‘Mùa xử án’

Cho tới khi xử vụ giao cấu với trẻ em (cũng là vụ cuối cùng trong ngày) đồng hồ đã chỉ 17 giờ 20 phút. Đến 19 giờ thì phiên xử bước sang phần tranh luận. Nhìn ra ngoài phòng xử chỉ thấy bóng đêm, không gian trở lên thanh vắng, yên lặng đến lạ. Một vài người dự tòa tỏ ra mệt mỏi, có người không còn kiên nhẫn ngồi nghe mà bước ra ngoài uống nước cho qua cơn đói, khát. Bên trong phòng xử, có luật sư ngả lưng ra ghế. Bên ngoài, những chiến sĩ công an bảo vệ đi tới đi lui, thỉnh thoảng lại ngó vào. Một anh công an động viên tôi: “Giờ trễ lắm rồi, ai cũng mệt. Thôi cố gắng lên em!”. Tôi cố mỉm cười.

20 giờ, tòa vào trong nghị án, mọi người được dịp “xả hơi”.

20 giờ 40 thì tòa tuyên án xong.

Tôi hỏi thăm chủ tọa phiên tòa, ông vừa đi vừa nói: “Để tránh mất thời gian đi lại của các đương sự nên chúng tôi phải xử”. Một thẩm phán ngồi cánh gà khác nói thêm: “Do đây là tháng cao điểm, ngày mai tôi lại phải tiếp tục xử cả ngày”.

Xe tù lăn bánh. Cha bị cáo nói: “Cả ngày tôi có mặt ở tòa tới giờ này, vì tòa mời tôi từ sáng mà. Trễ quá, không còn xe buýt về, chắc phải ở nhà người quen ngủ nhờ. Bị hại cũng đi xe buýt, không biết họ về bằng cách nào…”.

2. Sáng 30-9, tôi đến dự một phiên tòa tại TAND một quận ở TP.HCM. Tình cờ tôi lại gặp luật sư T., người bào chữa cho một bị cáo ở phiên tòa tối qua tại TAND tỉnh Đ. Chị đang ngồi chờ thẩm phán xử cho xong vụ bồi thường danh dự mới tới vụ chị nhận bào chữa. Luật sư T. sụt sịt mũi, thỉnh thoảng lại hắt hơi. “Sáng qua, khi tôi đang dự phiên tòa ở Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM thì thư ký tòa Đ. báo chiều xử vụ giao cấu mà tôi bào chữa cho bị cáo. 11 giờ trưa phiên tòa kết thúc, tôi chỉ kịp về văn phòng ôm mớ hồ sơ rồi leo lên xe xuống tòa tỉnh Đ. cho kịp giờ. Ấy thế nhưng tôi phải chờ đến chiều tối thì mới đến phiên xử của mình. Tối qua tòa xử xong trễ quá, tôi đói meo, ra khỏi tòa là vội đi tìm quán ăn. Về tới Sài Gòn đã 11 giờ đêm” - luật sư T. than.

11 giờ 50 trưa, tòa xử xong vụ bồi thường danh dự. Các đương sự của vụ sau nhanh chóng vào chỗ ngồi. Chủ tọa nói: “Do phiên tòa buổi sáng kéo dài đến 12 giờ trưa, bản thân HĐXX cũng mệt, các đương sự cố gắng tập trung vào việc, chiều nay chúng tôi còn việc khác”. Do vắng mặt kiểm sát viên nên HĐXX vào trong hội ý. Một người nhà của đương sự bức xúc, nói oang: “Làm việc không có khoa học gì hết. Mời người ta từ 8 giờ sáng mà đến giờ vẫn chưa bắt đầu, quá mất thời gian chờ đợi. Lẽ ra giờ này phải là giờ nghỉ trưa, vậy mà tòa lại đưa ra xử. Xử vậy thì làm sao còn đủ minh mẫn. Thiệt tội cho cô thư ký đang mang bầu…”.

12 giờ 20, HĐXX ra thông báo hoãn phiên tòa để tiếp tục mời đại diện VKS. Luật sư T. nhăn mặt: “Ngày tôi ngồi hai phiên tòa đã thấy đuối rồi, huống chi HĐXX. Tôi nghĩ HĐXX đã mệt, buộc tôi cũng phải nói chậm, chắt lọc, mặc dù HĐXX không cắt lời. Làm việc ngoài giờ hành chính rất dễ dẫn đến kiểm sát viên cũng chẳng muốn tranh luận nhiều mà chỉ nói “bảo lưu quan điểm”. Khi tinh thần không còn minh mẫn, liệu HĐXX có lắng nghe kỹ những gì tôi nói không? Đơn cử như tối qua, khi tôi chưa đặt câu hỏi cho bị hại, họ đã trả lời rồi”.

3. Hằng năm, cứ vào tháng 9 là các tòa án thường chạy đua với thời gian để xử án, có tòa còn linh hoạt tận dụng luôn cả ngày thứ Bảy để xét xử. Người ngoài có thể không hiểu tại sao nhưng dân trong ngành thì biết rõ: Tòa phải xử cho xong những vụ án đã thụ lý đặng còn kịp tổng hợp báo cáo lên cấp trên, như thế số vụ án tồn cũng sẽ ít đi.

Trong tháng cao điểm này, nhất là tuần cuối cùng, có thẩm phán xử một ngày trên năm vụ án, không kể là dân hay hình. Nếu là xử phúc thẩm (hoặc sơ thẩm nhưng HĐXX có năm người, hai thẩm phán và ba hội thẩm), ta dễ bắt gặp cảnh cùng một HĐXX nhưng vụ này thì thẩm phán này làm chủ tọa, vụ kia thì thẩm phán khác làm chủ tọa.

Với áp lực thời gian như vậy, cho dù sức khỏe có tốt đến cỡ nào thì người tiến hành tố tụng và cả người tham gia tố tụng đều không tránh khỏi mệt mỏi. Mệt mỏi thì khó tránh khỏi sai sót, sơ sót và như vậy ít nhiều có ảnh hưởng đến chất lượng xét xử.

NGÂN NGA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm