HẬU À RA THẾ KỲ 72

Khắp nơi phản đối đáp án của ban tổ chức!

Bà A nói nhiều nơi đã sử dụng giấy CMND này nên bà than phiền cán bộ “làm khó” bà. Đề hỏi: “Ai đúng? Ai sai? Tại sao?”. Đáp án của ban tổ chức (BTC) cho rằng cán bộ đúng, bà A sai. Vì giấy CMND đã bị sửa chữa không còn giá trị, không thể chứng thực sao y được; pháp luật nghiêm cấm việc công dân tự sửa chữa CMND…

Bạn thân mến,

Kỳ này các bạn rớt nhiều và nhiều bạn phản biện đáp án quá xá kịch liệt nên BTC sẽ dành đất ưu tiên cho các bạn cãi. Đón xem số báo Chủ nhật tới sẽ có ý kiến các bạn ủng hộ đáp án, ý kiến của bạn ra đề và nhất là ý kiến của ngành công an phụ trách về việc CMND. Nói qua nói lại xong, số Chủ nhật tới nữa BTC sẽ có lời gút.

Bọc nhựa lại không phải sửa chữa CMND

Đáp án nói pháp luật cấm không cho dân ép lại CMND là không chính xác. Một là vì Điều 2 Nghị định 05 ngày 3-2-1999 về CMND và Điều 1 Nghị định 170 ngày 19-11-2007 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 05 không quy định CMND phải có ép nhựa. Vì vậy, việc ép nhựa do cơ quan công an thực hiện là một công việc ngoài hợp đồng với một bên là công dân và một bên là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có thu phí dịch vụ. Công dân có thể từ chối việc ép nhựa CMND và không trả tiền phí dịch vụ vì việc ép nhựa không phải là việc bắt buộc phải thực hiện theo quy định. Ngoài ra, việc ép nhựa này cũng có thể do người dân tự làm. Hai là vì hành vi sửa chữa CMND phải được hiểu là sửa chữa về mặt hình thức hoặc về mặt nội dung, hoặc cả hình thức lẫn nội dung. Nghĩa là hành vi đó phải làm sai lệch nội dung thông tin hay thay đổi hình thức CMND theo quy định.

Do đó, việc bà A chỉ bọc nhựa lại CMND, không làm sai lệch nội dung thông tin hay thay đổi hình thức theo quy định nên không phải là hành vi sửa chữa CMND. việc cán bộ UBND xã cho rằng CMND đã bị ép nhựa lại thì không còn giá trị và từ chối chứng thực là không đúng.

Thạc sĩ KHANG NAM (khangnam@yahoo.com.vn)

Ép lại CMND có xem là sửa chữa?

Khi nghe cụm từ “nghiêm cấm việc sửa chữa CMND” nhiều người hình dung là pháp luật cấm việc tẩy, xóa hoặc làm thay đổi thông tin trên CMND. Ít ai nghĩ việc đó bao gồm cả việc ép lại plastic! Vì mục đích của việc ép plastic là giúp bảo quản CMND được lâu dài. Nếu CMND bị bong tróc làm cho chúng bị bóc tách làm đôi thì phải làm lại, còn nếu CMND chỉ bị bong tróc rìa ngoài của phần nhựa thì việc người dân tự đi ép lại cũng không phải là việc làm gây hậu quả nghiêm trọng đến mức bị cấm. Vì nội dung của CMND đó vẫn được thể hiện rõ ràng và thời hạn sử dụng CMND vẫn theo quy định của pháp luật.

Thạc sĩ TRẦN TUẤN DUY (Trường Cán bộ TP.HCM)

Đáp án chưa hợp lý!

Việc bà A ép nhựa lại giấy CMND không hề có hành vi sửa chữa hay làm mất mát nội dung CMND mà đáp án kết luận bà A sửa giấy CMND thì thiệt là vô lý và không đúng. Nghị định 05 của Chính phủ và Thông tư số 04 của Bộ Công an hướng dẫn thi hành Nghị định 05 không có quy định ép nhựa lại giấy CMND là sửa chữa. Giấy CMND của tôi cũng từng bị tróc lớp nhựa cũ, tôi đem ép nhựa lại để sử dụng, có thấy ai nói vi phạm, bắt bẻ gì đâu!?

NGUYỄN THANH XUÂN (Phòng Tư pháp huyện Lai Vung, Đồng Tháp)

Ép lại không phải là… sửa chữa!

Hiểu cụm từ “tẩy xóa, sửa chữa, thêm bớt…” có nghĩa bao hàm chủ yếu về nội dung chi tiết bên trong (thí dụ năm sinh 1981, sửa chữa thành… 1984), còn ép lại nhựa không ai gọi là… sửa chữa cả! Nếu tách riêng như đáp án: “Nghiêm cấm… sửa chữa CMND” thì phải hiểu là sửa toàn bộ từ nội dung đến hình thức, hễ có… sửa là vi phạm! Vì vậy theo tôi, đáp án của BTC cho rằng hành vi bọc lại nhựa CMND là đã “sửa chữa” CMND, thật sự chưa được… tâm phục khẩu phục cho lắm!

ĐOÀN XUÂN HÒA (73/8 Lê Văn Việt, phường Hiệp Phú, quận 9, TP.HCM)

Không chỉnh sửa nội dung, chỉ bọc lại thôi!

Về nguyên tắc, điều gì pháp luật không cấm thì dân được làm. Vậy luật không cấm người dân tự bọc lại CMND thì bà A có quyền tự bọc lại. Khoản 2 Điều 16 Nghị định 79/2007 của Chính phủ quy định: “Người chứng thực bản sao từ bản chính không được chứng thực các giấy tờ đã bị sửa chữa, tẩy xóa, thêm bớt hoặc cũ nát không rõ nội dung”. Ở đây bà A chỉ bọc lại chứ không chỉnh sửa nội dung và CMND của bà A vẫn “xác định được nội dung”.

TRẦN VĂN ÁNH (Văn phòng Huyện ủy Chơn Thành, Bình Phước)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm