Mất chứng cứ, vẫn xử được!

Báo Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh chuyện TAND TP.HCM xử sơ thẩm vụ Mai Văn Thành về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Cụ thể, tháng 10-2011, Thành ký hợp đồng thuê ô tô của một người với giá 19 triệu đồng/tháng. Sau đó, Thành gặp bà PTNS nói kẹt tiền làm ăn, nhờ cầm giúp chiếc xe trên rồi đưa giấy tờ giả mang tên mình là chủ xe để mượn bà S. 350 triệu đồng…

Không xác định đồng phạm nhưng buộc bồi thường?!

Theo bà S., bà đã cung cấp cho cơ quan điều tra giấy mượn tiền do ông Hồ Công Hinh viết với nội dung: “Tôi tên Hồ Công Hinh cùng với ông Mai Văn Thành mượn số tiền 350 triệu. Tôi hẹn 10 ngày sẽ trả lại nếu không đúng hẹn thì tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Bà S. còn khai mình không hề biết Thành mà chỉ quen ông Hinh. Cả ông Hinh và Thành cùng ký giấy mượn 350 triệu đồng nên bà mới đưa tiền cho ông Hinh.

Tuy nhiên, sau đó chỉ có một mình Thành bị khởi tố, truy tố. Tại phiên sơ thẩm, tòa đã triệu tập ông Hinh với vai trò là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng ông này vắng mặt. Trước tòa, bị cáo Thành nói chính ông Hinh đã giới thiệu bà S. cho Thành và xúi Thành cầm ô tô. Do Thành còn đang nợ ông Hinh nên khi mượn, bà S. đã đưa hết tiền cho ông Hinh, còn Thành không giữ đồng nào. Còn bà S. khai sau khi Thành bị bắt, ông Hinh đã cam kết trả nợ cho bà.

Trước tòa, bị cáo Thành khai chính ông Hinh là người đã giới thiệu bà S. cho Thành và xúi Thành cầm xe ô tô. Ảnh: NN

Trước những tố cáo nói trên, tòa cho biết: “Tòa không phủ định sự có mặt của Hồ Công Hinh với vai trò đồng phạm nhưng khi nào cơ quan điều tra có đủ chứng cứ sẽ đưa ra xử”. Tòa nói trước đây tòa đã trả hồ sơ vì cho rằng có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm nhưng cơ quan điều tra vẫn không truy cứu trách nhiệm hình sự nên tòa không thể đề cập đến vai trò của ông Hinh.

Đại diện VKS còn cho biết trong quá trình điều tra, điều tra viên làm mất giấy cam kết trả tiền của ông Hinh mà bà S. cung cấp. “Chúng tôi đã kiến nghị và điều tra viên bị luân chuyển công tác. Chúng tôi đã đặt câu hỏi về vai trò đồng phạm của Hinh, nếu bị cáo có chứng cứ chứng minh thì cứ cung cấp tài liệu và làm đơn tố cáo” - đại diện VKS nói.

Luật sư của Thành yêu cầu trả hồ sơ vì có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và đặt nghi vấn: “Chứng cứ quan trọng buộc tội ông Hinh lại bị cơ quan điều tra làm mất, phải chăng có khuất tất?”. Tuy nhiên, tòa vẫn phạt Thành 10 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hai năm tù về tội giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức, tổng hợp hình phạt chung là 12 năm tù. Đáng ngạc nhiên là ông Hinh không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng lại bị tòa buộc liên đới với Thành bồi thường cho bà S.

VKS và tòa đều chưa làm hết trách nhiệm

Theo BLTTHS, tòa chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà VKS truy tố và tòa đã quyết định đưa ra xét xử. Nhưng không vì thế mà cho rằng VKS truy tố thế nào thì tòa sẽ xử như vậy. Nếu trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, tòa phát hiện bỏ lọt tội phạm và đã trả hồ sơ vụ án cho VKS hai lần mà VKS vẫn giữ nguyên cáo trạng thì tòa buộc phải đưa vụ án ra xử. Tại phiên tòa, qua xét hỏi và tranh luận, HĐXX thấy cần xem xét thêm những chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà không thể bổ sung tại phiên tòa; có căn cứ để cho rằng bị cáo phạm một tội khác hoặc có đồng phạm khác… thì HĐXX vẫn có quyền trả hồ sơ vụ án cho VKS để điều tra bổ sung. Không có quy định nào bắt buộc HĐXX cứ phải xét xử và ra bản án.

Trong vụ này, trong quá trình điều tra, bà S. đã cung cấp chứng cứ cho cơ quan điều tra nhưng điều tra viên làm mất. Cần phải hiểu rằng mất chứng cứ khác hẳn với không có chứng cứ. Thực tiễn xét xử có nhiều trường hợp chứng cứ bị mất nhưng nếu chứng cứ đó có thật thì có mất cũng không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật của vụ án. Ở đây, việc mất chứng cứ quan trọng xác định ông Hinh có đồng phạm hay không chưa được điều tra làm rõ. Lẽ ra tòa cần triệu tập điều tra viên đã làm mất tài liệu để làm rõ dù điều tra viên này đã bị luân chuyển công tác hoặc trả hồ sơ vụ án yêu cầu VKS và cơ quan điều tra chứng minh việc điều tra viên làm mất tài liệu, chứng cứ xem có gì khuất tất không. Đại diện VKS không thể nói: “Nếu bị cáo có chứng cứ chứng minh thì cứ cung cấp tài liệu và làm đơn tố cáo” bởi nghĩa vụ chứng minh là của cơ quan tố tụng chứ không phải của bị cáo. Cũng không thể nói như HĐXX là “khi nào cơ quan điều tra có đủ chứng cứ sẽ đưa ra xử” hoặc “đã trả hồ sơ vụ án rồi nhưng cơ quan điều tra vẫn không truy cứu trách nhiệm hình sự nên không thể đề cập vai trò của ông Hinh”.

Rõ ràng cả đại diện VKS và HĐXX đã không làm hết trách nhiệm của mình. Việc tòa triệu tập ông Hinh với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng cần xem lại có chính xác không? Nếu ông Hinh liên quan đến trách nhiệm bồi thường, tức là liên quan đến trách nhiệm hình sự; việc ông Hinh vắng mặt tại phiên tòa mà tòa vẫn xét xử là vi phạm tố tụng.

Theo thông tin báo nêu thì luật sư của Thành cho biết sẽ kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Hy vọng tòa cấp phúc thẩm sẽ xem xét một cách khách quan, toàn diện để tránh oan sai nhưng cũng không để lọt người phạm tội.

ĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm