Kinh nghiệm về luật dân sự từ nước Pháp

Trong một chuyên đề về cải cách tư pháp diễn ra gần đây tại TP.HCM, nhiều chuyên gia Pháp đã giới thiệu một số điểm khác biệt trong pháp luật dân sự nước này so với Việt Nam. Đây là nguồn tham khảo quý trong quá trình Việt Nam hoàn thiện pháp luật về dân sự.

GS Grimaldi (Trường ĐH Paris 2, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Tổ chức phát triển luật châu Âu lục địa) cho biết luật dân sự nước Pháp được sửa đổi năm 2006, trong đó có quy định về nhiều biện pháp bảo đảm mới mà Việt Nam có thể tham khảo.

Cầm cố kho hàng, quyền đòi nợ

Một số điểm mới đáng chú ý về hình thức cầm cố mà pháp luật Việt Nam không quy định là cầm cố kho hàng và cầm cố quyền đòi nợ. Với hình thức cầm cố kho hàng, trong thời gian cầm cố, doanh nghiệp vẫn có thể khai thác, kinh doanh kho hàng đó. Còn với hình thức cầm cố quyền đòi nợ, bên cầm cố phải thông báo cho chủ nợ và các con nợ biết để đảm bảo quyền lợi cho bên thứ ba…

Theo GS Grimaldi, trong khi thực hiện các biện pháp bảo đảm, pháp luật dân sự Pháp luôn đặt vấn đề an toàn pháp lý và ổn định xã hội lên hàng đầu. Chẳng hạn, mức độ chính xác khi định giá tài sản phải cao để quyền lợi các bên không bị ảnh hưởng. Muốn vậy, việc định giá phải do các chuyên gia đủ tầm thực hiện. Hoặc luật luôn bảo vệ quyền có chỗ ở của công dân, tức là sau khi dùng nhà ở của mình thế chấp trong giao dịch dân sự, gặp rủi ro thì người dân cũng không phải lâm vào tình cảnh không có nơi trú thân.

Kinh nghiệm về luật dân sự từ nước Pháp ảnh 1

Theo luật dân sự nước Pháp, doanh nghiệp vẫn có thể khai thác, kinh doanh kho hàng trong thời gian cầm cố. Ảnh minh họa: CTV

GS-TS Nguyễn Ngọc Điện (Trường ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM) nhận xét quy định về các biện pháp bảo đảm nói trên là những kiến thức, kinh nghiệm bổ ích cho Việt Nam trong quá trình sửa đổi BLDS sắp tới.

Quy định về hợp đồng tín thác

GS Dupichop (Tổng Thư ký Hội Luật gia Thế giới Henri Capitaut) cho biết ở Pháp có một hình thức hợp đồng mang tên là tín thác. Đây là hình thức chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho người khác quản lý nhằm đảm bảo nghĩa vụ dân sự.

Theo GS Dupichop, hợp đồng tín thác là khái niệm mới và mang tính đặc biệt trong luật dân sự của Pháp. Từ khi hình thành năm 2007 đến nay, tại Pháp đã có 507 hợp đồng được xác lập theo dạng này. Đặc điểm của loại hợp đồng này là chuyển giao quyền sở hữu của tài sản nhưng tài sản trong hợp đồng nằm tách biệt so với tài sản cá nhân của bên nhận tín thác. Bên lập tín thác có thể đưa ra một tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai và phải chịu trách nhiệm về tài sản của mình nếu tài sản đó không đủ để thực hiện hợp đồng...

Theo PGS-TS Đỗ Văn Đại (Trường ĐH Luật TP.HCM), nếu theo thông tin trên thì ở Việt Nam cũng đang tồn tại hình thức hợp đồng tín thác nhưng chưa được pháp luật ghi nhận. Khi xét xử, tòa thường tuyên bố hợp đồng vô hiệu.

Ông Đại dẫn chứng: Năm 2012, TAND Tối cao từng xử giám đốc thẩm một vụ án như thế này và xác định hợp đồng vô hiệu. Cụ thể, ông A cho ông B vay 500 triệu đồng, cùng lúc ông B cam kết bán ngôi nhà của mình với giá 500 triệu đồng cho ông A. Hai bên thỏa thuận nếu đến hạn trả nợ vay mà ông B không trả thì ông A sẽ làm thủ tục đăng ký trước bạ ngôi nhà. Sau đó, chưa đến hạn trả nợ, ông B đã bán nhà cho người khác, vi phạm cam kết ban đầu. Tranh chấp, hai bên dẫn nhau ra tòa và tòa đã tuyên hợp đồng mua bán nhà giữa các bên là hợp đồng giả tạo nên vô hiệu.

Thỏa thuận tiền hợp đồng là chứng cứ tại tòa

Theo GS Grimaldi, có một số điểm khác biệt trong luật về hợp đồng của Pháp với Việt Nam. Chẳng hạn, luật Pháp ghi nhận các văn bản, các thỏa thuận, cam kết trước khi ký hợp đồng là chứng cứ tại tòa nếu có tranh chấp. Hoặc nếu bên có nghĩa vụ vi phạm hợp đồng, luật của Pháp cho bên có quyền được làm theo án lệ là tự chấm dứt hợp đồng mà không cần phải khởi kiện ra tòa. Nhưng trước đó, bên có quyền phải thông báo trước cho bên có nghĩa vụ và trao thêm một khoảng thời gian để họ thực hiện nghĩa vụ.

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm