Mái nhà chung của các cụ già

“Trung tâm nằm gần biển. Mấy ngày trước, gió mùa từ biển ùa về lại làm các cụ giật mình trở giấc. Để phòng gió độc ảnh hưởng đến sức khỏe các cụ, chúng tôi phải đóng các cửa, giờ lại đưa các cụ ra tắm nắng”. Ông Nguyễn Quang Bi, Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng và Chăm sóc người có công TP Đà Nẵng, mở đầu câu chuyện trong khi nhân viên điều dưỡng của trung tâm đang đưa từng cụ ra ngồi dưới tán cây phơi nắng ban mai.

Điểm tựa cuối đời

Theo ông Bi, hiện Trung tâm Điều dưỡng và Chăm sóc người có công TP Đà Nẵng đang nuôi dưỡng, chăm sóc cho 57 cụ từ 70 đến trên 100 tuổi là người Quảng Nam, Đà Nẵng từng tham gia cách mạng. Hầu hết các cụ đều không còn người thân. Trong đó có hai cụ là lão thành cách mạng, bốn cụ là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, còn lại là thương bệnh binh không nơi nương tựa.

“Chiến tranh kết thúc, chồng con, anh em, người thân các cụ hy sinh hết. Trung tâm trở thành điểm tựa cuối đời của các cụ. Khi còn minh mẫn, thỉnh thoảng các cụ lại bảo khi chết sẽ về quê. Nhưng giờ thì các cụ lắc đầu, không muốn về quê nữa mà nói trung tâm này chính là quê nhà” - ông Bi kể.

Cao tuổi nhất trung tâm là cụ Nguyễn Thị Sửu (quê ở xã Đại Sơn, Đại Lộc, Quảng Nam). Cụ Sửu năm nay đã 105 tuổi, vào an dưỡng ở trung tâm 20 năm nay. Cụ là lão thành cách mạng hoạt động từ thời đầu kháng chiến chống Pháp. Chồng, con, anh chị em của cụ đều đã hy sinh vì phụng sự Tổ quốc. Cụ Sửu đang ngồi với người bạn già Võ Thị Kiều (101 tuổi, quê ở huyện Hiệp Đức, Quảng Nam). Cụ Sửu đang cố nói gì đó với cụ Kiều nhưng cụ Kiều nghểnh tai, nghe câu được, câu mất. Người nghe cứ phải nén cười trước cảnh hai cụ bỏm bẻm đối đáp nhau theo kiểu “kẻ nói gà, người nói vịt”.

Mái nhà chung của các cụ già ảnh 1

Đôi bạn cao niên - cụ Nguyễn Thị Sửu (trái, 105 tuổi) và cụ Võ Thị Kiều (101 tuổi) - cùng gắn bó, sẻ chia suốt 20 năm nay. Ảnh: LÊ PHI

“Trò chuyện không đầu không đuôi thế mà các cụ đã nói với nhau 20 năm nay rồi. Các cụ muốn nhìn thấy nhau để cùng ăn trầu, hút thuốc. Hễ có cụ nào về với tiên tổ là các cụ còn lại chẳng chịu ra khỏi giường” - ông Trần Công Be, Giám đốc trung tâm, cho biết.

Ông Be ghé miệng sát tai cụ Sửu và cụ Kiều nói to: “Anh này vào là để bắt các cụ vì tội hoạt động cách mạng. Các cụ khai báo thì họ tha”. Cụ Kiều vốn nặng tai, nghe loáng thoáng từ “bắt bớ” liền quay lại nhìn tôi nguýt dài một cái rồi… quay mặt đi chỗ khác, làm như không thèm chấp. Cụ Sửu thì khác, cụ đốp lại liền: “Mệ có phạm pháp đâu mà bắt. Cậu không tin hỏi anh Be thì biết!”. Chúng tôi châm thuốc cho hai cụ hút. Cụ Sửu nói: “Cảm ơn” rồi bập bập điếu thuốc, phà ra một hơi và… cười: “Tổ cha bay!”.

Ông Be cười hì hì: “Cụ mắng yêu mình đấy. Hai cụ hút thuốc từ lúc 4-5 tuổi lận. Bập bập riết nên nghiện, giờ không bỏ được. Các cụ bảo không có ăn còn chịu được chứ không có thuốc là thua”.

Trong trung tâm, cụ Kiều là trường hợp đặc biệt. Tuổi đôi mươi cụ yêu và cưới chồng ở quê. Một thời gian sau chồng tập kết ra Bắc. Biền biệt vì chiến tranh chia cắt nên vợ chồng cụ mất liên lạc. Chồng ở lại miền Bắc cưới vợ mới và có con, còn cụ một dạ thủy chung trông ngóng tin chồng cho đến già. Cụ vào trung tâm và được chăm sóc hơn 25 năm nay. Mấy năm trước, con riêng của chồng ở Thanh Hóa có tìm ghé thăm cụ nhưng họ nghèo quá, cụ còn phải cho tiền tàu xe để họ ra quê.

“Cụ có muốn về quê không ạ?” - tôi hỏi. Nghe tới từ “quê”, cụ Kiều dụi mắt lắc đầu, rồi cụ khoát tay bảo: “Đây là quê chứ đâu!”.

Chung một nhà thờ

Theo ông Trần Công Be, trung tâm cũng có một vài cụ có con nhưng hoàn cảnh không cho phép họ chăm lo cho các cụ. Trong số các cụ này thì cụ ông Nguyễn Mùi và cụ bà Lâm Thị Cống (đều đã 95 tuổi) là những người hạnh phúc nhất. Cụ Mùi còn có con gái, dù ở xa nhưng thỉnh thoảng con gái vẫn về thăm cụ. Năm nay con gái cụ Mùi lại ra trung tâm ở lại ăn tết cùng cha. Có con gái ở bên cụ Mùi phấn chấn hẳn lên...

Cụ Cống lại có ba người con trai và chồng là liệt sĩ. May mắn sao cụ còn cô con gái duy nhất là bà Nguyễn Thị Huệ (76 tuổi, cũng là một thương binh). Cụ Cống nằm xe lăn một chỗ mấy năm nay. Thương mẹ, bà Huệ làm đơn xin chuyển hẳn vào trung tâm để được chăm sóc và báo hiếu những ngày tháng ngắn ngủi còn lại của mẹ già.

“Các cụ đều không có người thân thờ cúng lúc nhắm mắt xuôi tay nên chúng tôi đã làm một nhà thờ chung để hương khói cho các cụ. Như thế, các cụ cảm thấy được an ủi và an tâm hơn. Đến ngày giỗ chạp, các cụ còn sống lại đến thắp hương, khấn vái như với chính người thân yêu ruột rà của mình” - ông Be chùng giọng.

Ngoài nhà thờ, trung tâm cũng xây dựng một nghĩa trang riêng biệt để các cụ cùng an nghỉ trong một khuôn viên chung. “Khi sống các cụ luôn có nhau, đến lúc thác các cụ lại được gần nhau ấm cúng. Sau này mệ cũng mong mình được như vậy” - cụ Trần Thị Hường (75 tuổi, quê ở Quế Sơn, Quảng Nam) tâm sự. Ở trung tâm, cụ Hường là người tương đối còn sức khỏe nên cụ tình nguyện hằng ngày quét dọn, chăm lo hương khói chung cho các cụ đã qua đời.

Giám đốc trung tâm Trần Công Be cho biết hằng năm trung tâm đều tổ chức mừng thọ cho các cụ. “Những ngày ấy, nhân viên điều dưỡng và cán bộ trung tâm sẽ tập trung chúc thọ các cụ trong không khí đầm ấm, sum vầy như trong một đại gia đình. Còn các cụ thì xem chúng tôi như con cháu trong nhà, cụ nào cũng cười hiền ấm áp” - ông Be nói.

Báo hiếu… người dưng

Trung tâm Điều dưỡng và Chăm sóc người có công TP Đà Nẵng hiện có 22 điều dưỡng, đa số họ là con em thương binh, liệt sĩ. Một số điều dưỡng cũng chẳng còn cha mẹ, người thân.

Chị Phan Thị Danh (46 tuổi) và chị Đặng Thị Hồng (47 tuổi) đều không còn cha mẹ, anh em từ lúc nhỏ. Cha mẹ của hai chị đã hy sinh trong chiến tranh nên từ nhỏ hai chị đã thiếu thốn tình cảm. Vì vậy, hai chị xin vào trung tâm để được chăm sóc những người mẹ, người cha đặc biệt của mình. Từ việc chăm bón từng muỗng cháo, thuốc thang đến việc tắm rửa, đổ bô, lau dọn… các chị đều không nề hà. Chị Hồng tâm sự: “Chị được một tuổi thì ba mẹ hy sinh. Lớn lên không có lấy một ngày để được báo hiếu. Vì vậy, chị xin vào đây để được phụng dưỡng các cụ. Đó cũng là cách để mình báo hiếu với cha mẹ. Mỗi lần nhìn các cụ, chị lại như thấy hình bóng của cha mẹ mình ùa về…”.

Với chị Nguyễn Thị Toàn, dù đã có gia đình với hai đứa con xinh xắn nhưng chị vẫn gắn bó, chăm sóc các cụ hơn 16 năm nay. Ngày nào chị cũng có mặt đúng giờ để chăm sóc cho từng cụ. Cụ nào khó ăn chị phải năn nỉ, vỗ về, thậm chí “lừa phỉnh” để đút từng thìa cháo. “Cứ nghĩ tới việc các cụ không còn người thân là tôi càng muốn chăm sóc tốt hơn đề bù đắp cho các cụ” - chị Toàn tâm sự.

Hiện các cụ được trợ cấp tiền ăn 800.000 đồng/tháng với các chế độ ăn mỗi cụ khác nhau, có cụ ăn cháo, có cụ ăn cơm, có cụ lại ăn chay trường, có cụ chỉ uống sữa. Điều này khiến các điều dưỡng phải cực hơn trong chăm sóc.

LÊ PHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm