Làm báo trong hang đá

Sau khi xuống núi từ mùa xuân năm 1975, nhiều lần tôi muốn được đi lại con đường mòn xuyên rừng trong dãy núi cao, lội dọc theo những con suối cạn nước trong veo, nhìn những con cá con, những con ốc đá to bằng đầu ngón tay út. Hai bên bờ suối có những hang đá. Một thời những cán bộ, phóng viên Báo Giải Phóng Quảng Đà từng chọn làm nơi đóng cơ quan. Mọi người ở trong hang đá, ăn trong hang đá, họp hội trong hang đá, viết báo, viết văn, làm thơ, làm ra những tờ báo gửi đến người đọc cũng trong hang đá.

Kỷ niệm một thời làm báo

Thế nhưng cứ hẹn hoài, đến khi lòng day dứt muốn đi tìm lại dấu xưa thì không còn đủ sức để băng rừng, vượt khe, leo dốc núi. Sau bao mùa nắng mưa, tất cả dấu vết của một thời làm báo đã ở lại với núi rừng nguyên sơ. Còn chăng ở trong ký ức là những kỷ niệm về một thời làm báo. Chúng tôi viết thì ít mà lo cái ăn, lo chỗ ở để tránh đạn bom thì nhiều.

Làm báo trong hang đá ảnh 1

Tác giả (phải) trên núi Hòn Tàu năm 1971

Tôi nhớ về những cán bộ, chiến sĩ, phóng viên ít ỏi trong cơ quan, những người đã thay nhau chiến đấu, hy sinh trên các tuyến đường ra chiến trường. Có người không hy sinh thì cũng đã để lại máu thịt của mình trong dãy núi cao này. Có lần, giặc đánh bom B52. Cơ quan của Ban Tuyên huấn Quảng Đà chết và bị thương 15 người. Bộ phận báo có anh Hoàng Kim Tùng, Bí thư chi bộ, bị một quả bom tấn chôn vùi trong hang đá không lấy được xác. Mãi đến sau ngày hòa bình, hài cốt của anh vẫn không thể đem về Quảng Trị với vợ con và những người thương yêu đang mong mỏi đến vô vọng. 

Không đưa được hài cốt anh về quê nhà, chúng tôi đều thấy có lỗi nhưng không biết làm sao khi xác anh bị vùi sâu trong hang đá ấy. Chúng tôi thấy có lỗi nhiều hơn nếu không làm được việc gì có ích cho một xã hội thanh bình, tốt đẹp mà ngày ấy cả anh và chúng tôi đều ước mơ.

Chiến đấu từ lòng núi Hòn Tàu

Ngày ấy, vùng núi phía nam Hòn Tàu thuộc đất Quảng Nam. Một số cơ quan của Quảng Đà, trong đó có cơ quan của Báo Giải Phóng Quảng Đà thường dựa vào đất Quảng Nam mà dung thân mỗi khi quân thù nống ra chiếm vùng giải phóng của Quảng Đà.

Sau Hiệp định Paris năm 1973, địch lật lọng, thực hiện âm mưu tràn ngập lãnh thổ, giành đất, cắm cờ. Chúng đánh vào sự trung thành thi hành hiệp định và mong muốn hòa bình của ta để chiếm lại phần đất đã mất. Và thật sự chúng gần như lấn chiếm lại gần hết vùng giải phóng của Quảng Đà. Cơ quan Báo Giải Phóng Quảng Đà phải rời vùng đồng bằng Xuyên Thanh, Gò Nổi, Xuyên Trà, lui về đóng trên núi Hòn Tàu. Chúng tôi lúc thì ở trong hóc núi Cù Hang, lúc bên con khe chạy dưới chân núi Chúa, lúc ở trong một hang đá bên bờ khe Dâu.

Khó mà phân biệt con khe nhiều đá ấy là của Quảng Nam hay Quảng Đà, càng không thể biết con khe chảy qua đất Quế Sơn hay đất của Duy Xuyên! Từ một hang đá trên bờ khe Dâu, chúng tôi xuống Đồng Lùng, Phú Diên, Gò Dê, Núi Đất mua gạo, mắm, sữa, đường. Chúng tôi phải sản xuất tự túc, băng rừng, vượt đèo Le, lên Sơn Phúc tìm đất bỏ hoang cuốc lên trồng khoai, cấy lúa. Từ trong hang đá, chúng tôi thường lần ra xóm dân trụ bám tìm rau, xin sắn về cải thiện bữa ăn.

Vùng Ba Nghi là một vùng trung du, trên là đồi gò, dưới từng ô ruộng nhỏ men theo các đồi gò nhiều sim, mua. Vùng Lộc Đại có đồng đất rất tốt, là vùng "thượng gia hạ điền". Lộc Đại phía tây thông với dãy núi Hòn Tàu, phía đông là cánh đồng trải dài cả chục cây số đến quốc lộ 1, phía bắc là một vùng núi thấp nối Quế Sơn với Trà Kiệu của Duy Xuyên. Đây là nơi một thời Tỉnh ủy từng chọn đóng bản doanh. Ba Nghi là Nghi Sơn, Nghi Trung và Nghi Hạ, cùng với Lộc Đại thuộc huyện Quế Sơn. Xã Nghi Sơn là trọng điểm của cơ quan Tỉnh ủy Quảng Nam.

Làm báo trong hang đá ảnh 2

 Hòn Tàu

Lúc bấy giờ, các vị tiền cách mạng đến ở lại nhà ai thì xem như ở đó là cơ quan của Tỉnh ủy. Đến Nghi Sơn, các vị ở lại trong nhà ông Đoàn Sơ. Một cuộc họp Tỉnh ủy trong nhà ông Đoàn Sơ diễn ra với sự có mặt của các ông Võ Toàn, Võ Chí Công, Nguyễn Sắc Kim, Huỳnh Cương, Trương An. Cuộc họp bàn đến ba nhiệm vụ để quyết tâm thực hiện là: Tìm nơi đóng cơ quan lâu dài, ra tờ báo Cứu Quốc và đi tìm Xứ ủy.

Ông Đoàn Sơ là đảng viên, làm bí thư chi bộ xã Nghi Sơn. Tuy mới học tiểu học nhưng ông Sơ thông minh, tiếp thu nhanh, lăn lộn trong quần chúng và chịu khó học hỏi các đồng chí trong Tỉnh ủy nên tiến bộ nhanh, có đạo đức và nhân cách. Sau này, ông Sơ là một tỉnh ủy viên. Vợ ông Sơ là người hiền lành, đôn hậu và siêng năng, có con nhỏ nhưng chu toàn mọi việc, lại hết lòng nuôi nấng, bảo vệ cán bộ ở trong nhà. Đây là địa điểm vững vàng để Tỉnh ủy chọn làm nơi đóng cơ quan.

Sau này, khi ông Võ Toàn làm Xứ ủy viên kiêm Bí thư Tỉnh ủy, thì Xứ ủy cũng đóng tại nhà ông Sơ. Và tại ngôi nhà tranh đơn sơ của ông Sơ, Tỉnh ủy Quảng Nam đã ra được những số báo Cứu Quốc đầu tiên.

Đã từng đi qua và ở lại trên vùng đất lịch sử có dấu ấn một tờ báo của Đảng bộ tỉnh, vậy mà đến khi nghiên cứu lịch sử chúng tôi mới biết. Biết muộn không phải là khuyết điểm. Nhưng biết mà không cảm nhận, không làm được gì để cho người sau biết, đó là điều làm tôi day dứt.

Điểm du lịch lý tưởng

Dãy Hòn Tàu không chỉ là một căn cứ địa mà còn là một vùng núi trú quân rộng lớn nhờ núi liền núi, cây cối sum suê, nhiều khe suối, hang đá, đường mòn ra đồng bằng. Kẻ thù thừa biết Hòn Tàu là nơi trú quân của Quân giải phóng. Chúng thả xuống Hòn Tàu đủ loại bom. Chúng thả biệt kích lùng sục tìm dấu vết. Chúng chiếm các điểm cao. Nhưng kẻ thù không ngăn chặn được những cuộc tấn công của nhiều binh chủng khác nhau từ trong lòng núi Hòn Tàu vào đồn bốt, hang ổ của chúng.

Nếu có kế sách đầu tư khai thác, phát triển và bảo vệ tài nguyên của núi rừng, Hòn Tàu sẽ là một tiềm năng nhiều hứa hẹn. Mở được con đường đi, Hòn Tàu sẽ là một trong những điểm tham quan du lịch dã ngoại và khám phá tuyệt vời, đặc biệt cho du khách trẻ.

HỒ DUY LỆ

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 7-2009)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm