Mặt trái lao động Việt ở Nga - Bài 2: Khó khăn trong bảo vệ quyền lợi

Tháng 4 vừa qua, trong chuyến công tác tại Nga của một đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền và Phó Trưởng Đoàn đại biểu TP.HCM Trần Du Lịch đã được nghe Đại sứ quán Việt Nam tại Nga phản ánh về tình trạng lao động Việt Nam và những khó khăn khi muốn bảo vệ quyền lợi cho họ.

Khó đương đầu với công ty ma

Thông thường người lao động Việt Nam sang Nga theo một số con đường. Cách thứ nhất là đi theo hợp đồng lao động do phía các công ty Việt Nam ký trực tiếp với đối tác Nga. Cách thứ hai là đi bằng visa du lịch rồi ở lại luôn - cách này phải có sự tiếp tay của những công ty du lịch Việt Nam chuyên “đạp người sang Nga”, hoặc các công ty ma của Nga chuyên gửi “giấy mời du lịch”, “thăm thân” để tạo điều kiện cho người nước ngoài nhập cư trái phép.

Với những người đi theo cách thứ nhất, do có tính chất chính thống nên tình hình còn tương đối dễ quản lý. Tuy nhiên, lại có hiện tượng đối tác Nga sau khi ký hợp đồng và đón nhận lao động Việt Nam sang thì chuyển nhượng cho công ty khác và mọi chuyện sau đó thế nào thì phía Việt Nam không nắm được. Nói cách khác, theo anh G., người có kinh nghiệm nhiều năm học tập, buôn bán, làm việc ở Nga: “Vấn đề ở đây là phần diễn ra trên đất Việt Nam thì hợp pháp nhưng sang đến Nga thì lại thành bất hợp pháp”, nên mới khó xử lý. Đây cũng là điều Đại sứ quán Việt Nam nêu trong văn bản gửi về nước năm 2008: “Người lao động khi nhập cảnh vào Nga là hợp pháp nhưng khi đi về nơi lao động thì đã trở thành không hợp pháp”.

Mặt trái lao động Việt ở Nga - Bài 2: Khó khăn trong bảo vệ quyền lợi ảnh 1

Những người lao động Việt Nam ở TP Ufa, thủ phủ nước Cộng hòa Baskiria (Nga), nơi có gần 7.000 người Việt Nam sinh sống và làm việc ổn định, hợp pháp. Ảnh: ANH NGHỆ

Tuy nhiên, theo ông Trần Du Lịch, dẫu sao với những người đi theo cách thứ nhất có thể quản lý được. Ít nhất người lao động có thể tìm cách thông báo cho đại sứ quán ngay khi họ bị “sang tay”, để đại sứ quán xác minh xem họ bị giao cho ai và đưa về đâu.

Với những người đi theo cách hai, tình hình rất khó kiểm soát vì nó đã có mầm mống bất hợp pháp ngay trên đất Việt Nam, với sự tiếp tay của các công ty du lịch Việt Nam và cả công ty ma bên Nga.

Theo anh G.: “Vấn đề là phải chặn từ gốc các công ty “buôn người” đó, ở phía Việt Nam. Còn ở bên Nga, cảnh sát thỉnh thoảng cũng có bắt một băng buôn người nào đấy nhưng không rõ sau đó sẽ xử lý ra sao. Dường như cũng còn tùy nạn nhân là người nước nào. Sẽ có các mức độ đối xử tôn trọng hoặc không tôn trọng khác nhau, thậm chí có trường hợp người lao động còn bị đánh, bị cướp sạch cả tiền”.

Lập đường dây nóng…?

Tại cuộc họp với đại diện Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga phản ánh, có nhiều người lao động đã gọi điện thoại về sứ quán cầu cứu nhưng ngay bản thân họ cũng không biết mình đang ở đâu, do không biết tiếng Nga, bị giam biệt lập và bị đe dọa nếu có ý định bỏ trốn. Cơ quan đại diện ngoại giao lại không có đủ lực lượng và phương tiện hỗ trợ để xác minh và xử lý.

Việc phát hiện các xưởng may “đen” hoàn toàn phụ thuộc vào cơ quan chức năng, cảnh sát Nga, vì có hàng trăm xí nghiệp như thế nằm rải rác khắp nước Nga. Chủ của chúng đa số là người Việt nhưng cũng có cả người Trung Á - thường chọn những nơi ngoại thành vắng vẻ, những nhà hoang, tầng hầm chung cư cũ v.v… để làm nơi giam nhốt công nhân, cưỡng bức lao động. Do vậy nếu cơ quan bảo vệ pháp luật ở Nga không chủ động phá “các ổ lao động nhập cư bất hợp pháp” thì những nước có liên quan cũng không có cách nào can thiệp.

Mặt trái lao động Việt ở Nga - Bài 2: Khó khăn trong bảo vệ quyền lợi ảnh 2

30 người Việt Nam bị bắt làm việc như nô lệ ở một nhà máy bất hợp pháp ở Egorievsk, ngoại ô Matxcơva được cảnh sát giải cứu ngày 26-3-2010. Ảnh: SVPRESSA

Ông Trần Du Lịch cho biết, đoàn công tác sẽ có báo cáo gửi Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, v.v… để phối hợp tìm phương án giải quyết. Theo ông, “đây là vấn đề cần được quan tâm đặc biệt, cơ quan chức năng nên có giải pháp cụ thể”.

Một số người Việt Nam từng công tác ở Nga đề xuất, với tính chất nghiêm trọng của vụ việc thì Việt Nam nên thành lập những cơ quan độc lập bảo vệ lao động Việt, thậm chí lập một ủy ban, có website, địa chỉ, điện thoại đường dây nóng và các phương tiện hỗ trợ đặc biệt… tóm lại một kênh để người lao động ở bất kỳ đâu cũng có thể liên lạc, nhờ giúp đỡ.

Giải pháp lâu dài

Một trong những khía cạnh khiến nhiều người lo ngại là sự tồn tại của các xưởng may “đen” và những vụ “phá ổ lao động nhập cư bất hợp pháp” đã làm tổn hại hình ảnh người Việt Nam tại Nga. Với mỗi vụ cảnh sát phát hiện một cơ sở nào đó, cơ quan thông tin đại chúng Nga thường đưa tin, chụp ảnh, quay phim nơi ăn, ở, làm việc chật chội và nhếch nhác của người Việt, tạo ấn tượng về một cộng đồng “xưa thì buôn lậu, nay thì lao động chui”. Điều này ảnh hưởng rất xấu đến cái nhìn của dân chúng sở tại về lao động Việt Nam nói riêng và nhập cư nói chung, nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Nga đang dâng cao.

Bản tin trên tờ Puskino số ra ngày 1-2 vừa qua, khi nói về việc “cảnh sát Nga phá được một xưởng may đen ở Ivanteevka”, viết: “Hiện tại, vụ việc này đang được điều tra theo điều khoản “tổ chức việc nhập cư bất hợp pháp”. Tất cả các công dân Việt Nam đang bị tạm giam, chuẩn bị để trục xuất. Khi được hỏi làm sao họ đến được vùng ngoại ô Matxcơva này, các công nhân Việt lặng thinh. Hẳn là ở tổ quốc họ, đến cả công việc như thế này họ cũng không thể tìm thấy”.

Báo chí Nga giải thích rằng do Việt Nam nghèo, thất nghiệp cao, “nhân mãn” nên người Việt thà đi làm lao động ở các xưởng may như thời tiền tư bản đó còn hơn. Quả thật, cũng có một thực tế là đa số lao động Việt Nam bị kẹt trong các cơ sở “đen” là dân nghèo ở nông thôn, người thất nghiệp ở thành thị.

Do đó, theo một số người Việt Nam từng công tác ở Nga, giải pháp về lâu dài vẫn phải là tăng trưởng kinh tế, giảm thất nghiệp và xây dựng một văn hóa kinh doanh khác cả ở trong nước lẫn nước ngoài để cải thiện hình ảnh cộng đồng.

ĐOAN TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm