Không yêu cầu đương sự khởi kiện bổ sung, bị hủy án

Trong đơn khởi kiện, bà Ta trình bày rằng mảnh đất của bà và mảnh đất của ông Kiệt giáp ranh nhau. Năm 2003, ông Kiệt lấn chiếm 383 m2 đất của bà nên bà không tiếp tục sử dụng nữa. Nay bà yêu cầu ông Kiệt phải trả lại phần đất lấn chiếm cùng hai bụi tre, một cây mít trồng trên đó.

Ông Kiệt không chấp nhận, nói đây là đất của gia đình bên vợ ông cho, ông đã làm thủ tục đứng tên chủ quyền. Năm 2003, bà Ta có khiếu nại và chính quyền đã giải quyết rằng đây là đất của ông.

Khi TAND huyện Nông Sơn tổ chức hòa giải, bà Ta thay đổi yêu cầu khởi kiện, đòi ông Kiệt phải trả lại cho bà hơn 1.000 m2 đất và cả cây cối trên đất. Tháng 8-2012, TAND huyện Nông Sơn xử sơ thẩm đã bác yêu cầu đòi lại đất của bà Ta. Tuy nhiên, tòa chấp nhận một phần yêu cầu đòi lại tài sản trên đất, cho bà Ta được chặt… hai bụi tre trên phần đất tranh chấp mang về.

Bà Ta kháng cáo. Tại phiên xử phúc thẩm mới đây, TAND tỉnh Quảng Nam đã chỉ ra nhiều thiếu sót của cấp sơ thẩm về cả tố tụng lẫn nội dung.

Về tố tụng, trong đơn khởi kiện ban đầu, bà Ta chỉ đòi ông Kiệt trả lại 383 m2 đất. Sau đó, tại phiên hòa giải, bà thay đổi yêu cầu, đòi lại hơn 1.000 m2 đất nhưng tòa sơ thẩm không yêu cầu bà làm đơn khởi kiện bổ sung và thông báo cho những người liên quan, VKS cùng cấp biết.

Mặt khác, tòa sơ thẩm đưa con trai bà Ta vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng lại không triệu tập con trai bà Ta tham gia các phiên hòa giải; trong quyết định đưa vụ án ra xét xử cũng không có tên, địa chỉ của người này. Chưa kể, vụ án có sự tham gia của đại diện VKS cùng cấp theo quy định tại Điều 21 BLTTDS nhưng trong hồ sơ lại không có quyết định phân công kiểm sát viên tham gia phiên tòa.

Về nội dung, phần đất tranh chấp có nguồn gốc là do cha mẹ bà Ta quản lý, sử dụng từ trước năm 1975, sau đó bà Ta và em trai tiếp tục quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, tòa sơ thẩm không làm rõ chị em bà Ta sử dụng đất đến khi nào, mỗi người sử dụng bao nhiêu diện tích đất, bà Ta và ông Kiệt đã đổi đất cho nhau sử dụng khi nào, hiện tại ai là người đang sử dụng đất tranh chấp trên thực tế...

Hơn nữa, tòa sơ thẩm cũng không làm rõ việc UBND huyện Nông Sơn cấp chủ quyền đất cho ông Kiệt có đúng trình tự, thủ tục theo quy định hay không. Đất tranh chấp có hoàn toàn nằm trong diện tích đất được huyện cấp cho ông Kiệt hay không…

Những thiếu sót trên, cấp phúc thẩm không thể khắc phục được nên đã quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho TAND huyện Nông Sơn giải quyết lại từ đầu.

PHƯƠNG LOAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm