Khu nhà gỗ giữa Sài Gòn

Cả xóm là những ngôi biệt thự nhà vườn xinh xắn được xây cất toàn gỗ quý. Ý tưởng thành lập ngôi làng độc nhất vô nhị này ban đầu xuất phát từ họa sĩ Hoài Hương, một thành viên Hội Mỹ thuật TP.HCM. Trong một lần đi tìm không gian sáng tác, ông tình cờ phát hiện khu đất này có không gian độc đáo. Ý tưởng tạo dựng một khu nhà dành riêng cho anh em đồng nghiệp đã hình thành ngay trong ông.

Những người chơi ngông

Trong một lần trà dư tửu hậu với những đồng nghiệp, Hoài Hương mang dự định ra bàn và được sự hưởng ứng của nhiều người. Bất ngờ hơn khi người nọ truyền tai người kia rồi tất cả ngồi lại bàn bạc kế hoạch mua đất, cất nhà.

Khu nhà gỗ giữa Sài Gòn ảnh 1

Cổng một ngôi biệt thự trong khu Hàm Long

Theo nhiều họa sĩ, không gian sáng tác của khu Hàm Long hiện nay rất hoành tráng, có thể sánh với các khu resort nổi tiếng miền Nam Trung bộ. Sau mỗi chuyến ngao du nơi xa, họ lại trở về thành phố tìm đến đây để kết hợp nghỉ ngơi và sáng tác. Từ cầu Sài Gòn đưa tay chỉ về khu nhà gỗ, họa sĩ Hoài Hương tự hào: “Ngày xưa cả khu toàn ruộng lúa vắng vẻ, nhìn mỏi mắt chả thấy bóng ai. Bây giờ thì nó đã trở nên thơ mộng và độc đáo, tụi tui vui lắm”.

Khu Hàm Long rộng khoảng hai hecta. Người ta thường ví von đây là thế giới riêng của những kẻ chơi ngông. Bởi cư dân trong xóm toàn là nghệ sĩ có cái chịu chơi và những ý tưởng lạ lẫm không ai có. Trong số này cò những họa sĩ, điêu khắc gia như Dương Đình Tuynh, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Lân, Thanh Châu, Lý Khắc Nhu.

Kiến trúc từng nhà, cách bài trí vật dụng trong từng ngôi biệt thự cũng khác nhau không theo một khuôn mẫu, quy định nào. Đây là một cách chủ nhà gián tiếp thể hiện gu thẩm mỹ của mình với các đồng nghiệp và khách tham quan.

Lâu lâu các nghệ sĩ ở Hàm Long lại mở triển lãm tranh và tượng điêu khắc. Đó là những sản phẩm của cảm xúc ghi lại được trong hành trình rong ruổi đi tìm cái đẹp suốt chiều dài đất nuớc. Triển lãm chỉ để thỏa mãn những tháng ngày rong chơi, giao lưu nghệ thuật, trao đổi nghiệp vụ chứ không mua, không bán các sản phẩm. Đồng nghiệp các vùng miền khác cũng nghe tiếng tìm về Hàm Long tham quan và học hỏi mô hình. Theo họ đây là ngôi nhà chung của tất cả những người yêu nghệ thuật hội họa tạo hình trong cả nước. Gần đây, nhiều khách du lịch quốc tế đã tìm đến đây tham quan và thưởng ngoạn.

Khu nhà gỗ giữa Sài Gòn ảnh 2

Kiến trúc đậm chất nhà cổ miền Trung

Một thế giới khác

Không giống cuộc sống ồn ào náo nhiệt ở những tòa cao ốc, cuộc sống của cư dân trong khu nhà gỗ nhẹ nhàng, êm đềm và độc đáo khác thường. Không có bất cứ một hoạt động thương mại mua bán nào, nhưng lại khá tiện nghi. Cư dân trong xóm không ai làm việc giờ hành chính, cũng chẳng có nhà xưởng, tiếng động cơ, hay cửa hàng ăn uống nhưng cuộc sống lại khá trù phú.

Ở Hàm Long, nhà mang đủ phong cách kiến trúc ba miền Bắc-Trung-Nam rất độc đáo. Tuy nhiên, nhà nào cũng có không gian khá rộng. Ngoài ngói lợp phía trên mái, còn lại khung nhà và các chi tiết khác đều được làm từ các loại gỗ quý. Nhà nào cũng có lối vào rộng, chạy dài theo cảm thụ phong thủy của từng người. Những tiểu lâu được bố trí riêng biệt cạnh hồ nước, hòn non bộ.

Chủ các biệt thự cho biết, họ phải đi săn lùng mua gỗ quý từ miền núi rồi thuê người chở về thành phố. Việc bài trí hoa văn cũng phải được thực hiện ngay tại công trường dưới sự chỉ đạo của chủ nhà.

Ngày mới tạo lập, khu Hàm Long còn khá vắng vẻ vì xưa kia đây toàn là dừa nước, sình lầy. Đường vào khu cũng rất khó khăn vì chưa có quy hoạch theo quy hoạch của quận 2. Ngày ấy mỗi khi xây nhà là họ phải thuê người chở từng viên ngói, cây gỗ, hàng năm trời mới dựng được một căn. Bây giờ thì cái hồn quê ấy đã được chuyển biến thành nghệ thuật vì được chủ nhà tái hiện khéo léo, hấp dẫn.

Có thể dễ dàng nhận ra gu thẩm mỹ và tính cá

Khu nhà gỗ giữa Sài Gòn ảnh 3

Cách bài trí khuôn viên khá đẹp

ch của chủ nhân từng ngôi biệt thự gỗ trong xóm. Ngôi nhà của họa sĩ Thanh Châu được xây theo theo phong cách văn hóa Bắc bộ thời xưa. Nhà có đủ sập gụ, tủ lim, những bức khảm trai y chang nhà của một người giàu có miền Bắc thời xưa. Tuy không cổ kính, sắc sảo bằng nhà cổ gốc, nhưng cách bài trí, tái hiện nét sinh hoạt văn hóa thì như thật.

Ông cho biết, trước lúc dựng nhà mình nêu ý tưởng anh em nào cùng gu thì gom lại tạo thành khu cho có không gian văn hóa. Cách nhà ông vài căn là nhà của hoạ sĩ Hoài Hương mang đậm phong cách nhà cổ miền Trung. Kiến trúc ngôi nhà này rất quy mô. Ngoài một gian nhà chính to ở giữa là bốn gian nhỏ tạo thành một khối vuông trọn vẹn. Liên kết các khối nhỏ là hai dãy hành lang, bao quanh một hồ cá in bóng liễu rủ. Một tiểu đảo giữa hồ với hoa tươi, hòn non bộ như nét chấm phá riêng, điểm xuyết cho toàn khuôn viên ngôi nhà. Ở Hàm Long có nhiều căn theo phong cách này, nhưng nhà của Hoài Hương là hoàn chỉnh nhất.

Phía cuối khu là những ngôi nhà gỗ mô phỏng theo kiến trúc Tây Nam bộ gốc. Vẫn có trụ nhà, vách nhà bằng gỗ, nhưng nền nhà thấp và giản dị hơn. Nội thất nhà miền Tây không cầu kỳ, song có đủ các dụng cụ sinh hoạt của bà con nông dân đồng bằng sông Cửu Long.

THANH TÙNG

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm