Khoảng lặng sau phim Biệt động Sài Gòn (*)

1. Đêm 28 tết Mậu Thân, một đội biệt động Sài Gòn được giao nhiệm vụ đánh chiếm và giữ cho được Đài phát thanh trong vòng 1 tiếng đồng hồ rồi bàn giao cho Tiểu đoàn 4 Thủ Đức tiếp nhận. Đêm 30-1-1968 (đêm mùng 1 tết theo lịch miền Nam), đội biệt động đã nổ súng chiếm được Đài phát thanh. Cầm cự đến 3 giờ sáng, đã có bốn người hy sinh, hai người bị thương, đạn sắp hết, lựu đạn thủ pháo chỉ còn vài quả trong khi Tiểu đoàn 4 bị chặn ở cửa ngõ TP không vào tiếp nhận được.

Ông Đặng Xuân Tẻo (Ba Tẻo), một trong những chiến sĩ biệt động lúc ấy, gạt nước mắt kể: “Tôi được anh Năm Lộc là chỉ huy trưởng phân công ra ngoài xin ý kiến Cụm trưởng Tư Tăng nên tiếp tục giữ địa bàn hay cho nổ bộc phá để phá hủy. Nếu muốn tiếp tục giữ thì phải tăng cường lực lượng. Lúc này, anh Đoàn Văn Nhẹ đã bị thương ở chân nhưng vẫn được anh em kết áo thành võng để mắc lên gần cửa sổ cho anh tiếp tục chiến đấu. Tôi thoát khỏi vòng vây về đến cơ sở của ta ở 65 Nguyễn Bỉnh Khiêm vừa kịp báo với đồng chí Tư Tăng thì nghe một tiếng ầm rung chuyển từ phía Đài phát thanh. Tôi nói không nên lời: “Vậy là anh em mình hy sinh hết rồi anh Tư ơi!”. Những người biệt động cuối cùng trong trận ấy đã tự nổ quả bộc phá 20 kg được mang theo sẵn. Họ là những quyết tử quân.

Khoảng lặng sau phim Biệt động Sài Gòn (*) ảnh 1

Sau gần 1/4 thế kỷ, chị Phới, em ruột của liệt sĩ Đoàn Văn Nhẹ, vẫn day dứt khôn nguôi khi chưa tìm được hài cốt của anh mình. Ảnh: TB

2. 45 năm sau ngày ấy, các anh vẫn còn nằm đâu đó trong lòng TP trong sự mong ngóng của người thân. Nhiều người trong số họ là con trai duy nhất trong gia đình. Trong căn nhà ở ấp Trung Hòa, xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi (TP.HCM), người thân của liệt sĩ Đoàn Văn Nhẹ luôn ngóng chờ tin về thân xác của anh. Năm 2007, một nhà ngoại cảm đã tìm đến gia đình và báo rằng đã tìm được mộ anh Nhẹ, hiện đang được chôn tại Nghĩa trang TP.

Chuyện nhà ngoại cảm này xuất hiện được đăng trên một trang báo cũng khá ly kỳ. Chuyện rằng trong ngày thống nhất đất nước, quân ta tiến vào Đại sứ quán Mỹ, tất cả sững sờ khi nhìn thấy một chiếc đầu lâu trên bàn làm việc của một sĩ quan cao cấp, cạnh đấy có hồ sơ về một chiến sĩ biệt động. Đoán đây là hộp sọ của một chiến sĩ cộng sản nên phía ta đã dùng lá cờ Tổ quốc gói lại rồi đặt trong một chiếc bình gốm đem chôn trong khuôn viên sứ quán. Sau này, khi ta giao lại tòa nhà cho sứ quán Mỹ, phần mộ được di dời về Nghĩa trang TP với bia mộ vô danh.

Chị Phới, em gái của anh Nhẹ, khi hay tin này đã đón xe buýt từ Củ Chi lên Nghĩa trang TP để nhang khói hằng năm. Nhà nghèo, chị cầm hồ sơ đi khắp nơi xin được hỗ trợ giám định ADN cho biết chính xác người nằm dưới mộ có phải anh mình hay không. Nhưng mọi chuyện không có kết quả.

Nghe câu chuyện này, một nhà hảo tâm đã hỗ trợ tiền cho chị đi giám định ADN. Cuối tháng 4 rồi, kết quả giám định từ Trung tâm Pháp y TP.HCM cho biết mẫu hài cốt không có quan hệ huyết thống với gia đình chị Phới. Nỗi ngóng chờ mỗi ngày một dài thêm. Vô vọng…

Khoảng lặng sau phim Biệt động Sài Gòn (*) ảnh 2

Ông Đặng Xuân Tẻo (Ba Tẻo) xúc động khi kể về những đồng đội đã hy sinh. Ảnh: TB

Khoảng lặng sau phim Biệt động Sài Gòn (*) ảnh 3

 Bà Lê Thị Phỉ, chị ruột của liệt sĩ Lê Văn Hồng, cùng kỷ vật duy nhất của anh Hồng. Ảnh: THANH MẬN

3. Trong quá trình làm phim Biệt động Sài Gòn, đạo diễn Lê Phong Lan đã nhiều đêm thao thức, rớt nước mắt về những hy sinh thầm lặng của những quyết tử quân, về những mong mỏi tìm hài cốt người thân của thân nhân liệt sĩ biệt động. Những trăn trở của chị đã làm lay động trái tim một người bạn có tên Thu Cúc. Khi đến nhà trao tiền cho chị Phới làm thủ tục giám định ADN, chị Cúc được ông Đặng Xuân Tẻo (Ba Tẻo) dẫn đi thăm một vài nhà chiến sĩ biệt động trong đội anh ở gần đó. Hầu như gia đình nào cũng nghèo như nhau. Nhà anh Lê Văn Hồng (một trong 10 người lính biệt động đã anh dũng hy sinh trong trận đánh Đài Phát thanh Sài Gòn, chưa tìm được hài cốt, anh Hồng cũng là con trai một trong gia đình) thì lụp xụp mái tôn, bàn thờ dột mưa dột nắng. Chị Thu Cúc đã tài trợ luôn tiền xây nhà tình nghĩa cho gia đình anh.

Cuối tháng 4 rồi, mừng tân gia nhà tình nghĩa cho chị Lê Thị Phỉ, chị ruột của anh Hồng, ở xã Phước Hiệp, Củ Chi (TP.HCM), những cựu chiến sĩ Biệt động Sài Gòn ngày xưa cũng có mặt chung vui. Trong ngày vui còn có cả những giọt nước mắt. Ông Bảy Sơn (Trần Minh Sơn, nguyên Phó Chỉ huy Biệt động Sài Gòn) nói trong nước mắt: “Hòa bình đã trôi qua gần nửa thế kỷ. Đồng đội chúng tôi còn 200 người chưa tìm được hài cốt, trong đó có 10 anh em đánh chiếm Đài Phát thanh Sài Gòn. Họ quyết tử cho Tổ quốc không hề tính toán. Hài cốt anh em chúng tôi nay ở đâu? Họ hy sinh ở ngay trong nội thành chứ có phải đâu xa. Nếu muốn thì các anh sẽ tìm ra. Hãy tìm họ bằng lương tâm con người được hưởng thành quả của hòa bình”.

Đó là khoảng lặng chưa có lời giải đằng sau phim Biệt động Sài Gòn và cũng là nỗi day dứt khôn nguôi của thế hệ hôm nay.

Thay đồng đội chịu tang báo hiếu

Ông Đặng Xuân Tẻo (ông Ba Tẻo) kể hồi đó trong một lần về thăm mẹ anh Đoàn Văn Nhẹ, bà cầm tay ông khóc mà rằng: “Má chỉ có thằng Nhẹ là con trai, giờ nó theo bây làm cách mạng, lỡ có bề nào má biết ăn nói sao với tổ tiên…!”. “Lúc ấy tôi chỉ còn biết khóc và nói với má rằng: “Má ơi, Tổ quốc cần, tụi con phải dấn thân... Mai mốt nếu em Nhẹ có hy sinh mà con còn sống thì con nguyện sẽ thay em làm con trai của má…”” - ông Ba Tẻo kể trong nước mắt.

Và rồi anh Đoàn Văn Nhẹ đã hy sinh trong trận quyết tử tại Đài Phát thanh Sài Gòn vào rạng sáng mùng 2 tết Mậu Thân 1968. Sau 1975, giữ đúng lời hứa, ông Ba Tẻo thường sớm viếng tối thăm mẹ anh Nhẹ, giúp mẹ phần nào vơi đi nỗi đau mất người con trai độc nhất. “Ngày má tôi mất, anh Ba Tẻo đã thay anh Nhẹ đội đồ tang cho má. Vậy là anh đã giữ đúng lời hứa với má tôi rồi!” - chị Phới, em gái anh Nhẹ, chảy nước mắt.

Cũng như trường hợp anh Nhẹ, liệt sĩ Lê Văn Hồng cũng là con trai duy nhất trong nhà. “Tôi cũng từng hứa với lòng mình nên khi má mất (chỉ má anh Hồng - PV) tôi đã xin gia đình thay Hồng chịu tang má. Cầu mong nơi chín suối đồng đội mình sẽ ngậm cười!” - ông Ba Tẻo nói.

Làm chủ đài phát thanh 4 giờ 31 phút

Lực lượng tiến công Đài Phát thanh Sài Gòn do Nguyễn Văn Tăng chỉ huy chung, gồm 14 cán bộ, chiến sĩ. Đội 4 biệt động do Năm Lộc làm đội trưởng, Đặng Xuân Tẻo làm chính trị viên và Năm Mộc làm đội phó. Người và vũ khí ém tại nhà 65 Nguyễn Bỉnh Khiêm (hiệu may Quốc Anh của vợ chồng Năm Mộc).

Sau khi dùng thủ pháo đánh tung cánh cổng, diệt lính gác, đội phó Năm Mộc (lái xe) xuống xe động viên đồng đội xông lên dù đã bị thương nặng (anh hy sinh trong đêm). Sau 5 phút chiến đấu, mũi một làm chủ khu vực đài phát sóng nhưng không phát thanh được theo ý định (do nhân viên kỹ thuật Sài Gòn bỏ chạy, nhân viên kỹ thuật giải phóng bị chặn, không đến được). Mũi thứ hai do Đặng Xuân Tẻo chỉ huy gồm ba người đi bộ, tiếp cận và kiềm chế lô cốt tại khu an dưỡng quân đội, hỗ trợ cho mũi tiến công bên trong Đài phát thanh.

Quân Mỹ - quân Sài Gòn tung lực lượng đến bao vây. Chiến sĩ Đội 4 chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Đến 6 giờ 30 sáng, hai người còn lại bên trong là Năm Lộc, Bảy Rỗ ở thế bị bao vây, quyết định dùng khối thuốc nổ 20 kg phá hủy phần chính của đài rồi hy sinh.

Đội 4 làm chủ đài phát thanh trong 4 giờ 31 phút, tiêu hao một đại đội lính thủy quân lục chiến, một trung đội bảo an, bắn cháy một xe bọc thép và một xe GMC. 10 cán bộ, chiến sĩ hy sinh.

(Trích Lịch sử Nam Bộ kháng chiến,
tập II, NXB Chính trị Quốc gia, 2010)

THANH MẬN - THÁI BÌNH

(*) Bộ phim tài liệu Biệt động Sài Gòncủa đạo diễn Lê Phong Lan đang chiếu trên kênh VTV1 lúc 20 giờ 5 phút vào các tối thứ Tư, thứ Sáu và thứ Bảy hằng tuần.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm