Luật mới, vướng mắc cũ

Tại hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự năm 2010 tổ chức tại TP.HCM ngày 16-1, Bộ Tư pháp thẳng thắn nhìn nhận Luật Thi hành án dân sự đã có hiệu lực từ ngày 1-7-2009 nhưng việc chuẩn bị các văn bản hướng dẫn còn chậm so với yêu cầu. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành còn chưa đồng bộ, dẫn đến việc nhiều thông tư, thông tư liên tịch chưa được ban hành đúng tiến độ.

Chưa thích nghi với luật mới

Theo Bộ Tư pháp, Luật Thi hành án dân sự chứa đựng nhiều nội dung mới nên việc triển khai thi hành đòi hỏi phải làm rất nhiều việc như xây dựng văn bản hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ, rà soát đánh giá đội ngũ cán bộ…

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Hoàng Sỹ Thành cho biết từ tháng 11-2009, hệ thống tổ chức thi hành án dân sự đã vận hành theo chức năng, nhiệm vụ và tên gọi mới. Địa vị pháp lý của cơ quan thi hành án dân sự được nâng lên, đồng nghĩa với trách nhiệm nặng nề hơn. Tuy nhiên, một số cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo của các cơ quan thi hành án vẫn chưa thích nghi ngay với yêu cầu của nhiệm vụ mới.

Luật mới, vướng mắc cũ ảnh 1

Tình trạng quá tải công việc của chấp hành viên còn tồn tại ở hầu hết cơ quan thi hành án. Trong ảnh: Ðo đạc chuẩn bị thi hành án một trường hợp trả lại một phần nhà. Ảnh: HTD

Ở một khía khác, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Thanh Thủy, từ khi có luật mới, số lượng vụ việc xin ý kiến chỉ đạo và hướng dẫn nghiệp vụ gửi về Tổng cục tăng đáng kể. Tuy nhiên, nhiều công văn thỉnh thị của các địa phương không đảm bảo các yêu cầu về hình thức cũng như nội dung. Ông Thủy đề nghị các cơ quan thi hành án thực hiện đúng yêu cầu khi gửi hồ sơ xin ý kiến để Tổng cục dễ dàng hơn trong việc hướng dẫn nghiệp vụ.

Thiếu nhân sự, án tồn đọng nhiều

Nhìn lại năm 2009, theo Bộ Tư pháp, dù số việc và tiền thi hành xong vượt chỉ tiêu đề ra nhưng số việc thi hành án tồn đọng chuyển sang năm nay vẫn còn rất nhiều (gần 280.000 việc). Trong đó, số việc chưa có điều kiện thi hành lên tới gần 19.000 việc với tổng số tiền gần 17.200 tỉ đồng.

Những nguyên nhân của tình trạng này là do hệ thống pháp luật còn lỏng, năng lực cán bộ còn yếu, cơ quan thi hành án chưa phối hợp chặt chẽ với các cơ hữu quan, đương sự chây ì… Trong đó, nguyên nhân nan giải nhất dẫn đến số vụ việc tồn đọng lớn phải kể đến vấn đề nhân sự.

Cụ thể, tình trạng quá tải công việc của chấp hành viên còn tồn tại ở hầu hết cơ quan thi hành án, nhất là ở các tỉnh/thành lớn và ở các tỉnh rộng có địa bàn chia cắt. Việc nhiều, người ít nhưng chế độ, chính sách thu hút cán bộ thi hành án lại chưa hợp lý, còn nhiều bất cập. Vì vậy, số lượng vụ việc ngày càng tăng nhưng số lượng cán bộ xin nghỉ việc, chuyển công tác hoặc nghỉ hưu non ngày càng nhiều.

Muốn giải quyết vướng mắc thì cần sự triển khai một đề án chung của cả Bộ Tư pháp, cấp ủy và chính quyền địa phương. Như vậy chúng ta cần phải có thời gian và không thể làm ngay được. Chúng ta sẽ phải đi từ cán bộ đến cơ sở vật chất.

Ông NGUYỄN ĐỨC CHÍNH,
Thứ trưởng Bộ Tư pháp

Cần tuyển người có năng lực, có tâm, có tầm nhìn và đủ tầm để đứng đầu một Cục Thi hành án dân sự.

Ông NGUYỄN QUANG THÁI,
Trưởng phòng tổ chức Tổng cục
Thi hành án dân sự

Án tồn đọng rất khó nói. Như tỉnh chúng tôi bây giờ chỉ có án không thi hành được chứ nói tồn đọng thì rất tội nghiệp cho các chấp hành viên. Theo tôi, án có khả năng thi hành mà chấp hành viên không tổ chức thực hiện thì mới gọi là tồn đọng. Chúng ta cần giải quyết vấn đề này trước.

Ông HỒ QUANG VINH,  Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định

Chúng ta không chỉ tuyển dụng cán bộ thi hành án là cử nhân. Nếu cần thiết chúng ta vẫn có thể tuyển trung cấp nếu các em có năng lực.

Ông BÙI ĐĂNG THỦY, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Dăk Lăk

Ở một số nơi, nhất là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, thậm chí nhiều tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu nguồn tuyển dụng. Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Dăk Lăk Bùi Đăng Thủy băn khoăn: “Tôi thấy các sinh viên luật khi ra trường hầu như không có nguyện vọng về làm thi hành án. Không hiểu do các em ngại khổ, ngại khó hay còn nguyên do nào khác nữa”. Ông đề nghị: “Sở Tư pháp nên thường xuyên kiểm tra hoạt động tuyển dụng của các địa phương để có biện pháp khắc phục ngay lập tức”.

Ngoài ra, việc bổ nhiệm chấp hành viên ngạch sơ cấp, trung cấp, cao cấp theo Luật Thi hành án dân sự còn chậm. Tình trạng cơ quan thi hành án thiếu thủ trưởng vẫn chưa được khắc phục. Tính đến nay, cả nước vẫn còn tới chín đơn vị thiếu trưởng thi hành án dân sự (kết thúc năm 2008 là 11 đơn vị).

Giải quyết khiếu nại: Còn vi phạm

Năm 2009, tình trạng khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự vẫn còn nhiều, trong đó có hàng chục vụ phức tạp, gay gắt, kéo dài. Hai địa phương có nhiều đơn thư khiếu nại nhất là TP.HCM và Hà Nội.

Báo cáo của Bộ Tư pháp cho rằng điểm nổi bật trong năm nay là Bộ đã chỉ đạo quyết liệt, giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo nên đã đạt kết quả rất cao (hơn 93%).

Dù vậy, theo ông Nguyễn Thanh Thủy vẫn còn tồn tại nhiều vi phạm trong lĩnh vực này: Một số vụ việc khiếu nại, tố cáo bị cơ quan thi hành án từ chối thụ lý thiếu căn cứ, hay chưa thực hiện đúng hình thức, vượt quá thời hạn, thời hiệu. Những vi phạm này cần phải được giải quyết triệt để nhằm tránh làm giảm lòng tin của nhân dân và dẫn đến tình trạng khiếu nại vượt cấp, kéo dài, thậm chí xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Một số vụ giải quyết khiếu nại chưa đúng

- Bà NTQ vừa khiếu nại việc chậm tổ chức thi hành án, vừa tố cáo chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện H. vòi vĩnh bà bồi dưỡng 2 triệu đồng để giải quyết nhanh. Sau đó, Chi cục Thi hành án dân sự huyện H. ra một quyết định giải quyết cả hai nội dung khiếu nại của bà Q. là không phù hợp.

- Bà ĐTN khiếu nại chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự kê biên tài sản sai đối tượng. Quyết định giải quyết khiếu nại của Chi cục Thi hành án đúng về hình thức nhưng nội dung quá sơ sài, chỉ vỏn vẹn mấy dòng: “Trên cơ sở xác minh cho thấy khiếu nại của bà N. không có cơ sở. Do đó quyết định bác đơn của bà N.”. Việc Chi cục không nêu các căn cứ, lý lẽ chứng minh kết luận của mình là hoàn toàn không có sức thuyết phục.

- Bà LTTH khiếu nại chấp hành viên bê trễ trong việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án. Giải quyết, cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh T. đã ra quyết định chấp nhận khiếu nại nhưng chỉ vài ngày sau lại ra quyết định sửa đổi, bổ sung quyết định trên theo hướng… bác đơn.

THANH LƯU - PHAN THƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm