LẠM DỤNG KHÁNG NGHỊ GIÁM ĐỐC THẨM - BÀI 1:

Kháng nghị chuyện đã rõ

Mỗi năm, TAND Tối cao tiếp nhận hơn chục ngàn đơn khiếu nại giám đốc thẩm. Trong bối cảnh quá tải, xem xét không xuể vì nhân sự của tòa có hạn lại xuất hiện nhiều vụ việc được quan tâm lạ lùng, khi mà lý do kháng nghị rất lặt vặt, không thuyết phục...

Tháng 2-2009, ông LVQ, ngụ quận 7 (TP.HCM) viết biên nhận rồi đưa cho ông VVC 1,7 tỉ đồng để nhờ ông này trả tiền chuyển quyền sử dụng đất cho bà B. Đến ngày đi chứng thực hợp đồng chuyển nhượng, ông Q. té ngửa khi phát hiện ông C. chưa hề đưa tiền cho bà B. như đã hứa.

Sự thật rành rành, cứ đòi hủy án

Hoàn tất việc chuyển nhượng đất, ông Q. khởi kiện ông C. ra TAND quận 5 (TP.HCM) để đòi lại tiền. Biết mình bị kiện, ông C. bèn mang 1,7 tỉ đồng giao cho bà B. để chứng tỏ mình đã hoàn thành lời hứa với ông Q.

Tháng 5-2010, xử sơ thẩm, TAND quận 5 đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Q. với lý do ông C. chờ đến sau khi bị kiện mới thực hiện lời hứa là có lỗi hoàn toàn. Khi chuyện đã rồi, ông C. mới đưa tiền thì ông phải tự liên hệ với bà B. để lấy lại. Xử phúc thẩm, TAND TP cũng tuyên y án sơ thẩm.

Sau đóChi cục Thi hành án dân sự quận 5 tổ chức thi hành án theo yêu cầu của ông Q. Ông C. cũng đã nộp được 600 triệu đồng. Đầu năm 2011, Chi cục Thi hành án dân sự quận 5 ủy thác cho Chi cục Thi hành án dân sự huyện Nhà Bè tiếp tục thi hành án số tiền còn lại.

Đùng một cái, ngày 1-3, Phó Chánh án TAND Tối cao Từ Văn Nhũ có văn bản yêu cầu hoãn thi hành án ba tháng để TAND Tối cao có thời gian xem xét đơn khiếu nại giám đốc thẩm của ông C. Đúng ba tháng sau, vị phó chánh án này đã ký quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Tòa Dân sự TAND Tối cao xử theo hướng hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm.

Kháng nghị chuyện đã rõ ảnh 1

Hai lý do để kháng nghị như sau: Tòa cấp dưới chưa làm rõ việc ông Q. phải trả và đã trả được bao nhiêu tiền cho bà B. để được sang nhượng đất và quan hệ giữa ông C. và bà B. có phải là vợ chồng hay không.

Phía ông Q. làm đơn phản ứng gay gắt, cho rằng cả hai vấn đề trên đều đã được các cấp tòa xác minh rõ. Bởi trong hồ sơ vụ án đã có bản hợp đồng chứng thực việc chuyển nhượng đất thành công giữa ông Q. và bà B. Tại tòa, bà B. thừa nhận ông Q. đã trả đủ tiền đất và làm hợp đồng xong nên việc này không liên quan đến vụ kiện đòi tiền giữa ông Q. và ông C. Cạnh đó, hồ sơ cũng thể hiện ông C. đang có vợ hợp pháp và bà B. cũng có giấy xác nhận độc thân.

Bản fax phút thứ 89

Vụ tranh chấp căn nhà 313 Lê Quang Định, quận Bình Thạnh (TP.HCM) cũng khiến đương sự sửng sốt, tòa cấp dưới và cơ quan thi hành án lao đao vì bản án tuyên rõ rành rành nhưng vẫn bị kháng nghị giám đốc thẩm tới lui.

Đầu năm 2001, ông VQL mua căn nhà trên với giá 460 lượng vàng SJC và đặt cọc cho chủ nhà 130 lượng, cam kết bên nào không thực hiện hợp đồng phải đền gấp đôi. Sau đó chủ nhà đổi ý không bán nữa nên bị ông L. khởi kiện. Tháng 12-2001, TAND quận Phú Nhuận (nơi ông L. sinh sống) đã tuyên hủy hợp đồng mua bán nhà, buộc chủ nhà bồi thường gấp đôi số vàng đặt cọc như cam kết. Tháng 6-2002, TAND TP cũng tuyên y án.

Khi Thi hành án quận Bình Thạnh đang giải quyết, giữa tháng 12-2002, VKSND Tối cao đã yêu cầu hoãn thi hành án trong ba tháng để xem xét. Sau đó VKSND Tối cao kết luận trong giao dịch này lỗi thuộc về phía chủ nhà nên quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm.

Tiếp đó, tháng 5-2003, phó chánh án TAND Tối cao lúc đó là ông Nguyễn Như Bích ra quyết định hoãn thi hành án ba tháng nữa để nghiên cứu hồ sơ. Nghiên cứu mãi tới gần hai năm sau, khi thời hiệu giám đốc thẩm chỉ còn tính bằng ngày, vị này mới đặt bút ký quyết định kháng nghị giám đốc thẩm.

Tháng 5-2005, TAND Tối cao đã hủy án, giao hồ sơ cho TAND TP xử phúc thẩm lại. Một năm sau, TAND TP xử phúc thẩm lần hai vẫn tuyên buộc chủ nhà bồi thường cho ông L. 260 lượng vàng.

TAND TP phân tích: Hai bên mua bán nhà hoàn toàn tự nguyện và đang ở giai đoạn đặt cọc. Chủ nhà cố tình che giấu “số phận bị kê biên” của căn nhà trong một tranh chấp khác, lại không thực hiện đúng cam kết thuê công ty hợp thức hóa thủ tục mua bán (chủ nhà khai do chi phí đắt quá nên tự làm, dẫn tới không làm được). Như vậy lỗi hoàn toàn thuộc về phía chủ nhà trong việc không thực hiện được hợp đồng. Đến thời điểm diễn ra phiên xử này, chủ nhà đã được dỡ bỏ lệnh kê biên nhà nên nếu muốn, việc mua bán vẫn có thể tiếp tục thực hiện dễ dàng. Tuy nhiên, do giá trị căn nhà đã khác nên chủ nhà vẫn cương quyết hủy hợp đồng dù ông L. sẵn sàng chi thêm 140 lượng vàng nữa để mua...

Thi hành án quận Bình Thạnh lại vào cuộc. Dự kiến sáng 8-1-2008, phiên đấu giá nhà sẽ được tổ chức thì vào trưa 7-1, chi cục bất ngờ nhận được bản fax yêu cầu hoãn thi hành án do ông Nguyễn Như Bích ký. Sau đó bản án phúc thẩm lần hai lại bị kháng nghị giám đốc thẩm. Tháng 5-2008, TAND Tối cao xử giám đốc thẩm lại hủy án phúc thẩm.

Bây giờ, cứ mỗi lần nghe thấy ba từ giám đốc thẩm là ông L. lại lắc đầu ngao ngán bởi nó đã ám ảnh ông suốt từ nhiều năm qua!

Hơn 10.000 đơn khiếu nại giám đốc thẩm/năm

Năm 2010, TAND Tối cao đã nhận được 10.072 đơn/vụ đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm (trong đó 6.157 đơn/vụ cũ còn lại, 3.915 đơn/vụ khiếu nại mới). Tòa đã giải quyết được 4.081 đơn/vụ, đạt tỉ lệ 40% (trong đó không có căn cứ kháng nghị 3.705 vụ, đã kháng nghị 1.096 vụ, còn lại 5.271 đơn/vụ tồn đọng).

Trước đó, năm 2009, TAND Tối cao cũng nhận khoảng 11.000 đơn/vụ (6.000 đơn/vụ mới cộng với hơn 5.000 đơn/vụ tồn đọng từ 2008 chuyển sang).

Không xem xét kỹ nên hủy án oan

Cách đây không lâu, TAND tỉnh B. bị TAND Tối cao hủy một bản án tranh chấp quyền sử dụng đất với lý do là không lấy lời khai của hai nhân chứng liên quan đến vụ án. Tuy nhiên, sau khi rà soát lại, TAND tỉnh B. phát hiện hai người này đã chết từ lâu, hồ sơ vụ án cũng thể hiện rõ điều đó nhưng vì không xem xét kỹ nên TAND Tối cao vẫn hủy án.

Năm 2007, một đương sự ở tỉnh Bình Dương đã khiếu nại rằng bản án giám đốc thẩm của TAND Tối cao đã hủy oan vụ tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất của mình. Nguyên khi xử giám đốc thẩm, TAND Tối cao nhận thấy theo giấy tờ thì phần đất tranh chấp được ký hiệu là “LN” và không hiểu ký hiệu đó là đất trồng “lúa nước”, “lâm nghiệp” hay “lâu năm”. Cuối cùng, cho rằng cấp phúc thẩm đã không xác định xem đất tranh chấp là loại đất gì, TAND Tối cao hủy án.

Thật ra trong bản án phúc thẩm, TAND tỉnh Bình Dương đã nêu rõ về thời hạn sử dụng đất với ký hiệu “LN” là đất “lâu năm” do đã được cấp trên 50 năm. Có lẽ TAND Tối cao đã không đọc kỹ bản án trước khi đặt bút ký kháng nghị nên mới có chuyện hủy án oan.

THANH TÙNG

Kỳ tới: “Nhắm mắt” kháng nghị dù không có căn cứ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm