GIA TĂNG NHỮNG VỤ PHÁ MÁY ATM ĐỂ TRỘM CẮP:

Làm gì để bảo vệ những “kho tiền trên đường phố”?

Vậy, phải làm gì để bảo vệ những "kho tiền trên đường phố" này?

Bóng tối tiếp tay cho kẻ gian

Chỉ trong 2 tháng vừa qua, trên địa bàn 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM  đã xảy ra liên tiếp 9 vụ phá hủy máy ATM nhằm mục đích lấy tiền. Mặc dù chỉ có 2 vụ trong đó kẻ gian lấy được tiền với tổng số hơn 2 tỉ đồng nhưng an toàn cho ATM đã thực sự trở thành một vấn đề bức xúc không chỉ của ngành ngân hàng.

Trao đổi với PV Chuyên đề ANTG, bà Nguyễn Thu Hà, Chủ tịch Hội thẻ Việt Nam rất bức xúc và cho rằng, việc phá hủy máy ATM để lấy tiền đã gây tổn thất lớn không chỉ về vật chất mà về cả hình ảnh, uy tín của ngành Ngân hàng Việt Nam. Bà lo ngại: "Không biết sau đây, sẽ còn bao nhiêu máy ATM tiếp tục bị phá hủy nữa?".

Làm gì để bảo vệ những “kho tiền trên đường phố”? ảnh 1

Máy ATM nạp tiền cửa trước của Eximbank tại số 2 Điện Biên Phủ dễ làm kẻ gian nổi lòng tham 

Hiện nay, với sự triển khai hoạt động cung cấp dịch vụ ATM của 47 ngân hàng, đã có hơn 11.000 máy ATM được đặt trên toàn quốc. Đó là tài sản không nhỏ của các ngân hàng đang được đặt tại nơi công cộng, trị giá của mỗi máy ATM trung bình là 1 tỉ đồng. Vậy mà nó bị phá hủy một cách quá dễ dàng. Theo bà Hà, những nguyên nhân dẫn đến hành động liều lĩnh bất chấp pháp luật của kẻ gian để phá máy ATM lấy tiền là: Việc tiếp tiền của các ngân hàng vào máy ATM công khai quá khiến cho kẻ gian để ý và nảy sinh lòng tham.

Tiếp đến, sự sơ hở của lực lượng bảo vệ đã tạo cơ hội "ngàn vàng" cho kẻ gian lấy tiền. Thiếu cẩn trọng trong việc chọn vị trí đặt máy ATM cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này hiện nay. Bởi sau khi xem xét và nghiên cứu hàng loạt máy ATM bị phá thì những máy đó đều đặt ở nơi thiếu ánh sáng, khi xảy ra sự cố có ít người qua lại... Điều đó khiến cho máy ATM không nằm nhiều trong tầm kiểm soát của các lực lượng bảo vệ an ninh vào ban đêm.

PV ANTG đã khảo sát nhiều địa điểm đặt máy ATM của các ngân hàng trên địa bàn Hà Nội và nhận thấy các máy rút tiền đều được đặt ở những địa điểm đảm bảo được hai yếu tố: Nhiều người sử dụng và an toàn. Thường thì đó là các khu vực có đông người qua lại hoặc có nhu cầu rút tiền như các siêu thị, trung tâm mua sắm, khu vui chơi giải trí, các khách sạn, nhà hàng lớn... Những máy rút tiền nếu được bố trí trên phố thì cũng thường bám nhờ vào những địa điểm "chắc ăn" như gần trụ sở Công an phường, gần các cây xăng phục vụ 24/24 giờ, hoặc các chi nhánh của chính ngân hàng đó.

Có một điều khá lạ là các cây ATM đã từng bị kẻ gian đục, phá hoại không phải là những máy đặt ở chỗ vắng vẻ "đồng không mông quạnh" mà đều là những cây ATM nằm ở khu vực trung tâm, đông người qua lại.

Khảo sát đầu tiên là cây ATM vừa bị phá gần đây nhất của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Vietcombank đặt ở phố Trịnh Hoài Đức. Lúc 2 giờ 15 phút sáng ngày 18/12/2010, bảo vệ Sở Thể dục - Thể thao (TDTT) Hà Nội đã phát hiện ra có kẻ đang lúi húi gí đèn khò để phá cây ATM lấy tiền. Kẻ gian đã tẩu thoát khi bảo vệ và quần chúng nhân dân truy đuổi. Điều khá lạ lùng là cây ATM này được đặt giữa bức tường của Sở TDTT Hà Nội, gần đó có phòng bảo vệ trực thường xuyên. Khi thực hiện hành vi phá hoại, tên trộm còn to gan nhảy qua tường rào vào trong khuôn viên Sở TDTT rồi cắt phá từ phía sau.

Có cả 2 yếu tố là: nơi đông đúc và có lực lượng bảo vệ - vậy, vì sao cây ATM vẫn bị kẻ gian nhắm đến và thực hiện việc phá trộm. Phải quan sát thật kỹ cây ATM này vào lúc nửa đêm về sáng, chúng tôi mới phát hiện ra phần nào lý do ATM có thể bị trộm. Đó là việc cây ATM này nằm ngay dưới cột đèn đường nhưng lại khuất dưới một tán cây rậm rạp, thiếu ánh sáng, hướng đối diện lại là tường của Sân vận động Hàng Đẫy không được bố trí đèn đường.

Thêm một nguyên do nữa là quãng thời gian 2h sáng rất ít người qua lại tuyến phố này, vậy nên yếu tố đông người sẽ trở nên vô nghĩa vào lúc khuya vắng. Rất may là bảo vệ Sở TDTT đã kịp thời phát hiện, tránh sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.

Máy rút tiền của Ngân hàng Eximbank ở số 2 Điện Biên Phủ cũng rơi vào tình trạng tương tự. Vào ngày 3/11/2010, cây rút tiền ở góc ngã tư Cửa Nam - Điện Biên Phủ này cũng có dấu hiệu bị phá hoại bằng dụng cụ hàn khò nhằm trộm tiền. Khi chúng tôi chụp ảnh cây ATM này thì lập tức được chủ cửa hàng bán két đựng tiền ở bên cạnh sang "hỏi thăm". Thì ra, sau vụ việc tối 3/11, chủ cửa hàng cũng có ý thức cảnh giác để bảo vệ máy rút tiền. Tuy nhiên, nếu kẻ gian "tác nghiệp" vào lúc giữa đêm thì có lẽ anh cũng chẳng thể nào giúp đỡ ngân hàng được.

Hơn nữa, máy rút tiền của Ngân hàng Eximbank ở số 2 Điện Biên Phủ lại là loại mà cửa nạp tiền nằm ở phía trước. Một phần là do diện tích buồng ATM quá nhỏ, lại nằm ở góc tường nên rất khó triển khai máy ATM có cửa nạp tiền phía sau.

Nói đến việc phá hoại các máy ATM không thể không nhắc đến "cây ATM dính máu" ở huyện Từ Liêm mà một thời gian đã gây ra không ít nỗi sợ hãi cho những người rút tiền, tốn nhiều công sức của cơ quan Công an. Vụ việc xảy ra vào đầu tháng 11, ATM Techcombank bị phát hiện bên trong có một vũng máu, vệt máu chảy thành dòng từ bàn phím xuống đất, cửa kính dính những vết máu li ti ở bên trong.

Điều đáng nói là cây rút tiền này nằm ngay sát trụ sở UBND huyện Từ Liêm (Hà Nội) được bảo vệ nghiêm ngặt, điều kiện ánh sáng đầy đủ. Về sau, Cơ quan Công an mới giám định thì phát hiện ra máu đọng lại không phải là máu người mà chỉ là... tiết lợn. Một kẻ "rỗi hơi" nào đó đã bôi vào máy rút tiền để gây hoang mang cho mọi người.

Trong quá trình khảo sát, chúng tôi cũng nhận thấy cũng có một số cây ATM được đặt ở những địa điểm khá vắng và chưa đủ ánh sáng có nguy cơ bị phá hoại như các cây ATM đặt trước cổng Trường đại học  Khoa học tự nhiên (Vietcombank), Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông (Đông Á, VP Bank)...

Một nguyên nhân nữa mà bà Nguyễn Thu Hà - Chủ tịch Hội thẻ Việt Nam nhấn mạnh là thời gian qua, sau khi những chiếc máy ATM đầu tiên bị phá hủy để lấy tiền, một số phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải quá chi tiết về thủ đoạn phá máy ATM như sử dụng phương tiện gì để thực hiện hành vi phi pháp.... nên "lợi bất cập hại" mới dẫn đến hàng loạt máy ATM bị phá hủy. Bởi theo bà Hà, 7 năm qua, tính từ năm đầu tiên triển khai dịch vụ cung cấp thẻ ATM là năm 2002 cho đến thời điểm cách đây 2 tháng, chưa xảy ra một vụ phá ATM nào để lấy tiền, ngoại trừ trường hợp phá máy chỉ để... vui. Nhưng sau khi một số báo đăng tải về vụ phá máy ATM của Ngân hàng Hàng hải và Techcombank quá cụ thể về phương thức, thủ đoạn... thì lập tức sau đó, như "hiệu ứng" dây chuyền, nhiều kẻ gian đã thực hiện theo thủ đoạn đó để phá máy ATM, lấy tiền.

Làm gì để bảo vệ những “kho tiền trên đường phố”? ảnh 2

Máy ATM trên phố Trịnh Hoài Đức của Vietcombank bị bóng cây che phủ mất ánh sáng từ đèn đường

Cần nhiều lực lượng để bảo vệ "những kho tiền trên đường phố"

Nói về các phương thức bảo vệ ATM bằng các thiết bị điện tử, công nghệ cao hiện nay thì bà Nguyễn Thu Hà nhận định, giải pháp này cũng bộc lộ những điểm yếu vì dẫu sao máy móc vẫn chỉ là máy móc và "công nghệ nào thì có thủ đoạn đó". Bởi vậy đó không phải là giải pháp an toàn tuyệt đối mà phải kết hợp nhiều biện pháp để bảo vệ ATM.

Ngày 17/12/2010, Hiệp Hội Ngân hàng Việt Nam, Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm Bộ Công an tổ chức họp bàn về những giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm tấn công các máy ATM.

Thiếu tướng Nguyễn Tiến Lực - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm - Bộ Công an, cho rằng, cần đưa ra những hình thức xử lý nặng đối với hành vi phá hoại, cướp tiền trắng trợn từ máy ATM. Bộ Công an sẽ có văn bản chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ liên quan, Công an địa phương phối hợp với các ngân hàng trong việc đảm bảo an toàn cho ATM tại các địa bàn hoạt động, bổ sung máy ATM vào danh sách các điểm trọng yếu cần bảo vệ.
 

Các giải pháp mà bà Hà  cho rằng tới đây các ngân hàng phải thực hiện nhằm bảo vệ ATM là phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với lực lượng bảo vệ dân phòng, với lực lượng an ninh của Công an phường, Cảnh sát cơ động... để tăng cường bảo vệ ATM về đêm, đặc biệt từ 2 – 3h sáng, thời điểm vắng người nhất, người dân chìm sâu vào giấc ngủ.

Đồng thời với đó, các ngân hàng phải rà soát và tính toán lại các địa điểm ATM và bảo đảm ở những khu vực này ánh sáng phải đủ, không tạo cơ hội cho kẻ gian. Và đây mới là những giải pháp quan trọng nhất. Bên cạnh đó khảo sát, nghiên cứu hệ thống camera giám sát từ xa để lắp đặt. Nhưng hệ thống này phải không sử dụng điện để dẫn đến việc bị vô hiệu hóa một cách đơn giản mà có thể sử dụng nguồn "nhiên liệu" khác để kích hoạt sự hoạt động của máy. Hoặc lắp đặt hệ thống báo động để khi có hiện tượng cạy phá, va đập mạnh vào máy ATM sẽ có báo động ngay về trung tâm bảo vệ của ngân hàng...

Tuy nhiên, giải pháp cuối cùng mà bà Hà cho rằng quan trọng nhất, an toàn nhất đối với việc bảo vệ ATM là đẩy nhanh quá trình thực hiện phương thức thanh toán bằng thẻ trong xã hội thay vì lưu thông tiền mặt. Vì khi đó, máy ATM chỉ dùng để chuyển khoản, thanh toán, kiểm tra số dư... chứ không phải để rút tiền mặt như hiện nay. Nếu có, chỉ là những khoản tiền nhỏ lẻ, không đáng kể. Điều này cũng đúng với chủ trương của Chính phủ đã đặt ra.

Còn về phía các ngân hàng, sau khi xảy ra hàng loạt các vụ máy ATM bị phá, cũng xây dựng những giải pháp bảo vệ của riêng mình. Như Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank - VCB) cũng đang khẩn trương thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn cho khối tài sản nằm nơi công cộng của mình. Nhưng trước khi nói đến những biện pháp này, ông Trần Tuấn Phương, Phó giám đốc Trung tâm thẻ VCB, một người rất tường tận, hiểu "chân tơ kẽ tóc" về lĩnh vực ATM đã bổ sung về những nguyên nhân dẫn đến việc máy AMT bị phá hủy nhằm mục đích chiếm đoạt tiền mà bà Hà đã nhận định dưới góc độ chuyên môn của mình.

Ông Phương cho biết, mỗi máy ATM tự thân nó đã có những biện pháp riêng để tự bảo vệ như cấu tạo, bố cục máy... Thế nhưng hiện nay nhiều ngân hàng đã không chú trọng đến đặc điểm này mà chỉ quan tâm đến phát triển số lượng nên dẫn đến máy dễ dàng bị phá hỏng để lấy tiền. Minh chứng là ATM là sản phẩm thuộc công nghệ cao thế mà bị một thủ đoạn rất thủ công là dùng đèn khò để phá. Và trong trường hợp này, không thể không nghĩ đến chuyện "tiền nào của nấy". Những máy có chất lượng cao cũng có thể bị đập phá và chuyện này cũng đã xảy ra, nhưng vấn đề quan trọng nhất là kẻ gian không thể lấy được tiền.

Nguyên nhân thứ 2 cần bổ sung theo ông Phương đó là việc lắp đặt không tương đồng giữa cấu tạo máy và cách thức, vị trí lắp đặt. Vì hiện nay có nhiều loại máy ATM, mỗi loại máy được cấu tạo cho những môi trường, vị trí riêng. Thế nhưng nhiều ngân hàng lắp đặt thiếu lựa chọn cho nên đã tạo cơ hội cho kẻ gian phá máy lấy tiền...

Theo ông Phương, quan điểm của VCB trong việc bảo vệ ATM quan trọng nhất vẫn là lực lượng bảo vệ an ninh. Vì thế tới đây sẽ tăng cường nâng cao trách nhiệm, ý thức bảo vệ của lực lượng này, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Công an địa phương, lực lượng dân phòng... để bảo đảm an toàn cho máy ATM. Một giải pháp khác ông Phương cũng rất quan tâm đến mà ông đã khảo sát ở nước ngoài và muốn Việt Nam tham khảo đó là việc lắp đặt hệ thống phun mực ở máy ATM. Mục đích của hệ thống phun mực này là khi bị xâm nhập để lấy tiền ở hộp đựng trong máy ATM, tự động máy sẽ phun mực để những đồng tiền đó không còn giá trị sử dụng.

Tuy nhiên, theo ông Phương biện pháp này hiện tại chưa được phép dùng vì liên quan đến quy phạm pháp luật về hành vi "phá hủy đồng tiền quốc gia". Nếu muốn áp dụng, cần có những sửa đổi, bổ sung về mặt luật pháp.

Theo Tú Anh - Hoàng Thắng (ANTG)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm