Một bản án mắc đến… 13 lỗi

Theo hồ sơ, cuối tháng 2-2011, ông NVT có ký nhiều hợp đồng vay tổng số tiền 2,4 tỉ đồng của vợ chồng ông NVN. Hợp đồng vay không thể hiện lãi suất, thời hạn cho vay và không có tài sản thế chấp bảo đảm.

Tranh chấp đơn giản

Đến đầu năm 2012, vợ chồng ông N. đã nộp đơn khởi kiện ông T. ra TAND quận 2 để đòi nợ. Theo đó, ông N. trình bày rằng ông T. đã trả được 1,218 tỉ đồng, còn nợ lại 1,182 tỉ đồng, trong đó có khoản lãi 69 triệu đồng trong ba tháng cuối năm 2011.

Thụ lý, TAND quận 2 xác định ông T. có bán đất cho hai người. Dù đất không còn thuộc quyền sử dụng của ông T. nhưng tòa vẫn tiến hành kê biên để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của ông T. Tòa cũng đưa hai người mua đất của ông T. vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Một bản án mắc đến… 13 lỗi ảnh 1

Xử sơ thẩm vắng mặt ông T. hồi đầu năm nay, TAND quận 2 đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của vợ chồng ông N. Đồng thời, tòa cũng tuyên hủy cả hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông T. với hai người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, buộc ông T. phải trả lại cho họ hơn 2,7 tỉ đồng…

Mắc hàng loạt sai sót nghiêm trọng

Sau phiên xử, ông T. và hai người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã kháng cáo. Tại phiên xử phúc thẩm mới đây, TAND TP.HCM đã chỉ ra hàng loạt sai sót nghiêm trọng của cấp sơ thẩm và hủy án, giao hồ sơ về cho TAND quận 2 giải quyết lại.

Trước hết, cấp sơ thẩm thực hiện việc phong tỏa tài sản (đất) không còn thuộc quyền sử dụng của người có nghĩa vụ (ông T.) là việc làm không có căn cứ và không đúng pháp luật.

Đặc biệt, ông T. và hai người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng đất nhưng cấp sơ thẩm vẫn đưa ra hủy và buộc ông T. trả lại tiền là xử vượt quá yêu cầu của các bên. Cấp sơ thẩm đã thụ lý, giải quyết một vụ kiện dân sự khi không có tranh chấp là việc làm hoàn toàn sai về thẩm quyền của tòa mà luật đã định. Việc giải quyết vượt quá yêu cầu của các đương sự đã vi phạm nguyên tắc quyền tự quyết định và định đoạt của họ. Đồng thời quyết định này cũng không đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của họ.

Mặt khác, trong quá trình hòa giải ở cấp sơ thẩm, hai bên nguyên - bị không thống nhất được với nhau về số nợ vốn và lãi nhưng cấp sơ thẩm lại không cho họ đối chất theo quy định của BLTTDS.

Tại phiên phúc thẩm, ông T. có yêu cầu đối chất số nợ này, đồng thời xuất hiện một tình tiết mới về việc vay nợ mà cấp sơ thẩm chưa làm rõ: Có hai hợp đồng vay trong các hợp đồng được ký giữa hai bên nguyên - bị không ghi thời hạn và lãi suất, theo quy định vợ chồng ông N. muốn đòi lại thì phải báo trước cho ông T. một khoảng thời gian hợp lý. Hồ sơ vụ án thể hiện vợ chồng ông N. không thực hiện việc báo trước nhưng cấp sơ thẩm vẫn chấp nhận yêu cầu, tính lãi quá hạn cho ông T. trong khi chưa thực hiện việc đối chất là giải quyết không có cơ sở.

Chưa kể, khi khởi kiện, vợ chồng ông N. chỉ đòi nợ 1,182 tỉ đồng nhưng cấp sơ thẩm lại buộc ông T. trả thêm khoản nợ vốn 400 triệu đồng trong khi trước đó không hề có thông báo thụ lý yêu cầu này. Khi giải quyết, cấp sơ thẩm không buộc vợ chồng ông N. đóng tạm ứng án phí về yêu cầu bổ sung đòi tiền lãi, cũng không ra thông báo thụ lý bổ sung mà giải quyết luôn là có thiếu sót.

Tóm lại, chỉ một bản án sơ thẩm mà TAND TP liệt kê ra đến 13 lỗi vi phạm.

Tố tụng cũng không đảm bảo

Ngoài ra, TAND TP.HCM còn nhận thấy cấp sơ thẩm còn có nhiều thiếu sót về tố tụng khác trong vụ án này: Quyết định phân công giải quyết của chánh án chỉ có một thẩm phán nhưng trong quá trình giải quyết còn có hai thẩm phán khác tham gia. Biên bản hòa giải viết tay còn để trống nhiều hàng ở khoảng giữa. Biên bản hòa giải in không xác định được tên thẩm phán tiến hành tố tụng. Thông báo sửa chữa bổ sung về quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã không được giao cho các bên tham gia tố tụng. Các biên bản ghi nhận sự việc, niêm yết xét xử ghi không đúng địa chỉ của bị đơn. Cấp sơ thẩm chưa thực hiện đầy đủ việc tống đạt hợp lệ với người tham gia tố tụng (bị đơn) nhưng đã tiến hành xét xử vắng mặt. Đơn xin miễn, giảm án phí của bị đơn cũng không được cấp sơ thẩm xem xét.

ÁI MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm