Nghiệp vụ yếu nên mới dùng nhục hình

Xót xa ở chỗ kẻ nhân danh bảo vệ pháp luật lại chà đạp lên pháp luật, đạo lý, chà đạp lên phẩm giá của người khác. Gọi những kẻ ấy là côn đồ được hợp pháp hóa chắc cũng chẳng quá đáng.

Hệ thống pháp luật để kiểm soát việc sử dụng quyền lực còn lỏng lẻo, đúng. Nhưng theo tôi, sâu xa hơn có lẽ là nằm ở chất lượng đội ngũ cảnh sát, công an viên. Chất lượng được hình thành trước hết từ việc giáo dục đào tạo.

Có hai lý do chủ yếu giải thích cho việc dùng nhục hình. Một là do nghiệp vụ quá yếu (vì quá yếu nên người ta mới sử dụng phương pháp bạo lực để điều tra). Hai là do thiếu đạo đức nghề nghiệp.

Đạo đức của “nghề” cảnh sát, theo tôi, hơn ai hết là phải thượng tôn pháp luật, là biết tôn trọng phẩm giá của người khác (vì nhiệm vụ cơ bản của họ là bảo vệ pháp luật, bảo vệ phẩm giá con người). Các trường nghiệp vụ công an liệu có đảm bảo được hai yêu cầu cơ bản này trong việc đào tạo? Thiết nghĩ đã đến lúc cần xem lại.

Tiếp theo là vấn đề tuyển dụng. Một thực tế dễ thấy là yêu cầu đầu vào, đặc biệt là yêu cầu về năng lực hiện nay của ngành công an còn khá dễ dãi, đặc biệt là đối với lực lượng công an xã.

Chẳng hạn theo quy định, đối với công an viên chỉ cần tốt nghiệp THCS, còn trưởng-phó công an xã chỉ cần tốt nghiệp THPT.

Nhiều doanh nghiệp tuyển nhân viên lễ tân thôi còn đòi bằng đại học. Trong khi công an xã, theo Luật Công an nhân dân, được xem là lực lượng “nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở” mà trình độ cỡ đó thì làm sao đảm đương cho thật tốt nhiệm vụ.

Chưa cần nói chi đến nghiệp vụ, chỉ nội về tác phong, ứng xử của một số công an viên đã khiến nhiều nơi người dân phải sợ hãi, than trời.

Tình trạng nhục hình dẫn đến gây thương tích hoặc chết người tại các cơ quan công an xã rộ lên trong thời gian gần đây phải chăng có nguyên nhân từ chất lượng đầu vào quá thấp?

Nói đến đầu vào, có lẽ cũng không thể không bàn đến một chính sách gây xầm xì lâu nay, đó là quy định về tuyển dụng dựa trên tiêu chí “con ông cháu cha” của ngành công an. Theo đó, cho phép ưu tiên tuyển dụng vào ngành công an đối với con của cán bộ công an có thời gian làm việc trong ngành liên tục từ 15 năm trở lên (Thông tư 30/2009/TT-BCA của Bộ Công an).

Nói cách khác, con của cán bộ công an thì được ưu ái tuyển chọn trước, còn người ngoài ngành thì… chờ đấy!

Không rõ mục đích của chính sách này có phải nhằm trả ơn cho cán bộ của ngành hay nhằm tạo ra các thế hệ phục vụ trung thành hay không.

Nhưng rõ ràng quy định mang đậm đặc quyền nói trên đã làm giảm đi tính cạnh tranh và cơ hội để ngành công an chọn lựa những người ưu tú nhất, trong khi có những người không có năng lực, phẩm chất lại được tạo điều kiện tuyển dụng một cách dễ dàng.

Câu chuyện xảy ra cách đây không lâu khiến ai cũng giật mình là vụ tám chiến sĩ công an thuộc Công an tỉnh Long An (đang được đào tạo để làm việc) bị loại khỏi ngành do phát hiện sử dụng ma túy. Trong số đó có tới bốn người là con của cán bộ công tác trong ngành công an ở Long An. Thật khó mà tưởng tượng được sẽ còn điều gì tồi tệ hơn xảy ra nếu vụ việc không bị phát hiện và họ vẫn khoác lên mình sắc phục nhân danh là những người bảo vệ pháp luật.

Luật sư NGUYỄN TIẾN TÀI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm