Mô hình viện kiểm sát bốn cấp: Phải sửa luật?

Tại Hội nghị toàn quốc ngành kiểm sát năm 2011, diễn ra ngày 22, 23-6 tại TP.HCM, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND Tối cao Hoàng Nghĩa Mai đã cho biết một số điểm khác của mô hình VKSND bốn cấp (VKSND khu vực; VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; VKSND cấp cao; VKSND Tối cao).

Mô hình bốn cấp có gì khác?

Theo đó VKSND khu vực có thẩm quyền tương tự như VKSND cấp quận, huyện nhưng mở rộng hơn về quy mô địa hạt, chức năng, nhiệm vụ, năng lực giải quyết án. Đây là cấp trực tiếp giải quyết hầu hết các loại án theo thủ tục sơ thẩm (chiếm 90% vụ việc). VKSND khu vực thành lập trên cơ sở một hoặc một số VKSND cấp quận, huyện sát nhập vào một khu vực. Số lượng VKSND khu vực và địa hạt tư pháp của từng khu vực bắt buộc phải tương ứng với số lượng TAND sơ thẩm khu vực.

VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không có sự thay đổi nhiều, vẫn giữ nguyên tên gọi, cơ cấu tổ chức, địa giới hành chính như hiện nay (mỗi tỉnh, thành phố có một VKSND cấp tỉnh). Riêng về thẩm quyền, VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ không còn chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm nhưng vẫn tiếp tục duy trì các chức năng, nhiệm vụ khác.

VKSND cấp cao được tổ chức trên cơ sở tách ba viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm của VKSND Tối cao (gọi tắt là Viện Phúc thẩm) tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM hiện nay. Cả nước sẽ có ba VKSND cấp cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM, với địa hạt tư pháp giữ nguyên như ba Viện Phúc thẩm. Ba VKSND cấp cao vẫn kế thừa thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của ba Viện Phúc thẩm nhưng tăng thêm thẩm quyền công tố, kiểm sát xét xử giám đốc thẩm và tái thẩm, tiếp nhận toàn bộ án giám đốc thẩm, tái thẩm của VKSND cấp tỉnh chuyển giao.

Mô hình viện kiểm sát bốn cấp: Phải sửa luật? ảnh 1

Kiểm sát viên đang luận tội tại một phiên tòa lưu động. Ảnh: HTD

VKSND Tối cao sẽ tập trung vào công tác chỉ đạo, kiểm tra, tổng kết thực tiễn, hướng dẫn áp dụng pháp luật và hoạt động nghiệp vụ đối với toàn ngành, thanh tra nội bộ, xây dựng bộ máy, đào tạo bồi dưỡng cán bộ. VKSND Tối cao vẫn kế thừa chức năng trực tiếp thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án của Cơ quan Điều tra Bộ Công an; thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử đối với án giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc thẩm quyền xét xử của TAND Tối cao. Tổ chức bộ máy của VKSND Tối cao sẽ gọn hơn sau khi tách đi ba Viện Phúc thẩm. Các vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử có thể chuyển đổi thành các viện trực thuộc VKSND Tối cao.

Riêng Cơ quan điều tra thuộc VKSND Tối cao được đề xuất mở rộng thẩm quyền điều tra các loại tội phạm mà người phạm tội là cán bộ tư pháp, không giới hạn thẩm quyền điều tra chỉ trong nhóm tội xâm phạm hoạt động tư pháp của cán bộ tư pháp như hiện nay.

Cần sửa hiến pháp, luật

Theo ông Hoàng Nghĩa Mai, việc thành lập, tổ chức hoạt động VKSND khu vực sẽ vướng một số quy định hiện hành như Điều 140 Hiến pháp; Điều 9, Điều 30, Điều 36 Luật Tổ chức VKSND năm 2002 và trong các bộ luật tố tụng liên quan chức năng, nhiệm vụ của VKSND cấp quận, huyện.

Cụ thể, Điều 140 Hiến pháp và Điều 9 Luật Tổ chức VKSND năm 2002 quy định viện trưởng các VKSND địa phương chịu sự giám sát của HĐND cùng cấp; báo cáo công tác trước HĐND và trả lời chất vấn của đại biểu HĐND. Khi chuyển sang mô hình mới, do địa hạt tư pháp của VKSND khu vực không tương ứng với địa hạt quản lý hành chính nên thực tế không thể có HĐND ngang cấp để thực hiện quyền giám sát dân cử, chất vấn như luật định.

Như vậy, VKSND khu vực với địa hạt bao quát vài quận, huyện thì viện trưởng sẽ phải báo cáo công tác, trả lời chất vấn trước HĐND quận, huyện nào? Có phải lần lượt báo cáo cho HĐND từng địa phương? Mà nếu quy định không cụ thể sẽ có nguy cơ VKSND khu vực sẽ thoát khỏi hệ thống giám sát dân cử.

Bên cạnh đó, Luật Tổ chức VKSND sẽ phải sửa đổi Điều 30, Điều 36 (quy định về cơ cấu hệ thống VKSND các cấp) khi VKSND cấp quận, huyện không còn tồn tại. Chưa kể hàng loạt quy định hiện nay trong các bộ luật tố tụng có về thẩm quyền, chức năng của VKSND quận, huyện cũng phải thay đổi. Bởi lẽ tuy VKSND khu vực kế thừa thẩm quyền của VKSND cấp quận, huyện nhưng vẫn cần phải luật hóa trong các bộ luật tố tụng để đảm bảo tính pháp lý cao nhất. Sẽ ra sao nếu VKSND khu vực truy tố bị can ra tòa thì bị “vặn” lại là trong luật tố tụng “chưa có khái niệm VKSND khu vực”?

Mô hình cơ quan điều tra ra sao?

Lãnh đạo VKSND một số địa phương bày tỏ băn khoăn về vai trò công tố và kiểm sát điều tra của VKSND khu vực theo mô hình VKSND bốn cấp trong điều kiện cơ quan điều tra vẫn tổ chức theo ba cấp trực thuộc công an quận, huyện; công an tỉnh, thành phố; Bộ Công an như hiện nay. Liệu có “khập khiễng” so với chủ trương “gắn công tố với điều tra” mà ngành kiểm sát đề ra? Vấn đề này cần được quan tâm nghiên cứu, tổng kết để hoàn thiện tổ chức hoạt động của VKSND khu vực.

Những trăn trở

VKSND Tối cao cần sớm hướng dẫn chi tiết quy mô, lộ trình tổ chức VKSND khu vực. Về nguyên tắc, VKSND được tổ chức phù hợp với hệ thống tổ chức của TAND. Hiện TAND Tối cao hướng dẫn tổ chức một TAND khu vực có quy mô thụ lý trên 900 vụ/năm. Tuy nhiên, VKSND khu vực không thể tổ chức sát nhập các VKSND quận, huyện theo cách cộng dồn số lượng án thụ lý vì hoạt động kiểm sát phải xử lý nhiều tình huống đột xuất như khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi…

Đối với các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên địa bàn quá rộng, có nhiều khó khăn về giao thông, nếu một VKSND khu vực phụ trách địa bàn nhiều huyện thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng kiểm sát.

Ông LƯƠNG VĂN THÀNH, Viện trưởng VKSND TP Hải Phòng

Dự kiến của Hà Nội

Hiện Hà Nội có 29 VKSND cấp quận, huyện dự kiến sẽ gom lại thành 16 VKSND khu vực. Trong đó sẽ chuyển đổi năm VKS quận (lượng án trên 1.000 vụ/năm) và hai VKS huyện (lượng án trên 800 vụ/năm) trở thành VKS khu vực; năm VKS khu vực có quy mô sát nhập từ hai VKS cấp huyện lại thành một; bốn VKS khu vực có quy mô sát nhập từ ba VKS huyện lại thành một.

Ông ĐẶNG VĂN KHANH, Viện trưởng VKSND TP Hà Nội

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm