Không được xóa án tích vì tòa tắc trách

Ông Nguyễn Quốc Khánh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) làm hồ sơ xin được xóa án tích thì TAND huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) trả hồ sơ vì cho rằng ông… chưa đóng án phí. Ông khiếu nại thì bị các cơ quan đổ qua đổ lại, không một cơ quan nào chịu trách nhiệm…

Phải chờ thêm ba năm nữa!?

Ông Khánh kể tháng 5-2010, ông bị TAND huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) tuyên phạt sáu tháng tù về tội cố ý làm hư hỏng tài sản. Ngoài ra tòa còn buộc ông phải bồi thường cho Công ty TNHH Hyosung hơn 5 triệu đồng và phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự và gần 300.000 đồng án phí dân sự.

Ông Khánh kháng cáo kêu oan rồi lại rút đơn kháng cáo. Lúc này ông chỉ còn chấp hành án tù hơn một tháng nữa là bằng với thời gian tòa tuyên án. Tháng 9-2010, thẩm phán Nguyễn Tiến Dũng (TAND tỉnh Đồng Nai) ra quyết định đình chỉ xét xử (phúc thẩm) vụ án.

“Tôi đã bồi thường cho người ta và cứ nghĩ chỉ cần chờ ba năm sau nữa là được xóa án tích. Tháng 8-2013, tức ba năm sau kể từ khi chấp hành xong án tù, tôi làm đơn xin được xóa án tích gửi TAND huyện Nhơn Trạch. Họ bảo do tôi chưa đóng án phí nên không đủ điều kiện được xóa án tích theo luật định. Tôi được hướng dẫn sang Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Nhơn Trạch để đóng án phí bổ sung vào hồ sơ. Nhưng nơi này bảo họ không nhận được quyết định đình chỉ vụ án nên tôi phải chạy qua TAND tỉnh Đồng Nai xin trích lục. Lúc này tôi mới được đóng án phí. Thế nhưng tòa Nhơn Trạch lại trả hồ sơ, giải thích phải chờ ba năm nữa mới được xóa án tích. Làm thế chẳng khác nào tôi mất tới sáu năm để được xóa án tích? Tôi lên tòa tỉnh Đồng Nai khiếu nại thì họ ngăn không cho tôi vào gặp thẩm phán và lãnh đạo tòa” - ông Khánh bức xúc.

Ông Nguyễn Quốc Khánh: “Lỗi không phải của tôi nhưng sao lại bắt tôi chịu?”. Ảnh: NN

Đổ qua đổ lại

Ông Khánh quyết tâm đi tìm câu trả lời lý do vì sao chưa ra quyết định THA và cơ quan nào phải có trách nhiệm đứng ra giải quyết quyền lợi cho mình.

Trả lời về vấn đề này, tháng 2-2014, TAND huyện Nhơn Trạch cho rằng đã chuyển bản án sơ thẩm đến Chi cục THADS huyện này.

Tiếp đó, tháng 3-2014, TAND tỉnh Đồng Nai trả lời (bằng văn bản) rằng: “TAND huyện Nhơn Trạch đã chuyển bản án sơ thẩm tháng 5-2010 đến Chi cục THADS huyện Nhơn Trạch. Việc cơ quan THA huyện Nhơn Trạch ra quyết định thu tiền án phí vào tháng 8-2013 gây ảnh hưởng đến quyền lợi của ông Khánh không thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND tỉnh Đồng Nai mà thuộc thẩm quyền giải quyết của THA huyện Nhơn Trạch”.

Lý giải về việc chậm trễ này, Chi cục THADS huyện Nhơn Trạch lại cho rằng: “TAND tỉnh Đồng Nai không có gửi quyết định đình chỉ cho THA huyện và TAND huyện Nhơn Trạch đã không thông báo hoặc gửi quyết định đình chỉ vụ án nên cơ quan này không biết để ra quyết định THA”.

PV đã cố gắng liên hệ với TAND tỉnh Đồng Nai để tìm hiểu vụ việc. Tuy nhiên, ông Trần Nam Phương, Chánh văn phòng TAND tỉnh này, cho rằng Chánh án tỉnh Huỳnh Văn Lưu đã trả lời đơn khiếu nại của ông Khánh rồi nên không đồng ý tiếp chúng tôi. Ông Nam nói thêm: “Ông Khánh khiếu nại đã ba lần nhưng tòa chỉ trả lời đơn hai lần. Vì lần thứ ba ông Khánh đều yêu cầu giống như trước nên không cần thiết phải trả lời nữa”.

Cơ quan nhà nước làm sai, dân gánh hậu quả

Ông Khánh cho biết khi ông đi xin việc, có những nơi (do tính chất công việc) họ yêu cầu phải là người không tiền án, tiền sự. Nếu không được xóa án tích thì ông không đáp ứng được yêu cầu khiến quyền lợi của ông bị thiệt thòi.

“Họ đã thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát, phối hợp trong công việc dẫn đến ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của tôi. Khi sự việc xảy ra thì lại đổ thừa trách nhiệm cho nhau khiến người dân như tôi mất thời gian, công sức đi đòi lại quyền lợi. Việc tòa có gửi hay không gửi quyết định giữa các cơ quan thì người dân làm sao mà biết được. Họ làm sai thì phải khắc phục hậu quả cho tôi chứ sao lại bắt tôi phải chịu trách nhiệm?” - ông Khánh bức xúc.

Vậy cuối cùng cơ quan nào làm sai? Và tại sao sơ suất của cơ quan công quyền mà lại bắt người dân phải nhận lãnh hậu quả? Thiết nghĩ TAND tỉnh Đồng Nai nên kiểm tra, chỉ đạo tòa cấp dưới khắc phục, làm thủ tục xóa án tích cho ông Khánh thay vì chỉ qua chỉ lại khiến người dân bị thiệt thòi.

Tòa phải xóa án tích cho ông Khánh

Việc xóa án tích thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa cấp sơ thẩm, cụ thể là TAND huyện Nhơn Trạch. Khi TAND tỉnh Đồng Nai ra quyết định đình chỉ vụ án tức là bản án sơ thẩm có hiệu lực. Lúc này TAND huyện Nhơn Trạch phải có trách nhiệm gửi quyết định cho chi cục THA cùng cấp để họ ra quyết định THA đóng án phí. Nhưng tòa không làm dẫn đến ông Khánh không được xóa án tích. Trách nhiệm này thuộc về tòa án chứ không phải lỗi của người dân.

Vì thế tòa sơ thẩm phải giải quyết xóa án tích cho ông Khánh chứ không nên quá máy móc, làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Ông Khánh không đồng ý với việc không giải quyết xóa án tích của tòa sơ thẩm thì khiếu nại lên chánh án tòa tỉnh. Tòa tỉnh sẽ chỉ đạo cho tòa huyện giải quyết, không cần phải kiện tụng cho mất thời gian.

Một cựu thẩm phán TAND TP.HCM

NGÂN NGA ghi

có quyền khiếu nại đến VKS tối cao

Trường hợp này chỉ còn cách là khiếu nại tư pháp, cụ thể là khiếu nại đến VKSND Tối cao - ngành có chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp. Lúc này VKS Tối cao sẽ có quyền thẩm tra và xác định lỗi thuộc tòa án (cụ thể là tòa tỉnh hay tòa huyện) hay THA.

Khi xác định được cơ quan làm sai rồi thì cơ quan đó sẽ phải đưa ra ý kiến của mình trước khi đương sự quyết định hình thức yêu cầu cơ quan này phải bồi thường thiệt hại. Còn khởi kiện theo thủ tục nào sẽ phụ thuộc vào phản hồi của cơ quan làm sai và sẽ phải tính toán sau vì đây là việc khá lạ và chưa có tiền lệ nên chưa thể xác định ngay.

TP PHẠM CÔNG HÙNG, Tòa Phúc thẩm
TAND Tối cao tại TP.HCM

T.TÙNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm