan hệ dân sự nên việc xử lý hình sự ông là oan. Đúng ra cơ quan tố tụng phải tuyên bố đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được ông đã thực hiện tội phạm theo điểm b khoản 2 Điều 164 BLTTHS.

Hiện ông Hùng đã có đơn yêu cầu bồi thường oan gửi VKS TP Cao Lãnh. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi có diễn biến mới.

THANH TÙNG

Cần làm rõ quy định

Trước đây Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh rất nhiều trường hợp cơ quan tố tụng hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế…, sau đó khó kết tội nên viện dẫn khoản 1 Điều 25 BLHS để miễn trách nhiệm hình sự (theo quy định, trường hợp này không được bồi thường oan). Trong khi đó rất nhiều chuyên gia pháp lý tên tuổi đã chỉ ra rằng về mặt khoa học pháp lý hình sự, việc miễn trách nhiệm hình sự do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa được hiểu là khi chính sách hình sự có sự thay đổi, chẳng hạn BLHS sửa đổi, bổ sung, bỏ đi một tội cũ.

Để hạn chế việc lạm dụng khoản 1 Điều 25 BLHS nhằm né bồi thường oan, nhiều chuyên gia cho rằng trong lần sửa đổi, bổ sung tới đây, BLHS và Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cần phải làm rõ vấn đề này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm