Nội quy phiên tòa: Hàng loạt điều chưa ổn

Đây là một bước ngoặt, chấm dứt tình trạng các tòa hiểu mỗi nơi một cách, áp dụng không thống nhất. Tuy nhiên, bản nội quy vừa ban hành có nhiều nội dung nếu không được giải thích hoặc hướng dẫn thì các tòa rất khó áp dụng.

Về kỹ thuật văn bản, nội quy phiên tòa sử dụng hai thuật ngữ khác nhau: “Người tham gia phiên tòa” và “Nhà báo dự phiên tòa”. Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính không quy định người dự phiên tòa và người tham gia phiên tòa mà chỉ có quy định: “Người trong phòng xử án”. Nếu người tham gia phiên tòa được hiểu là người tham gia tố tụng thì không đầy đủ, còn những người khác không phải là người tham gia tố tụng là người dự phiên tòa, trong đó có nhà báo thì cũng không ổn. Vậy người tiến hành tố tụng có mặt trong phòng xử án và lực lượng cảnh sát tư pháp dẫn giải bị cáo và bảo vệ phiên tòa là ai, họ có phải là đối tượng điều chỉnh của nội quy phiên tòa không?

Về nội dung, còn nhiều quy định trong bản nội quy phiên tòa mâu thuẫn, không rõ ràng, dẫn đến cách hiểu khác nhau.

Tại khoản 1 Điều 3 quy định: “...Nghiêm cấm mang đồ vật khác ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của phiên tòa vào phòng xử án và phải mặc quần áo nghiêm túc”. Vậy đồ vật khác nói ở đây bao gồm các đồ vật nào? Ví dụ: Người nhà của nạn nhân mang di ảnh, mặc áo xô, quấn khăn tang có ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của phiên tòa?

Cũng tại điều luật này, khoản 2 quy định “Người tham gia phiên tòa theo yêu cầu của tòa án phải xuất trình giấy mời”. Trong khi tòa án không sử dụng “giấy mời” và cũng không có quy định nào tòa án “mời ai đó đến dự phiên tòa”, không có một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân nào được “mời” đến dự phiên tòa cả! Pháp luật chỉ quy định “triệu tập” và người tham gia phiên tòa theo yêu cầu của tòa án chỉ phải xuất trình giấy “triệu tập”.

Về hoạt động thông tin, báo chí tại phiên tòa (Điều 4), đã có nhiều ý kiến phản đối từ khi dự thảo được công bố. Cơ quan soạn thảo đã tiếp thu và quy định theo hướng chỉ phải xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác… Tuy nhiên, nội dung điều luật này lại quá chung chung, sẽ dẫn đến cách hiểu và áp dụng khác nhau giữa các tòa án. Hơn nữa việc yêu cầu nhà báo xuất trình giấy giới thiệu công tác là không phù hợp, nếu có quy định “giấy giới thiệu” thì cũng chỉ nên quy định đối với phóng viên tập sự hoặc cộng tác viên vì họ không có thẻ nhà báo, phóng viên đã có thẻ nhà báo thì mọi hoạt động của họ đã có Luật Báo chí quy định. Lẽ ra chỉ cần quy định xuất trình một trong hai loại giấy tờ đó là đủ.

Chưa hết, việc quy định nhà báo tham dự phiên tòa phải xuất trình thẻ nhà báo và giấy giới thiệu công tác cho thư ký phiên tòa tại bàn thư ký chậm nhất là 15 phút, trước giờ khai mạc phiên tòa cũng không phù hợp. Quy định này chỉ phù hợp đối với những người được tòa án triệu tập đến phiên tòa, còn đối với nhà báo họ có thể đến lúc nào và về lúc nào là quyền của họ.

Điều 5 của bản nội quy phiên tòa quy định: “Lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa có nhiệm vụ thi hành quyết định của chủ tọa phiên tòa về việc bắt giữ người gây rối trật tự phiên tòa theo quy định của pháp luật” cũng chưa khái quát. Theo quy định thì việc bắt giữ người trong phòng xử án đâu chỉ có hành vi gây rối trật tự phiên tòa mà còn có thể có những hành vi khác. Lẽ ra chỉ cần quy định: “Lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa có nhiệm vụ bảo vệ trật tự phiên tòa và thi hành quyết định của chủ tọa phiên tòa” là đủ.

Còn nhiều “hạt sạn” và trong quá trình thực hiện, mong rằng TAND Tối cao tổng kết, chỉnh sửa để bản nội quy phiên tòa hoàn thiện hơn.

ĐINH VĂN QUẾ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm