Luật sư làm rầu thân chủ - Bài 1: Tiền thầy bỏ túi

Mỗi khi đụng việc liên quan đến pháp luật, người dân thường cậy nhờ luật sư giúp đỡ, bảo vệ pháp lý. Bên cạnh rất nhiều luật sư tận tâm, có trách nhiệm với khách hàng cũng có không ít luật sư bắt chẹt, tìm mọi cách rút tiền thân chủ...

Ứng tiền, dzọt mất

Trên thực tế, để nhận được thù lao, luật sư phải lao tâm khổ tứ nghiên cứu hồ sơ, đi lại, quan hệ lo vụ việc của thân chủ. Những hoạt động này rất khó định tên nên có những luật sư nhận tiền ứng trước của thân chủ rồi chẳng làm gì nhưng vẫn vin vào đó để biện hộ rằng “tôi đã làm hết khả năng”.

Năm rồi, luật sư D. (Đoàn Luật sư tỉnh Q.) vào “ngồi ké” một văn phòng luật sư ở quận Gò Vấp (TP.HCM) và ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với ông L. Hai bên thỏa thuận sẽ “cưa đôi” khoản tiền gần 6 tỉ đồng nếu đòi được nợ. Đòi được đến đâu, “cưa” đến đó và ông L. đã ứng trước 30 triệu đồng cho luật sư...

Sau đó, ông L. không thấy vụ đòi nợ của mình tiến triển gì. Ông tìm đến văn phòng luật sư ở Gò Vấp dọ hỏi thì luật sư D. đã bỏ đi mất tăm. Liên lạc theo số điện thoại của luật sư cũng không ai nhấc máy. Trong một lần gặp hiếm hoi trên điện thoại, luật sư bảo rằng mình đã làm hết trách nhiệm như làm giúp đơn gửi công an, nghiên cứu hồ sơ nên 30 triệu đồng ứng trước vẫn... chưa đủ. Đến nay ông L. vẫn ấm ức vì không thể lấy lại tiền bởi chẳng biết tìm luật sư ở đâu.

Luật sư làm rầu thân chủ - Bài 1: Tiền thầy bỏ túi ảnh 1

Ảnh minh họa: HTD

Lấy tiền, không làm

Vụ khác, gần đây, TAND TP Thanh Hóa đã tuyên buộc luật sư LTH (Trưởng Văn phòng luật sư V.H) phải trả cho bà Nguyễn Thị Hội 14,5 triệu đồng. Theo đơn kiện của bà Hội, ngày 14-4-2005, bà và luật sư H. ký hợp đồng để luật sư H. bảo vệ bà trong một vụ tranh chấp đất. Sau đó, luật sư H. đã ứng trước của bà 19,5 triệu đồng. Sau một thời gian dài, luật sư H. không thực hiện đúng theo hợp đồng nên bà yêu cầu hủy hợp đồng và đòi luật sư trả lại tiền nhưng luật sư H. không chịu...

Ðòi cưa giá trị di sản

Năm trước, bà D. ở quận Thủ Đức (TP.HCM) kiện người hàng xóm lấn chiếm đất đai. Được người quen giới thiệu, bà nhờ luật sư T. (Đoàn Luật sư TP.HCM) giúp đỡ. Những tưởng có mối men giới thiệu thì sẽ được ưu ái, nào ngờ bà D. phải xây xẩm mặt mày khi nghe luật sư đòi thù lao trọn gói 100 triệu đồng và yêu cầu ứng trước 50 triệu.

Nhắm không xong, bà tìm cớ cáo lui rồi đi tìm hai luật sư khác... dọ giá. Bà kể: “Thật bất ngờ, một luật sư nói thù lao chỉ 12 triệu đồng, luật sư kia lấy 10 triệu đồng”. Bà thắc mắc hỏi vì sao lại chỉ có giá đó thì hai luật sư cho hay vụ bà nhờ họ thấy lấy như vậy là hợp lý.

Vụ khác, sau khi chồng chết, bà T., ngụ tỉnh Q. bị cha mẹ chồng kiện đòi chia căn nhà của vợ chồng bà nên nhờ luật sư A. bảo vệ. Vụ việc đơn giản vì quy định đã rõ, lẽ ra chỉ lấy một mức thù lao tương xứng thì luật sư lại đòi “cưa” theo tỉ lệ % giá trị di sản mà bà T. được nhận. Không hiểu biết, bà T. đồng ý và ứng trước cho luật sư 10 triệu đồng chi phí đi lại, nghiên cứu hồ sơ.

Chỉ khi tìm đến một trung tâm tư vấn pháp luật miễn phí, bà T. mới hiểu mình cùng hai con và cha mẹ chồng là đồng thừa kế. Ngoài nửa căn nhà đương nhiên được hưởng, bà còn có 1/5 trong nửa căn nhà còn lại. Vì thế, bà vội vàng xin “kiếu” luật sư dù biết mất 10 triệu đồng ứng trước.

Thân chủ nợ “trăm cây”

Chuyện luật sư đòi thù lao cao ngất ngưởng còn gây ra những hệ lụy đáng buồn. Ba năm trước, ông L. bị luật sư A. kiện ra TAND quận 5
(TP.HCM) đòi món nợ 150 lượng vàng. Tại tòa, ông L. khẳng định món nợ này thực chất là thù lao để luật sư lo thủ tục, chi phí hợp thức hóa giấy tờ nhà cho ông. Để ràng buộc, luật sư yêu cầu ông ký giấy nợ khống 150 lượng vàng. Làm xong giấy tờ nhà, phát hiện khoản thù lao luật sư đòi quá cao, ông không trả thì bị kiện.

TAND quận 5 đã buộc ông L. phải trả cho luật sư 171 lượng vàng cả gốc lẫn lãi. Ông L. kháng cáo, được TAND TP hủy án. Xử sơ thẩm lần hai, hai bên thỏa thuận là ông L. trả cho luật sư hơn 1,2 tỉ đồng (khoảng 100 lượng vàng). Sau vụ này, dù thắng kiện nhưng luật sư A. đã bị Đoàn Luật sư TP xóa tên vì hét thù lao quá cao và vi phạm đạo đức nghề nghiệp khi “dụ” thân chủ ký giấy nợ thay cho thù lao thỏa thuận.

“Tui là thân chủ mà như... của nợ”

Mỗi lần nhắc đến luật sư của mình, bà N. ở quận Tân Phú (TP.HCM) đều lắc đầu ngao ngán: “Luật sư gì kỳ quá. Tui sợ gặp ổng lắm”.

Bà kể luật sư này giúp bà trong một vụ kiện về đất đai. Nóng lòng vì vụ việc kéo dài mấy năm nay, bà nhiều lần lên hỏi thăm nhưng mỗi lần thấy bà đến là luật sư cho người khác ra tiếp. Những lần hiếm hoi được gặp thì luật sư rất hay gắt gỏng, thậm chí có lần còn nói như rủa: “Bà lôi thôi quá, cứ chờ tòa làm đi”...

Bà N. cho biết: “Tui là thân chủ, ổng lấy tiền công cũng bộn nhưng làm tui có cảm giác như mình là thứ của nợ. Nhiều cái tui muốn biết, lẽ ra phải giải thích cho tui hiểu thì ổng hổng nói gì hết, chưa nói được mấy câu đã đuổi về”... Hỏi sao không nhờ luật sư khác cho nhẹ lòng, bà lại than: “Tiền bạc tôi đưa ổng hết rồi, giờ bỏ ngang không đặng”!

Luật sư bị pháp luật “sờ gáy”

- Tháng 10-2009, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã đề nghị truy tố giám đốc Công ty Luật Chính Tâm (Hà Nội) Nguyễn Ngọc Chính và luật sư tập sự Trần Thị Ngọc Tú về hai tội làm môi giới hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Một năm trước, công an bắt quả tang Chính, Tú nhận 200 triệu đồng của gia đình Lý Chí Trung (quốc tịch Trung Quốc) để chạy án cho bị can này trong một vụ buôn bán tân dược lậu.

- Tháng 8-2009, TAND TP Hà Nội đã phạt Lê Quốc Trung, cựu luật sư Đoàn Luật sư TP Hà Nội 13 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Từ tháng 8-2007 đến tháng 6-2008, Trung đã lừa của người quen, thân chủ cũ gần 2 tỉ đồng.

- Tháng 4-2009, luật sư K. (Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng) đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đó, K. được bà N. nhờ bảo vệ trong một vụ đòi nợ. Tòa chưa thụ lý nhưng K. vẫn hối thúc thân chủ gửi gấp một khoản tiền lớn “để đề nghị tòa kê biên nhà của bị đơn”, sau đó làm giả phiếu thu nộp tiền tạm ứng án phí, phiếu thu ghi nộp tiền kê biên khẩn cấp tạm thời để lấy 200 triệu đồng. Bà N. phát hiện ra, nhiều lần đòi tiền nhưng hơn một năm sau mới lấy lại được 75 triệu đồng.

- Tháng 1-2008, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã y án 29 năm tù đối với Lê Bảo Quốc, cựu luật sư Đoàn Luật sư tỉnh Hà Tĩnh về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, đưa hối lộ... Năm 2005, cơ quan điều tra Bộ Công an bắt quả tang Quốc đang nhận 2 tỉ đồng và 30.000 USD từ một đương sự với lời hứa sẽ “chạy” thi hành một bản án dân sự phúc thẩm.

PV

NHÓM PV TÒA ÁN

Kỳ tới: Những độc chiêu moi tiền của luật sư "lôm côm" 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm