Kiện đòi bồi thường danh dự, có mất án phí?

Tiếp xúc với chúng tôi, bà Trịnh Thị Phương (ngụ phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP.HCM) bày tỏ sự không hài lòng khi nhắc đến tòa án. Bà Phương nói hiện bà đang là nhân viên một trường đại học có cơ sở 2 ở TP.HCM. Do có mâu thuẫn với một phó hiệu trưởng kiêm lãnh đạo cơ sở 2 nên tháng 10-2013, bà đã làm đơn khởi kiện ông này ra TAND quận 12 để yêu cầu bồi thường hơn 11 triệu đồng do bị xúc phạm về danh dự, nhân phẩm, uy tín.

Lúc bảo không, khi bắt đóng

Ban đầu, do không hiểu biết về pháp luật nên bà Phương đã xin tòa được đóng tiền tạm ứng án phí. Tuy nhiên, tòa cho rằng trường hợp của bà được miễn đóng án phí, bà cứ về chờ thẩm phán triệu tập.

Sau ba lần tiến hành hòa giải không thành, ngày 30-5, Thẩm phán PTN (người được lãnh đạo TAND quận 12 phân công giải quyết vụ kiện) đã mời bà Phương lên yêu cầu viết đơn để đóng tạm ứng án phí thì mới tiếp tục giải quyết vụ án. Để tránh lỡ việc, bà Phương đã làm theo yêu cầu của thẩm phán nhưng sau đó khiếu nại tới chánh án TAND quận 12. Theo bà Phương, bà bức xúc vì “tòa lúc nói thế này, khi nói thế khác” làm bà mất công, mất thời gian. Bà Phương còn cho rằng việc thẩm phán bắt bà viết đơn xin đóng tạm ứng án phí là sai bởi đó là chuyện của tòa, tòa cứ việc chủ động ra thông báo để bà chấp hành.

Hai tháng sau, chánh án TAND quận 12 đã ra văn bản trả lời khiếu nại của bà Phương, thừa nhận việc Thẩm phán N. bắt bà đóng tạm ứng án phí là sai quy định. Văn bản này nêu rõ: “Tại khoản 6 Điều 11 Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án quy định: Người yêu cầu bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm thì được miễn đóng tiền tạm ứng án phí, án phí. Việc thẩm phán dựa vào yêu cầu đòi bồi thường cả về uy tín để ra thông báo đóng tạm ứng án phí là không đúng theo quy định của pháp luật”.

Tiếp đó, tháng 9-2014, TAND quận 12 xử sơ thẩm đã tuyên bác toàn bộ đơn khởi kiện của bà Phương, đồng thời tuyên trả lại 200.000 đồng tạm ứng án phí mà bà Phương đã nộp. Bà Phương kháng cáo bản án sơ thẩm. Lúc này Thẩm phán N. lại tiếp tục yêu cầu bà Phương phải đóng… 200.000 đồng tạm ứng án phí kháng cáo.

Bà Trịnh Thị Phương (tại phiên tòa sơ thẩm) cho rằng việc thẩm phán bắt bà đóng tạm ứng án phí là sai luật, gây ra nhiều phiền toái cho bà. Ảnh: N.NGA

Không phải nộp tạm ứng án phí

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về trường hợp của bà Phương, TS Nguyễn Văn Tiến (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM) nhận xét: Khoản 6 Điều 11 Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án 2009 quy định trường hợp kiện yêu cầu bồi thường tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm thuộc diện miễn nộp toàn bộ tiền tạm ứng án phí, án phí. Trường hợp của bà Phương do đã được miễn nộp toàn bộ tiền tạm ứng án phí, án phí nên đương nhiên khi bà kháng cáo cũng phải được miễn đóng tạm ứng án phí kháng cáo. Như vậy thẩm phán tòa sơ thẩm đã có sai sót trong việc yêu cầu bà Phương phải đóng tiền tạm ứng án phí trong quá trình giải quyết án. Sau đó đến khi bà Phương kháng cáo, thẩm phán này lại tiếp tục có sai sót khi bắt bà đóng tiền tạm ứng án phí kháng cáo.

Theo TS Tiến, nếu thấy quyền lợi hợp pháp bị xâm phạm, bà Phương có thể khiếu nại lên chánh án tòa phúc thẩm, cụ thể là chánh án TAND TP.HCM để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Đồng tình, một thẩm phán chuyên xử án dân sự ở TP.HCM (đề nghị không nêu tên) cũng cho biết trường hợp như của bà Phương thì được miễn nộp toàn bộ tiền tạm ứng án phí cũng như án phí trong mọi giai đoạn xét xử. Do đó bà Phương đương nhiên không phải nộp tiền tạm ứng án phí kháng cáo.

Các trường hợp miễn nộp tạm ứng án phí, án phí

1. Người khởi kiện vụ án hành chính là thương binh; cha, mẹ liệt sĩ; người có công với cách mạng;

2. Người lao động khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường về tai nạn lao động...;

3. Người yêu cầu cấp dưỡng, xin xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự;

4. Người khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng hoặc thi hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục, đưa vào cơ sở chữa bệnh;

5. Cá nhân, hộ gia đình thuộc diện nghèo theo quy định của Chính phủ;

6. Người yêu cầu bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm.

(Theo Điều 11 Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án năm 2009)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm