Khổ vì tòa tuyên sung công… tài sản Nhà nước

Tuy nhiên, có những vụ tòa lại sung công… tài sản thuộc sở hữu Nhà nước khiến cơ quan thi hành án bế tắc “toàn tập”.

Trước đây, TAND tỉnh Đắk Lắk đã đưa ra xét xử vụ Huỳnh Thị Thanh Tuyết phạm tội chứa mại dâm. Ngoài việc phạt tù bị cáo, tòa còn tuyên tịch thu, hóa giá sung công một căn phòng thuộc một dãy nhà nằm ở đường Điện Biên Phủ (TP Buôn Ma Thuột) mà Tuyết đã sử dụng để chứa mại dâm.

Án tồn đọng… vĩnh viễn

Bản án này được chuyển cho cơ quan thi hành án dân sự tỉnh để thi hành phần quyết định tịch thu, hóa giá sung công. Xác minh, cơ quan thi hành án té ngửa khi biết căn phòng trên vốn vẫn thuộc sở hữu của Nhà nước, nằm trong dãy nhà mà bị cáo thuê của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đắk Lắk.

Cho rằng tòa tuyên sung công tài sản Nhà nước là trái pháp luật, không thể thi hành án được, năm 2005, cơ quan Thi hành án tỉnh Đắk Lắk đã có công văn đề nghị chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao xem xét kháng nghị giám đốc thẩm vụ án trên nhưng không nhận được trả lời.

Đến nay, thời hiệu giám đốc thẩm của vụ án cũng đã hết, phần quyết định tịch thu sung công của bản án trên thì vẫn mãi còn nằm trên giấy và trở thành án tồn đọng vĩnh viễn.

Khổ vì tòa tuyên sung công… tài sản Nhà nước ảnh 1

Khó từ thực tế đến quy định

Trong thực tiễn còn không ít vụ thi hành án khác cũng gặp bế tắc vì nguyên nhân tương tự.

Theo nhiều chuyên gia, về bản chất, việc tòa tuyên tịch thu sung công tài sản Nhà nước là một quyết định thừa và không ổn vì tài sản không thuộc sở hữu của bị cáo, nếu không tịch thu sung công thì tài sản đó vẫn là tài sản công. Khổ nỗi quyết định thừa này lại gây hệ lụy là không thể nào thi hành án.

Về thực tế, để thi hành đúng bản án, cơ quan thi hành án phải thành lập hội đồng định giá và bán đấu giá tài sản. Vấn đề là không ai dám đăng ký mua vì không thể làm thủ tục sang tên đổi chủ tài sản khi tài sản không thuộc diện hóa giá. Thông thường, các cơ quan thi hành án cố gắng thuyết phục người phải thi hành án (tức bị cáo) mua lại tài sản đó nhưng thực tế không có bị cáo nào đồng ý cả.

Theo Điều 124 Luật Thi hành án dân sự, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản và tiến hành giao nhận vật chứng, tài sản tạm giữ bị tòa tuyên tịch thu sung công cho cơ quan tài chính cùng cấp… Thông tư 166 ngày 18-8-2009 của Bộ Tài chính cũng hướng dẫn: Tất cả tài sản có quyết định tịch thu sung công được quản lý thống nhất theo quy định của Bộ Tài chính. Cơ quan tài chính nhà nước các cấp thực hiện việc tiếp nhận, quản lý, bảo quản tài sản cho đến khi hoàn tất việc xử lý.

Quy định là vậy nhưng theo ông Nguyễn Thanh Thủy, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), gặp những bản án tréo ngoe là tuyên tịch thu sung công tài sản Nhà nước thì cơ quan quan tài chính cũng phải lắc đầu từ chối. Lý do là luật không có quy định bắt buộc cơ quan tài chính phải tiếp nhận tài sản nên nếu bản án tuyên khả thi thì họ nhận, còn bản án có vướng mắc thì họ có quyền không nhận. Bởi nếu bản án không thi hành án được thì chính cơ quan tài chính cũng bị “sa lầy” với tài sản mà mình đã tiếp nhận.

Do đó, con đường duy nhất của các cơ quan thi hành án vẫn là kiến nghị người có thẩm quyền xem xét kháng nghị giám đốc thẩm. Trường hợp người có thẩm quyền không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc không trả lời, cơ quan thi hành chỉ còn biết xếp hồ sơ lại, chấp nhận là vụ việc tồn đọng không thể giải quyết.

Mới đây, TAND một huyện của tỉnh Ninh Bình đã xử một vụ buôn bán trái phép động vật hoang dã với tang vật là một xác hổ đông lạnh. Ngoài hình phạt dành cho các bị cáo, tòa còn tuyên hình phạt bổ sung là tịch thu xác hổ để sung công và giao cho cơ quan thi hành án thực hiện. Theo tòa, xác hổ là tài sản có giá trị kinh tế nên không thể tuyên tiêu hủy cũng không thể tuyên trả lại các bị cáo. Sau đó, cơ quan thi hành án dân sự huyện lừng khừng không biết phải thi hành án sao bởi hổ là động vật hoang dã quý hiếm, thuộc quản lý của Nhà nước.

Theo một đại diện Cục Thi hành án dân sự, với trường hợp này thì có cách giải quyết: Nếu cơ quan thi hành án không thể bán đấu giá sung công thì làm văn bản chuyển giao tài sản cho một cơ quan chuyên môn để phục vụ lợi ích công cộng như bàn giao cho cơ quan quản lý dược phẩm để làm thuốc… Nó cũng giống việc bàn giao lại súng đạn, bom mìn cho cơ quan quốc phòng quản lý, sử dụng theo thẩm quyền.

Tòa phải tuyên đúng

Theo tôi, khi ra phán quyết, tòa phải hết sức chú ý tới khả năng thực thi của phán quyết ấy. Thực tế có rất nhiều bản án dân sự tòa tuyên tréo ngoe, phi thực tế, không thể thi hành trong thực tiễn, án cứ tồn đọng kéo dài mãi. Nếu cứ máy móc hoặc mơ hồ, chủ quan áp dụng pháp luật để cho ra đời những bản án thiếu khả thi thì lĩnh vực thi hành án sẽ còn phải khổ dài dài.

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO,
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM

Không nên bán đấu giá động vật hoang dã

Tôi cho rằng với trường hợp tài sản sung công là động vật quý hiếm thì cơ quan thi hành án không nên bán đấu giá lấy tiền nộp vào kho bạc mà tìm cách thi hành khác. Vì theo Nghị định 32-2006 của Chính phủ, động vật hoang dã quý hiếm thuộc quản lý của Nhà nước, nghiêm cấm khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại. Cạnh đó, Thông tư 90/2008 của Bộ NN&PTNT cũng quy định nghiêm cấm việc bán đấu giá với loài động vật này. Do đó, nếu cơ quan thi hành án tổ chức bán đấu giá con hổ để thu tiền sung công thì lại vô tình vi phạm quy định của pháp luật.

Một thẩm phán TAND tỉnh Đồng Nai

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm