Kháng nghị vụ hủy tờ bán đứt bất động sản

Mới đây, VKSND huyện Hóc Môn (TP.HCM) đã kháng nghị toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND cùng cấp xử vụ kiện đòi hủy tờ bán đứt bất động sản giữa ông Trần Văn Đũa với ông Trần Văn Sáu. VKS đề nghị TAND TP.HCM xử theo hướng hủy toàn bộ bản án sơ thẩm có nhiều sai sót này.

Bên nói cầm cố, bên bảo bán đứt

Theo đơn khởi kiện, năm 1986 bà Lê Thị Ao (mẹ ông Đũa) và ông Đũa có cầm cố cho ông Sáu phần đất diện tích khoảng 2.000 m2 thuộc ấp 4, xã Đông Thạnh (Hóc Môn) với số tiền 90.000 đồng. Năm 1990, gia đình ông Đũa chuộc lại với số tiền 1,5 triệu đồng nhưng ông Sáu không nhận và cho rằng gia đình bà Ao đã bán đứt phần đất nói trên cho ông Sáu năm 1987 với giá bán 150.000 đồng. Sau đó, gia đình ông Đũa đã lấy lại đất sử dụng.

Đến năm 2004, ông Trần Văn So (con bà Ao) đã đem bán toàn bộ đất trên cho nhiều hộ dân để xây nhà ở (ông So đã bị TAND huyện Hóc Môn xử chín năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản). Từ đó đến nay cả hai bên tranh chấp nên chưa được cấp sổ đỏ. Ông Đũa kiện yêu cầu hủy tờ bán đứt bất động sản.

Mảnh đất trống này đã được bán qua lại rất nhiều lần cho nhiều hộ dân. Ảnh: NN

Tại tòa sơ thẩm, bên ông Đũa khẳng định: “Mẹ tôi chỉ cầm cố, cả hai bên thống nhất khi nào có tiền thì chuộc lại. Tờ giấy này đã bị ông Sáu xé nên không có gì để làm bằng chứng. Còn giấy bán đứt bất động sản năm 1987 có lăn tay của mẹ tôi là do ông Sáu dựng lên”.

Tuy nhiên, khi công tố viên hỏi phía ông Đũa có muốn chứng minh tờ giấy này là giả mạo hay không thì nhận được câu trả lời dứt khoát: “Không cần giám định vì không ký”.

Ngược lại, phía ông Sáu khẳng định không phải cầm cố: “Nếu cho rằng chúng tôi gian dối thì sao lại không chịu đi giám định? Tôi đã nhận đất và canh tác ổn định được hơn hai năm, có đóng thuế. Năm 1996, UBND huyện Hóc Môn và năm 1998, UBND TP.HCM đã công nhận tôi được quyền sử dụng phần đất đã nhận chuyển nhượng của gia đình bà Ao”.

Sao không cho giám định?

Xử sơ thẩm, TAND huyện Hóc Môn đã chấp nhận đơn khởi kiện của ông Đũa, tuyên hủy tờ bán đứt bất động sản năm 1987 được ký kết giữa gia đình mẹ ông với ông Sáu.

Theo tòa này, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được xác lập từ ngày 1-7-1980 đến trước ngày 15-10-1993 là hợp đồng trái luật. Nguyên đơn không thừa nhận tờ bán đứt bất động sản năm 1987 vì cho rằng tờ giấy là giả. Sự việc được nhiều cơ quan chức năng giải quyết (qua các quyết định 4113/QĐ-UBND ngày 4-9-2009 của chủ tịch UBND TP.HCM, 1450/QĐ-UBND và 1451/QĐ-UBND cùng ngày 8-10-2009 của chủ tịch UBND huyện Hóc Môn) cho thấy việc nguyên đơn cho rằng bị đơn làm giấy tờ giả để chiếm dụng quyền sử dụng đất của mình là có căn cứ nên bị hủy. Vì vậy, tòa không thể xem xét giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu.

Sau đó ông Sáu đã kháng cáo, VKSND huyện Hóc Môn cũng kháng nghị toàn bộ bản án.

Theo VKS, thứ nhất, còn 11 người trong những hộ dân đang sinh sống trên mảnh đất tranh chấp mà tòa chưa đưa vào tham gia tố tụng.

Thứ hai, cả hai bên nguyên và bị đơn đều thừa nhận có việc ông Sáu giao tiền cho gia đình bà Ao và gia đình bà Ao đã giao đất cho phía ông Sáu sử dụng đến năm 1990. Tức là có đủ cơ sở để xác định giữa nguyên đơn và bị đơn có thực hiện một giao dịch dân sự vào năm 1987. Tuy nhiên, tòa án cấp sơ thẩm không cho giám định chữ ký và vân tay do bà Ao và các con của bà ký, điểm chỉ theo yêu cầu của bị đơn.

Ngoài ra, tòa không tiến hành định giá tài sản tranh chấp mà chỉ căn cứ vào yêu cầu của nguyên đơn tại phiên tòa và nội dung quyết định của UBND TP.HCM để xác định đây là giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm. Đồng thời, tòa xác định tờ bán đứt bất động sản là giả nên đã tuyên hủy nhưng lại không giải quyết hậu quả pháp lý làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự.

NGÂN NGA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm