Luật sư không được… chơi xấu đồng nghiệp

Theo dự thảo quy tắc đạo đức luật sư, trong quan hệ với các cơ quan tố tụng, luật sư không được dùng lời lẽ mang tính chỉ trích, xúc phạm cá nhân trong tranh tụng tại tòa, không được lợi dụng tư cách hành nghề để phát biểu lung tung, không được tự ý bỏ phiên tòa ra về…

Lịch sự, tôn trọng cán bộ tố tụng

Trong thực tế đã xảy ra nhiều vụ luật sư gây hấn với cán bộ tố tụng, vi phạm nội quy phiên tòa như tự ý bỏ về ngang, đập bàn đập ghế hoặc có thái độ không nghiêm túc, thậm chí là xúc phạm HĐXX... Nhiều người còn nhớ chuyện trong phiên xử phúc thẩm vụ giết hại nghệ sĩ nhiếp ảnh Trọng Thanh, ba luật sư bào chữa cho bị cáo đồng loạt phản đối tòa bằng cách bỏ ra về sau khi tòa từ chối yêu cầu giám định lại kết luận pháp y khiến phiên tòa phải hoãn.

Theo luật sư Nguyễn Minh Tâm, Đoàn Luật sư TP.HCM, khi tham gia tố tụng, luật sư phải nghiêm chỉnh chấp hành nội quy và các quy định liên quan. Đó là tác phong lịch sự, là hợp tác theo đúng chức năng của luật sư và tôn trọng cán bộ tố tụng. Luật sư không được lợi dụng tư cách luật sư phát biểu những lời lẽ kích động nhằm hạ thấp uy tín của cán bộ tố tụng.

Còn nếu cán bộ tố tụng “gây hấn”, o ép, làm khó và có những lời lẽ xúc phạm luật sư thì sao? Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Long An Nguyễn Thế Phong cho rằng trong mọi trường hợp luật sư đều nên giữ thái độ bình tĩnh, không nên ăn thua ngay lúc đó. Bởi đằng sau hoạt động tố tụng còn cả một cơ chế bảo vệ những người tiến hành tố tụng, người bào chữa. Luật sư nên làm văn bản kiến nghị phản ánh thái độ, hành vi sai trái của cán bộ tố tụng, cơ quan tố tụng đến các cơ quan chức năng để họ xem xét, giải quyết.

Luật sư không được… chơi xấu đồng nghiệp ảnh 1

Tôn trọng  đồng nghiệp là một trong những quy tắc đạo đức luật sư. Ảnh minh họa: HTD

Không tranh khách của đồng nghiệp

Luật sư Nguyễn Minh Tâm cho biết hiện có rất ít quy phạm pháp luật điều chỉnh mối quan hệ giữa các luật sư với nhau. Thực chất, quan hệ đồng nghiệp là quan hệ đạo đức, thái độ ứng xử. Đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi mỗi luật sư phải coi uy tín của đồng nghiệp, uy tín của giới luật sư là uy tín của chính mình.

Trước đó, nhiều luật sư cũng góp ý về cách hành xử giữa các luật sư với nhau. Luật sư Nguyễn Huy Thiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, nói: “Luật sư phải tôn trọng đồng nghiệp, không được xúc phạm hoặc hạ thấp uy tín của đồng nghiệp, không được dùng thủ đoạn để chiếm lợi thế, không được thông đồng với nhau gây thiệt hại cho khách hàng...”.

Lần này, dự thảo đạo đức luật sư cũng đã quy định khá rõ về vấn đề này. Đơn cử, luật sư không được tìm cách tiếp xúc với khách hàng đối phương mà không có mặt đồng nghiệp bảo vệ cho khách hàng đó. Không được dùng thủ thuật không ngay thẳng với đồng nghiệp trong khi tranh tụng tại tòa. Không được môi giới lấy tiền hoa hồng khi giới thiệu khách hàng cho đồng nghiệp việc mà mình không đảm nhận. Không được dùng các thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh để giành giật khách hàng…

Không nên “đánh bóng” thái quá

Dự thảo đạo đức luật sư không cấm các luật sư quảng bá thương hiệu, tên tuổi, hình ảnh... vì đây là một cách để luật sư tìm kiếm khách hàng. Tuy nhiên, việc quảng cáo của luật sư phải trung thực, minh bạch rõ ràng, không gây nhầm lẫn. Việc đặt thương hiệu, biểu tượng, logo của luật sư, tổ chức luật cũng không được gây phản cảm, làm ảnh hưởng đến văn hóa, lịch sử, thuần phong mỹ tục hoặc lợi ích quốc gia, dân tộc.

Luật sư Trương Xuân Tám, Ủy viên Hội đồng Liên đoàn Luật sư toàn quốc, không ủng hộ việc nhiều luật sư đăng tải, phát sóng phát hình quảng cáo liên tục với cường độ dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Dù rằng không ai cấm nhưng làm nghề luật sư thì không nên khuếch trương kiểu đó. Chỉ cần quảng cáo giới thiệu về mình qua những yếu tố cơ bản như địa chỉ văn phòng, lĩnh vực chính… là vừa phải. Luật sư Tám cho rằng “nên chọn cách quảng cáo lịch sự, nhẹ nhàng ở mức độ vừa phải để khách hàng tiện tiếp cận mà vẫn chấp nhận được”.

Những việc luật sư không được làm với các cơ quan tố tụng

- Câu kết qua trung gian hoặc trực tiếp quan hệ với người tiến hành tố tụng nhằm lôi kéo họ vào việc làm trái pháp luật trong giải quyết vụ việc.

- Cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ mà luật sư nghi là sai sự thật hoặc thực hiện những hành vi khác với mục đích lừa dối cơ quan tố tụng.

- Tự mình hoặc giúp khách hàng làm những việc bất hợp pháp nhằm trì hoãn hoặc gây khó khăn cho người tiến hành và cơ quan tố tụng trong khi giải quyết vụ việc.

- Dùng lời lẽ mang tính chất chỉ trích xúc phạm cá nhân trong tranh tụng tại tòa.

- Lợi dụng tư cách người tham gia tố tụng tại tòa để phát biểu những lời làm thỏa mãn tâm lý, mục đích cá nhân, xâm hại đến lợi ích chung của xã hội, nhân dân.

- Phản ứng tiêu cực tự ý bỏ phiên tòa ra về làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của khách hàng.

- Phát biểu sai sự thật trên các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề luật sư đảm nhận nhằm ảnh hưởng xấu đến người tiến hành và các cơ quan tố tụng.

(Trích dự thảo Quy tắc đạo đức luật sư)

Phải nâng tầm luật sư

Các đồng chí phải tham gia mạnh trong cải cách tư pháp, đóng góp ý kiến cho các diễn đàn tư pháp để sao cho ý kiến đóng góp của các đồng chí phải là ý kiến hay nhất… thì tự khắc “hữu xạ tự nhiên hương”. Phải làm sao nâng được thế của luật sư lên.

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng phát biểu tại buổi gặp mặt lãnh đạo Liên đoàn Luật sư  Việt Nam đầu tháng 3

Không để luật sư bị lợi dụng

Thời gian qua, việc một số luật sư vi phạm đạo đức, pháp luật bị xử lý là điều rất đáng tiếc. Trong quá trình hội nhập sâu rộng với quốc tế sắp tới, Liên đoàn Luật sư Việt Nam giữ vững, kiên định đường lối đã đề ra, không để luật sư bị lợi dụng, dụ dỗ, mua chuộc lôi kéo.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp HÀ HÙNG CƯỜNG phát biểu tại hội nghị tổng kết năm 2009 của Hội đồng Luật sư toàn quốc vào cuối tháng 1

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm