Luật sư “phản” thân chủ, được không?

Ngày 30-8 tới, TAND tỉnh Cà Mau sẽ xử phúc thẩm lần hai vụ tranh chấp tài sản chung của vợ chồng giữa ông Lê Văn Xiêm với bà Nguyễn Thị Lẹ cùng ngụ phường 2 (TP Cà Mau). Vụ án này rất nổi tiếng tại địa phương trong nhiều năm qua bởi số tài sản tranh chấp lên đến hàng trăm tỉ đồng, các bên mâu thuẫn quá nặng nề. Chưa hết, trong phiên xử sơ thẩm lần đầu còn xuất hiện một tình huống hi hữu: Luật sư của ông Xiêm bất ngờ “phản” thân chủ…

Đề nghị tòa bác đơn của thân chủ

Theo hồ sơ, sau 27 năm cưới nhau, năm 1999, bà Lẹ cho rằng mình và ông Xiêm bất đồng quan điểm, không thể sống chung nên khởi kiện xin ly hôn. Tòa chưa xử, bà Lẹ rút đơn nên tòa đình chỉ giải quyết vụ án.

Ba năm sau, ông Xiêm tạt acid bà Lẹ gây thương tật 69%. Tuy nhiên, ông Xiêm được kết luận là mang bệnh tâm thần nên không phải chịu trách nhiệm hình sự, chỉ bị buộc đi điều trị bệnh tâm thần.

Luật sư “phản” thân chủ, được không? ảnh 1

Bình phục, năm 2004, ông Xiêm khởi kiện xin ly hôn với bà Lẹ. Ngày 30-12-2005, TAND TP Cà Mau đã xử sơ thẩm vụ ly hôn này. Tại phiên tòa, luật sư ĐHQ (Đoàn Luật sư tỉnh Cà Mau, người bảo vệ cho ông Xiêm)  phân tích rằng vết thương của bà Lẹ do ông Xiêm gây ra nên việc ông Xiêm yêu cầu ly hôn là chưa phù hợp với đạo đức và pháp luật.

Từ đó, luật sư Q. đã đề nghị tòa bác yêu cầu khởi kiện của thân chủ - một đề nghị chưa từng xảy ra trong lịch sử tố tụng Việt Nam. Sau đó, tòa đã tuyên đúng như đề nghị của luật sư Q.

“Tôi đã xin lỗi, trả lại tiền”

Ngày 28-8, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư Q. kể ông nhận lời bảo vệ cho ông Xiêm sau khi TAND TP Cà Mau đã thụ lý vụ án. Sau đó, ông đã tốn nhiều công sức để đi xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ. Trước khi tòa đưa vụ án ra xét xử, ông nhận được thông tin là bà Lẹ - vợ ông Xiêm vẫn đang phải nằm điều trị những vết thương do bị ông Xiêm tạt acid gây ra tại Thái Lan, khác với những gì mà ông Xiêm nói với ông.

“Từ thông tin này, tôi dự định ra trước tòa sẽ đề nghị chung chung rằng tòa xem xét, quyết định. Nhưng khi ra trước tòa, nghe các con của bà Lẹ kể về bệnh tình của mẹ, tôi đã bị xúc động mạnh và không kiềm chế được nên đã đề nghị tòa bác yêu cầu xin ly hôn của ông Xiêm. Đây là một sai lầm, một sự cố nghề nghiệp của tôi. Sau phiên tòa, tôi đã xin lỗi và trả lại toàn bộ số tiền dịch vụ pháp lý đã nhận cho ông Xiêm”.

Giới luật sư nói sao?

Đây là một tình huống hi hữu trong hoạt động hành nghề của giới luật sư Việt Nam, thậm chí là cả trên thế giới. Xung quanh chuyện này, chúng tôi đã nhận được những luồng quan điểm khác nhau.

Theo luật sư Nguyễn Thế Phong (Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát đạo đức nghề nghiệp, khen thưởng, kỷ luật của Liên đoàn Luật sư Việt Nam), hành động của luật sư Q. có thể thông cảm được. Bởi làm nghề luật sư thì ngoài nghĩa vụ bảo vệ khách hàng còn có trách nhiệm bảo vệ sự thật, bảo vệ công lý. “Về lý thì hành động của luật sư Q. vi phạm cam kết với thân chủ nhưng xét về tình thì cũng đáng suy nghĩ. Luật sư Q. chỉ sai lầm ở thời điểm từ chối bảo vệ khách hàng. Lẽ ra ông nên chấm dứt hợp đồng ngay từ khi phát hiện ra những sự thật trái với thông tin thân chủ cung cấp chứ không phải đợi đến “phút 89” mới phát biểu quan điểm gây bất lợi cho thân chủ” - luật sư Phong nhận xét.

Ngược lại, luật sư Trương Trọng Nghĩa (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) khẳng định dứt khoát luật sư không được vì bức xúc mà phát biểu ngược lại với yêu cầu của thân chủ, gây bất lợi cho thân chủ, ngay cả khi việc nói ngược này phù hợp với đạo đức. Bởi một nguyên tắc hành nghề cơ bản của giới luật sư từ xưa tới nay không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới là không được làm những gì bất lợi cho khách hàng mà mình nhận bảo vệ.

“Đúng ra khi phát hiện thông tin mới tại tòa, luật sư Q. phải đề nghị xin hoãn xử rồi sau đó trao đổi thẳng với thân chủ là “tôi không bảo vệ cho anh nữa vì anh đã lừa dối tôi”. Khi luật sư phát hiện một điều vi phạm đạo đức mà dừng lại là tốt nhưng từ chối cũng phải có cách phù hợp chứ không nên phản ứng thẳng thừng gây bất lợi cho thân chủ ngay tại tòa. Theo luật, trường hợp này khách hàng có thể kiện luật sư đòi bồi thường vì làm ảnh hưởng đến uy tín, gây thiệt hại cho mình” - luật sư Nghĩa nói.

Đồng tình, luật sư Hoàng Kim Vinh (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước) phân tích: Vào thời điểm năm 2005 thì chưa có bộ quy tắc ứng xử đạo đức của nghề luật sư nhưng mỗi đoàn luật sư đều ban hành các nguyên tắc ứng xử riêng dựa trên bộ quy tắc mẫu do Bộ Tư pháp ban hành. Trong đó luôn có một quy định bất di bất dịch là luật sư phải đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết khi lợi ích đó hợp pháp. Chưa kể, Pháp lệnh Luật sư có hiệu lực thi hành lúc đó cũng có điều khoản quy định luật sư không được làm trái với quyền lợi của khách hàng.

Theo luật sư Vinh, trong trường hợp trên, yêu cầu xin ly hôn của ông Xiêm là hợp pháp. Chuyện ông ta gây thương tích nặng cho vợ trước đó chỉ là một tình tiết tòa cần xem xét. Còn để chấp nhận cho ly hôn hay không thì tòa phải dựa theo các quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình. Việc luật sư Q. bức xúc “phản” thân chủ tại tòa là trái nguyên tắc hoạt động nghề nghiệp.

Tranh chấp hàng trăm tỉ đồng

Năm 2006, ông Xiêm tiếp tục khởi kiện đòi chia tài sản chung, còn bà Lẹ phản tố xin ly hôn và chia tài sản. Theo khai báo của ông Xiêm, ông và bà Lẹ có 446 hột xoàn và 20 phần tài sản khác là đất đai, nhà cửa, tiền gửi ngân hàng, tiền vốn tại các cơ sở kinh doanh. Trong đó, nhiều khối tài sản ông Xiêm khai là để cho các con, mẹ vợ đứng tên.

Ra tòa, ông Xiêm và bà Lẹ chỉ thống nhất được bốn căn nhà và một thửa đất tại trung tâm TP Cà Mau. Các phần tài sản còn lại thì bà Lẹ cho rằng hoặc ông Xiêm khai khống hoặc bà đã bán để điều trị các vết thương do ông Xiêm gây ra. Còn phía ông Xiêm thì nói bà Lẹ cố tình tẩu tán tài sản chung...

Với một khối tài sản khổng lồ lên đến hàng trăm tỉ đồng và những mối quan hệ sở hữu - quản lý - sử dụng chằng chịt, thêm nữa hai bên nguyên, bị đều không cung cấp được đầy đủ chứng cứ, hàng chục nhân chứng thì khai báo mâu thuẫn, trước sau bất nhất đã khiến các cấp tòa lúng túng.

Năm 2009, trong phiên sơ thẩm lần đầu, ông Xiêm được chia số tài sản trị giá hơn 10 tỉ đồng. Đến phiên phúc thẩm lần đầu, ông được chia số tài sản trị giá trên 20 tỉ đồng. Năm 2011, TAND Tối cao đã hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm vì cả hai cấp tòa đều có sự sơ suất, thiếu xác minh, đối chất. Đến tháng 4-2012, TAND TP Cà Mau xử sơ thẩm lần hai chỉ chia cho ông Xiêm số tài sản trị giá 1,2 tỉ đồng.

TRẦN VŨ - THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm