LẠM DỤNG KHÁNG NGHỊ GIÁM ĐỐC THẨM - BÀI 3:

Nhiều hệ quả từ sự tùy tiện

Thẩm phán Hoàng Văn Hải (Phó Chánh án TAND tỉnh Tây Ninh) phân tích: Trong án dân sự, đương sự thua kiện thường có tâm lý khiếu nại cầu may ngay cả khi biết rõ mình đuối lý. Phía thắng kiện phải lãnh phần thiệt thòi trong các trường hợp lạm dụng kháng nghị bởi nguyên tắc cứ có kháng nghị là phải tạm hoãn thi hành án. Đến khi vụ án được giải quyết lại, cho dù phần thắng nghiêng về mình thì bên thắng kiện cũng đã bị thiệt đơn, thiệt kép vì có khi tài sản đã không còn nguyên vẹn…

Đương sự, tòa cấp dưới mệt mỏi

Luật sư Hoàng Kim Vinh (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước) cho rằng việc lạm dụng kháng nghị giám đốc thẩm, kháng nghị thiếu căn cứ không chỉ gây thiệt thòi cho quyền lợi hợp pháp, chính đáng của một bên đương sự mà còn tạo cho người dân tâm lý mệt mỏi, mất niềm tin vào các phán quyết của tòa án khi “nay vầy, mai khác, mốt lại khác nữa”. Họ sẽ nghi ngờ về tính khách quan và đạo đức của những người thực thi pháp luật, nhất là khi dư luận vẫn râm ran về những đường dây “chạy án” chuyên lật án, hủy án…(?).

Nhận định này cũng được kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm (Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao) đồng tình: “Từ những vụ kháng nghị tùy tiện, không có căn cứ, niềm tin của người dân vào các cơ quan tố tụng bị giảm sút trầm trọng. Chưa kể những người được hưởng lợi từ chuyện lạm dụng kháng nghị giám đốc thẩm cũng tỏ ra coi thường nền pháp chế”.

Việc lạm dụng kháng nghị giám đốc thẩm thiếu căn cứ còn làm khổ các tòa cấp dưới. Một thẩm phán ở TAND một quận tại TP.HCM than thở: “Có vụ xử sơ thẩm lại đến lần thứ ba, chúng tôi cũng không thể tuyên khác được vì chứng cứ đã quá rõ. Lên cấp phúc thẩm cũng không thay đổi kết quả so với những lần xử trước nhưng rồi không hiểu sao cứ bị kháng nghị giám đốc thẩm, bị hủy án. Giải quyết lại vừa mất công mất sức, vừa gây ức chế cho các thẩm phán cấp dưới”.

Nhiều hệ quả từ sự tùy tiện ảnh 1

Thi hành án khổ sở

Nói về hậu quả của việc lạm dụng kháng nghị giám đốc thẩm thiếu căn cứ, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận 8 (TP.HCM) Võ Thành Danh ngao ngán: “Nhiều khi chúng tôi không biết phải cười hay khóc!”.

Theo ông Danh, không chỉ ở địa phương ông mà cơ quan thi hành án ở các nơi khác cũng thường “đụng” kháng nghị giám đốc thẩm ở “phút 89”. Với những bản án vừa có hiệu lực pháp luật, cơ quan thi hành án mới vào cuộc mà bị người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm thì không nói làm gì vì chưa phát sinh hậu quả liên quan. Nhưng với những vụ đã thi hành án một phần hoặc toàn bộ thì rất khổ cho cơ quan thi hành án.

Chẳng hạn, bản án phúc thẩm tuyên ông A trả nhà, ông B phải giao lại cho A một khoản tiền. Cơ quan thi hành án vận động và ông B đã nộp tiền nhưng việc thi hành án phải tạm dừng vì bản án phúc thẩm bị kháng nghị giám đốc thẩm kèm yêu cầu hoãn thi hành án trong ba tháng. Khi đó, tiền lãi trên số tiền ông B đã nộp ai chịu? Chi phí thuê nhà cho ông A để chuẩn bị cưỡng chế giao nhà ai chịu? Đợi đến khi việc thi hành án phục hồi không biết bao giờ, lúc đó việc thi hành án khó khăn gấp bội phần…

Chưa kể, khi xử lại theo kháng nghị giám đốc thẩm mà các bản án về sau không đề cập, đưa ra hướng xử lý đến phần đã thi hành án trước đó thì quá trình thi hành án sẽ nên rối rắm, rơi vào ngõ cụt. Cơ quan thi hành án không biết làm sao, còn đương sự liên quan thì cứ liên tục đi khiếu nại.

Tạo tình trạng án không có điểm dừng

Theo kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm, Bộ luật Tố tụng dân sự đã quy định rõ là chỉ khi kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; có vi phạm tố tụng nghiêm trọng; có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật thì mới kháng nghị giám đốc thẩm. Việc lạm dụng kháng nghị giám đốc thẩm, kháng nghị không có căn cứ xác đáng, lặt vặt, thiếu thuyết phục góp phần làm cho nhiều bản án không có điểm dừng, cứ xử đi xử lại năm lần bảy lượt rồi lại quay về vạch xuất phát. Án cứ lật đi lật lại như “lật bánh phồng” và có thể kéo dài đến vô tận.

“Cả một guồng máy tố tụng bị huy động, làm khổ bao nhiêu con người liên quan chỉ vì những kháng nghị giám đốc thẩm thiếu căn cứ là một điều quá bất hợp lý. Giám đốc thẩm phải trả về đúng bản chất của nó là một thủ tục tố tụng đặc biệt để tòa cấp trên sửa cái sai của tòa cấp dưới. Nếu người có thẩm quyền giám đốc thẩm cứ can thiệp thiếu cân nhắc thì rất nguy hiểm, sẽ tạo ra tâm lý có cấp xét xử thứ ba trong suy nghĩ của người dân” - ông Thêm nói rõ.

Tạo “đất” cho tiêu cực?

Thẩm phán Hoàng Văn Hải trăn trở: “Trong khi niềm tin vào tòa của người dân còn hạn chế thì bên ngoài, hoạt động “cò” môi giới giám đốc thẩm diễn ra ngày càng nhiều, có khi là “chạy án” mà cũng có khi là lừa đảo…”.

Luật sư Hoàng Kim Vinh thẳng thắn: “Tôi nghe râm ran, không ít luật sư hiện nay có tham gia vào quá trình “chạy” kháng nghị, “chạy án” giám đốc thẩm. Không kể các hành vi lừa đảo phải bị nghiêm trị, xét về quy định nghề nghiệp thì việc làm đó vừa vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vừa tạo ra sự thiệt thòi, bất bình đẳng với chính các luật sư đồng nghiệp”.

Thi hành án bó tay

Năm 1999, TAND TP.HCM xử phúc thẩm buộc ông T. phải trả nợ ngân hàng gần 700 triệu đồng. Ông T. không có tiền nên Chi cục Thi hành án quận 10 đã tổ chức kê biên, bán đấu giá căn nhà của ông để thi hành án. Sau đó người trúng đấu giá đã hoàn tất việc sang tên sở hữu và đăng bộ chủ quyền.

Vụ việc trở nên rối như canh hẹ khi VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị hủy bản án phúc thẩm. Tháng 10-2002, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã hủy án, giao hồ sơ cho TAND TP xử phúc thẩm lại. Chưa kịp xử thì đầu năm 2004, ngân hàng rút yêu cầu khởi kiện ông T. nên TAND TP đình chỉ vụ án.

Quyết định đình chỉ không đả động gì đến ngôi nhà và người mua nhà hợp pháp qua đấu giá. Vì vậy, Chi cục Thi hành án quận 10 không biết giao nhà cho ai, cho người mua đấu giá không được mà trả cho ông T. cũng không xong!

 Năm 2005, TAND TP.HCM xử phúc thẩm một vụ tranh chấp hợp đồng mua bán nhà, buộc bà T. phải bồi thường cho ông P. 3.611 lượng vàng. Bà T. không trả nên tháng 5-2006, Cục Thi hành án dân sự TP đã phát mại căn nhà của bà T. trên đường Nguyễn Thị Diệu để thi hành án. Sau đó người trúng đấu giá đã nộp đủ tiền và hoàn tất thủ tục sang tên sở hữu nhà.

Tháng 2007, bản án phúc thẩm bị kháng nghị giám đốc thẩm, sau đó bị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hủy để xử lại. Năm tháng sau, xử phúc thẩm lại, TAND TP tuyên buộc bà T. phải bồi thường ông P. 2.096 lượng vàng nhưng không đề cập gì đến ngôi nhà trên. Từ đó cả bà T. lẫn người mua nhà đấu giá đều đề nghị giao nhà cho mình khiến Cục Thi hành án dân sự TP không biết phải làm sao…

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm