Kiện quyết định sa thải, tòa nào xử?

Việc TAND quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) giải quyết vụ kiện yêu cầu hủy quyết định sa thải của một cơ quan nhà nước cấp tỉnh đã gây tranh cãi bởi theo quy định, thẩm quyền giải quyết trong trường hợp này phải thuộc tòa cấp tỉnh.

Năm 2005, ông Nguyễn Hồng Trung được Đài Phát thanh và Truyền hình TP Cần Thơ tuyển dụng làm nhân viên bảo vệ. Liên tiếp trong hai tháng (tháng 6 và tháng 7-2010), ông Trung đã có hành vi trộm cắp tài sản trị giá hơn 4 triệu đồng và hủy hoại tài sản gây thiệt hại hơn 79 triệu đồng.

Sa thải sai vì để lố thời hiệu xử lý

Sau đó, Đài Phát thanh và Truyền hình TP Cần Thơ đã họp hội đồng kỷ luật theo đúng trình tự, thủ tục và đi đến kết luận là kỷ luật sa thải ông Trung. Do ông Trung có đơn tha thiết xin xem xét lại hình thức kỷ luật vì gia đình khó khăn nên giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình TP Cần Thơ đã tạm ngưng việc ra quyết định kỷ luật để xem xét nguyện vọng của ông Trung.

Tuy nhiên, kết quả cuộc họp hội đồng kỷ luật lần hai vẫn giữ nguyên hình thức kỷ luật là sa thải đối với ông Trung. Một tuần sau, ngày 17-2-2011, giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình TP Cần Thơ ban hành quyết định sa thải đối với ông Trung. Nhưng đến thời điểm này thì đã hết thời hiệu xử lý vi phạm kỷ luật theo quy định (tối đa ba tháng, nếu là trường hợp đặc biệt thì sáu tháng).

Kiện quyết định sa thải, tòa nào xử? ảnh 1

Ông Trung đã khởi kiện ra tòa với ba yêu cầu sau: Hủy quyết định sa thải của giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình TP Cần Thơ, khôi phục quyền lao động, đòi bồi thường gần 119 triệu đồng. Đầu tháng 4 vừa qua, TAND quận Ninh Kiều đã xử sơ thẩm, hủy quyết định sa thải của giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình TP Cần Thơ…

Tòa TP xử sơ thẩm mới đúng

Về mặt tố tụng, đơn khởi kiện ban đầu được ông Trung nộp tại TAND TP Cần Thơ. Sau đó, tòa này cho rằng thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm thuộc TAND quận Ninh Kiều nên chuyển hồ sơ.

Khi xử sơ thẩm, TAND quận Ninh Kiều cũng nhận định: “Trong trường hợp này, về mặt thủ tục, thẩm quyền giải quyết đã được quy định tại Điều 166 Bộ luật Lao động. Quy định này chỉ rõ TAND cấp huyện có thẩm quyền giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn”.

Theo nhiều chuyên gia, đúng là Điều 166 Bộ luật Lao động có quy định tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải có thể yêu cầu TAND cấp huyện giải quyết, không nhất thiết phải qua hòa giải tại cơ sở. Tuy nhiên ở vụ này, điều gây tranh cãi là trong các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, có yêu cầu hủy quyết định cá biệt của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước cấp tỉnh.

Về nguyên tắc, tranh chấp lao động cũng được xem là tranh chấp dân sự và thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết được quy định trong BLTTDS. Trong khi đó, BLTTDS năm 2004 không quy định, tức không cho phép tòa có quyền hủy quyết định của cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS năm 2011 đã xác lập thẩm quyền này của tòa theo quy định tại khoản 1 Điều 32a.

Như vậy, việc TAND quận Ninh Kiều xử yêu cầu hủy quyết định sa thải của giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình TP Cần Thơ (quyết định cá biệt) chính là đã vận dụng khoản 1 Điều 32a Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS năm 2011.

Vậy tòa cấp nào có quyền hủy quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức cấp nào? Khoản 2 Điều 32a quy định rất rõ: “Trường hợp vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định cá biệt bị yêu cầu hủy quy định tại khoản 1 điều này thì quyết định cá biệt đó được tòa án xem xét trong cùng vụ việc dân sự. Thẩm quyền của cấp tòa án giải quyết vụ việc dân sự đó được xác định theo quy định tại Điều 29 và Điều 30 của Luật Tố tụng hành chính”. Mà theo điểm c khoản 1 Điều 30 Luật Tố tụng hành chính thì tòa cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết sơ thẩm yêu cầu hủy quyết định cá biệt của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước cấp tỉnh.

Do đó, trong trường hợp này, TAND TP Cần Thơ mới là tòa có thẩm quyền giải quyết sơ thẩm vụ kiện của ông Trung.

Thẩm quyền của tòa đối với quyết định cá biệt

1. Khi giải quyết vụ việc dân sự, tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức đó xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà tòa án có nhiệm vụ giải quyết. Trong trường hợp này, cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức đó có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng.

2. Trường hợp vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định cá biệt bị yêu cầu hủy quy định tại khoản 1 điều này thì quyết định cá biệt đó được tòa án xem xét trong cùng vụ việc dân sự. Thẩm quyền của cấp tòa án giải quyết vụ việc dân sự đó được xác định theo quy định tại Điều 29 và Điều 30 của Luật Tố tụng hành chính.

(Trích Điều 32a Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS năm 2011)

Năm 2014, sẽ xây dựng Bộ luật Tố tụng lao động

Sáng 17-4, tại Đồ Sơn (TP Hải Phòng), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức hội thảo đánh giá hoạt động của công đoàn thi hành BLTTDS và các quy định khác của pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động.

Theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện các bước thủ tục khởi kiện tranh chấp lao động còn nhiêu khê, bất cập. Vì thủ tục khởi kiện ra tòa còn khó khăn, thời gian thực hiện thủ tục và quá trình giải quyết tranh chấp kéo dài nên khi có tranh chấp với người sử dụng lao động, người lao động hoặc bỏ luôn không kiện hoặc chọn phương án nhanh nhất là đình công để đòi quyền lợi.

Thêm vào đó, thành phần HĐXX trong những vụ tranh chấp lao động không phải lúc nào cũng có hội thẩm nhân dân là đại diện công đoàn tham gia. Nếu có tham gia, hội thẩm nhân dân cũng không có tiếng nói, mà chủ yếu phụ thuộc vào thẩm phán. Chưa kể, các hội thẩm nhân dân không phải lúc nào cũng hiểu biết về pháp luật lao động...

Vì vậy, theo ông Chính, yêu cầu về việc phải ban hành Bộ luật Tố tụng lao động là rất cần thiết. Hiện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang phối hợp với TAND Tối cao chuẩn bị để xây dựng bộ luật này vào năm 2014 và trình Quốc hội thông qua vào năm 2015.

LÊ PHƯỚC VINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm